Hội thảo do Hiệp Hội bất động sản Việt Nam phối hợp với Công ty CP Truyền thông Công Lý, Công ty CP CLB BĐS Hà Nội tổ chức.
Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Xây dựng, Hiệp Hội bất động sản Việt Nam, và các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Văn Khôi Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản Việt Nam - nói: Cải tạo chung cư cũ là vấn đề nhức nhối qua nhiều năm. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, tuy nhiên, để triển khai còn nhiều vướng mắc, khó khăn, bất cập.
Theo TS Nguyễn Văn Khôi, vướng nhất là doanh nghiệp đầu tư và vào chi phí lớn. Nhưng lại vướng quy hoạch, nên không thể xây dựng được các công trình có mật độ cao để "bù lỗ".
Khó khăn thứ 2 là vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng; Phương án quy hoạch; Trình tự triển khai còn khó khăn phức tạp; Xác định trách nhiệm chủ đầu tư với công tác an sinh xã hội. Cần cơ chế chính sách đủ sức hấp dẫn để doanh nghiệp chung tay.
"Trong quá trình vận hành, cũng có nhiều bất cập. Thường xuyên sở xây dựng các địa phương phải xử lý những bất cập ấy. Hiệp hội rất mong các chuyên gia sẽ có những đóng góp để đưa ý kiến, giúp Chính phủ có những quyết sách để giải quyết được vấn đề này." - ông Khôi nói.
Luật sư Nguyễn Hồng Chung – Giám đốc Công ty Luật TNHH Davilaw – DVL Lawfirm - nói, cũng bày tỏ nỗi lo lắng trước thực trạng chung cư cũ: Xây dựng lại, cải tạo chung cư cũ, mặc dù đã có định hướng từ hơn 20 năm qua nhưng kết quả không như mong muốn. Theo thống kê cả nước có gần 2.467 chung cư cũ (xây dựng trước năm 1994), trong số này 25% là nguy hiểm, xuống cấp nhưng đến nay mới chỉ cải tạo được 3%.
Trên cả nước có khoảng 2.500 khối nhà chung cư cũ. Qua rà soát, kiểm định an toàn chịu lực nhà CCC (chưa đầy đủ), hiện có khoảng trên 600/2.500 nhà chung cư nguy hiểm, hư hỏng nặng (chất lượng cấp C, cấp D), chiếm 25% tổng số, tập trung chủ yếu tại 02 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố khác và chủ yếu được xây dựng trước năm 1954 và từ năm 1960-1994. Trong đó 4 quận nội thành có tới gần 1.000 nhà chung cư. Hầu hết các chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ và không đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân. Do đó, việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là rất cấp thiết.
Theo Luật sư Chung, có một vấn đề khó khăn khi cải tạo chung cư cũ là nhà chung cư cũ hiện nay không có Ban quản trị của từng nhà hoặc cụm nhà như các nhà chung cư mới xây vì vậy việc tham gia bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu nhà chung cư cũ trong công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư vẫn là đơn lẻ, hạn chế và tự phát. Trong khi đó, tại các khu chung cư cũ đang rất phổ biến tình trạng sau thời gian dài buông lỏng quản đã dẫn tới tính trạng người dân tự ý cơi nới, lấn chiếm đất khuôn viên, không gian chung quanh nhà chung cư cũ rất phổ biến, thậm chí diện tích cơi nới, lấn chiếm lớn hơn cả diện tích căn hộ chung cư, gây nhiều khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng.
Do các quy định quản lý có thay đổi nên các chung cư cũ thường có nhiều loại hình sở hữu, trong đó có sở hữu Nhà nước, được giải quyết qua nhiều thời kỳ, có trường hợp bố trí sai thẩm quyền, sai công năng, lấn chiếm, sang tay, chuyển nhượng bất hợp pháp dẫn đến công tác bồi thường chậm trễ, kéo dài.
Ngoài ra, Nút thắt làm việc triển khai cải tạo chung cư cũ nát bị chậm chễ là do những bất cập của những quy định pháp luật như việc phải cần sự chấp thuận, đồng ý của 100% Hộ dân chung cư về việc cải tạo ( Nghị định 101 NĐ-CP /2015) và chưa có sự hài hòa lợi ích các bên, quy định hạn chế chiều cao…
Theo quan điểm của Luật sư Chung, để giải quyết được tình trạng này, Trước hết chính quyền địa phương nơi có chung cư cũ cần rà soát đánh giá tổng thể hiện trạng, khả năng phát triển của khu vực để điều chỉnh quy hoạch phân khu theo hướng tăng quy mô tầng cao, hệ số sử dụng đất và công bố chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của các địa điểm chung cư cũ trước khi chọn chủ đầu tư. Trong đó, tập trung rà soát lại các vị trí chung cư đã xác định chỉ tiêu quy hoạch nhưng không có nhà đầu tư đăng ký để có phương án điều chỉnh quy hoạch đồng bộ và đảm bảo khả thi.
Ông Chung cũng góp ý: Đối với các chung cư có kết quả kiểm định chất lượng công trình có mức độ nguy hiểm cấp D phải di dời khẩn cấp thì chỉ thực hiện phương thức tái định cư tại chỗ, không thực hiện phương thức bồi thường (bằng tiền); Các hộ dân trong chung cư cũ sẽ được di dời đến nơi tạm cư và bố trí tái định cư tại căn hộ mới sau khi công trình được xây dựng xong mà không phải trả thêm tiền. Nếu không có nhu cầu tái định cư tại chỗ, các hộ dân vẫn được bán căn hộ tái định cư (hình thành trong tương lai) cho mọi đối tượng (không nhất thiết chỉ được bán cho chủ đầu tư).Riêng các hộ đang cư ngụ tại các chung cư cũ, hư hỏng phải di dời theo quy hoạch để xây dựng mới thì được bố trí lại đúng diện tích đã ở trước đây. Trường hợp diện tích được bố trí có lớn hơn so với diện tích cũ thì khi bố trí lại căn hộ tái định cư người được bố trí không phải thanh toán tiền cho phần diện tích chênh lệch lớn hơn, tương đương với 20% diện tích căn hộ cũ. Đối với phần diện tích chênh lệch lớn hơn còn lại của căn hộ tái định cư, người được bố trí phải thanh toán cho Chủ đầu tư theo đơn giá xây dựng.
Đại diện cho Bộ xây dựng, ông Thân Thế Anh - trưởng phòng Quản lý Nhà ở cho biết:
Cải tạo nhà chung cư là công tác gặp nhiều khó khăn, đạt kết quả thấp. Vừa qua, CHính phủ cũng đã ban hành nghị định 69 để thay thế nghị định 101. Nghị định đã có nhiều bước đột phá, thúc đẩy việc xây dựng, cải tạo lại nhà chung cư. Mong rằng thời gian tới, Nghị định 69 và sự tích cực của địa phương, vấn đề này sẽ được giải quyết.
Luật Nhà ở tới đây sẽ có những quy định rất cơ bản cveef công tác cải tạo xây dựng nhà chung cư, quy định cụ thể các trường hợp nhà chung cư sẽ phải tháo dỡ xây dựng lại, nội dung về phương án bồi thường...
Ngoài Luật nhà ở, sẽ có văn bản dưới luật để hướng dẫn thi hành.
Về công tác quản lý, vận hành nhà chung cư, thời gian vừa qua cũng tồn tại một số bất cập. Năm 2019, Bộ xây dựng đã có phiên giải trình với Quốc hội, Trong báo cóa ở phiên giải trình, Quốc hội cũng đã đòng tình là hơn 90% các nhà chung cư được quản lý vận hành đúng nguyên tắc.
Dự thảo luật nhà ở tới đây , về cơ bản vẫn giữ nội dung quy định ở luật cũ. ví dụ quy định về phần sở hữu chung, sở hữu riêng... và bổ sung thêm một số vấn đề như các hình thức họp nhà chung cư, hay điều kiện của người tham gia ban quản trị...
Ông Thế Anh cũng cho biết Bộ Xây dựng sẽ có nhiều cuộc họp với các cơ quan liên quan để hoàn thiện quy định về vấn đề này.
Nói về những tranh chấp, xung đột tại các nhà chung cư hiện nay, Thạc sĩ, Luật sư: Nguyễn Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội- nhận định: Khác với nhà đất, việc mua – bán, sử dụng, quản lý nhà chung cư lại gặp rất nhiều vấn đề nổi cộm, tranh chấp trong thời gian qua. Các tranh chấp này chủ yếu đều xoay quanh mối quan hệ 04 bên: Cư dân – Chủ đầu tư – Ban quản trị - Đơn vị quản lý vận hành.
Theo ông Tuấn, ở chung cư thường có những tranh chấp từ giai đoạn mua – bán chung cư, Bàn giao quỹ bảo trì 2% hoặc tự ý rút ngắn thời hạn bảo trì; Tranh chấp về phần sở hữu chung riêng
Trong các vấn đề nảy sinh tranh chấp, chuyện bàn giao quỹ bảo trì là những tranh chấp nổi cộm. Vấn đề này không chỉ nằm trong mối quan hệ giữa cư dân – chủ đầu tư mà còn ảnh hưởng đến Ban Quản trị - Đơn vị QLVH và thậm chí là cả các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.
Rất nhiều các trường hợp nổi cộm tại Hà Nội như: Starcity 81 Lê Văn Lương, Tòa nhà Hòa Bình Green City, Tòa nhà New Horizon City 87 Lĩnh Nam hay tại TP. Hồ Chí Minh như: Chung cư Dreamhome Luxury, 4S Riverside Linh Đông, ….
Ông Tuấn cho rằng một phần nguyên nhân cho việc Chủ đầu tư “chậm” trong công tác bàn giao phí bảo trì chính bởi vì chưa có hành lang pháp lý rõ ràng cho việc xử lý, cưỡng chế các trường hợp không hoặc chậm trễ bàn giao (mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành tương đối đầy đủ); bên cạnh đó đối với các khoản Quỹ bảo trì tại các Tòa nhà/Cụm tòa nhà có số tiền lớn, thậm chí lên đến hàng trăm tỷ đồng thì đây là khoản tiền không hề nhỏ đối với một số Chủ đầu tư mong muốn chiếm dụng, chậm bàn giao.
"Theo Khoản 2 Điều 43 Văn bản hợp nhất số 05/VBHN-BXD ngày 07/09/2021 (“VBHN số 05”) thì tranh chấp về phí bảo trì trước tiên do UBND cấp tỉnh giải quyết, trong trường hợp không đồng ý với quyết định của UBND cấp tỉnh thì mới khởi kiện vụ việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền. Thực tế là chính UBND cấp tỉnh cũng chưa thực sự quyết liệt, có lúc, có nơi còn thờ ơ, quá tải với việc giải quyết tranh chấp này vì thiếu căn cứ pháp lý cho việc cưỡng chế thi hành. Điều này làm cho công tác “đòi tiền bảo trì” của Cư dân tiêu tốn khá nhiều thời gian và gặp nhiều cản trở." - ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng nhận định: Bên cạnh tranh chấp về phí bảo trì, tranh chấp về phân chia diện tích sở hữu chung riêng cũng là một dạng tranh chấp được quan tâm nhiều nhất.
"Theo quy định tại Điều 6, Điều 7 VBHN số 05, việc phân chia diện tích/ thiết bị chung – riêng phải được quy định rõ trong hợp đồng mua bán chung cư. Nội dung này đã giúp hạn chế những hành vi lách luật, mập mờ khi giao kết hợp đồng.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tồn tại rất nhiều các tranh chấp liên quan đến diện tích chung riêng, nổi bật nhất trong đó là các tranh chấp về diện tích tầng hầm và nơi để xe.
Hiện nay, mặc dù Luật nhà ở 2014 và VBHN số 05 có những quy định mới về khu vực để xe tại Nhà chung cư. Đặc biệt, Khoản 1 Điều 8 VBHN số 05 có nêu:
“Chỗ để xe của nhà chung cư được xây dựng căn cứ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng và hồ sơ thiết kế được phê duyệt. Chỗ để xe có thể bố trí tại tầng hầm hoặc tầng một hoặc tại phần diện tích khác trong hoặc ngoài nhà chung cư và được ghi rõ trong hợp đồng mua, bán căn hộ”
Quy định này bổ sung rất lớn cho những lỗ hổng còn tồn tại tại Luật Nhà ở 2014, trong khi trước đây theo quy định tại Điều 101 Luật Nhà ở 2014, vẫn chưa có quy định dành riêng cho khái niệm “chỗ để xe” mà bị gắn chặt với khái niệm “diện tích sử dụng căn hộ, diện tích khác trong nhà chung cư”. Dẫn đến tình trạng không xác định được khu vực/ diện tích để xe nằm trong chung cư mà lại nằm ngoài thiết kế được phê duyệt.
Khoản 1 Điều 8 VBHN số 05 đã hướng dẫn chi tiết nội dung Điều 101 Luật nhà ở 2014 đồng thời bổ sung thêm nội dung “được ghi rõ trong hợp đồng mua bán căn hộ”. Đây cũng là một thực trạng nhức nhối khi trước đây, các chủ đầu tư cố tình không đưa nội dung khu vực để xe vào hợp đồng hoặc có đưa thì chỉ nêu những mô tả về vị trí để xe không rõ ràng, dẫn đến hiểu lầm của cư dân trong lúc mua căn hộ và các tranh chấp về sau.
Tuy nhiên, mặc dù quy định pháp luật là vậy, nhưng nhiều trường hợp Chủ đầu tư cố tình chiếm hữu hầm gửi xe – diện tích chung thuộc sở hữu riêng của mình, bất chấp sự phản đối của cư dân. Đặc biệt là trong trường hợp Chủ đầu tư đồng thời giữ vai trò là Đơn vị quản lý tòa nhà, cư dân khó có thể sử dụng vị trí gửi xe thuộc diện tích chung một cách thuận tiện, dẫn đến tình trạng khi bức xúc dẫn đến cao trào, cư dân không còn cách gì khác ngoài việc kiện tụng đồng thời thu hút chú ý của truyền thông – dư luận nhằm gây áp lực cho Chủ đầu tư."
Về nguyên nhân, ông Tuấn cho rằng: Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ trong lĩnh vực quản lý, sử dụng nhà chung cư về cơ bản tương đối đầy đủ, ban hành kịp thời bởi các cấp có thẩm quyền trong thời gian gần đây, có các nội dung quy định khá sát để tháo gỡ các xung đột, tranh chấp giữa các bên tại các Tòa nhà/ Cụm tòa nhà chung cư (gần nhất có Thông tư số 06/2019/TT-BXD ngày 31/10/2019 và Thông tư số 07/2019/TT-BXD ngày 07/11/2019 của Bộ Xây dựng… hay như Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ra Quyết định số 29/2020/QĐ-UBND ngày 25/11/2020 về việc Ban hành Quy định chi tiết một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND thành phố về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội). Song thực tế, các xung đột vẫn chưa thể chấm dứt, bước đầu giải quyết một phần các bất cập nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để, giải quyết tận gốc vấn đề, đôi lúc còn chung chung và chưa phù hợp.
Những quy định hiện hành mới chỉ đáp ứng được nhu cầu khắc phục giải quyết các vướng mắc chủ yếu trong việc quản lý, sử dụng nhà chung cư. Tuy nhiên, mối quan hệ trong lĩnh vực sử dụng, quản lý nhà chung cư vẫn càng ngày càng trở nên phức tạp. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật không thể phát triển, hoàn thiện kịp thời so với sự phát triển của các mối quan hệ xã hội tại các Tòa nhà/ Cụm tòa nhà chung cư.
Xuất phát từ nguyên nhân trên chưa đồng bộ và theo kịp của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nên các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương cũng không thể mạnh mẽ can thiệp, ngăn chặn sớm các vấn đề đã, đang và sẽ nảy sinh trong thực tiễn.
Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng một nguyên nhân nữa là sự bất bình đẳng trong mối quan hệ giữa các Chủ sở hữu/ Người sử dụng nhà chung cư với Chủ đầu tư; Ý thức sử dụng nhà chung cư của chính các Chủ sở hữu/ Người sử dụng nhà chung cư
Để khắc phục những vấn đề này, ông Tuấn đề suất một số giải pháp:
- Cần rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh trúng, đúng các tranh chấp, bất cập hiện nay trong việc quản lý vận hành các Tòa nhà/ Cụm Tòa nhà chung cư trên phạm vi cả nước và có chế tài đủ mạnh để xử lý. Xem xét ban hành Nghị định Quản lý nhà chung cư.
- Cần có chế tài xử lý nghiêm với các Chủ đầu tư dự án nhà chung cư vi phạm trong lĩnh vực quản lý nhà chung cư, đặc biệt trong việc chậm bàn giao Quỹ bảo trì cho Ban quản trị… Giải quyết xung đột giữa các chủ thể liên quan trên nguyên tắc “thượng tôn pháp luật” nhằm đảm bảo quyền lợi các bên. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của vấn đề, có thể lựa chọn một hoặc nhiều hình thức kết hợp như thương lượng, hòa giải, giải quyết của tòa án…
- Cần xem xét việc yêu cầu bắt buộc có đơn vị quản lý chuyên nghiệp (đơn vị quản lý không trực thuộc Chủ đầu tư) ngay từ khi Chủ đầu tư dự án đưa cư dân vào ở. Chủ đầu tư cần minh bạch mọi thông tin liên quan đến khả năng phát sinh xung đột như tình hình tài chính, bàn giao kinh phí, báo cáo thu chi, sử dụng số dư, thực hiện đúng thỏa thuận sở hữu và sử dụng diện tích riêng/ chung…
- Nghiên cứu xem xét: cơ chế bên thứ 3 trong việc quản lý quỹ bảo trì; Kiểm soát chặt các thủ tục, đánh giá chất lượng dự án nhà chung cư trước khi bàn giao cho cư dân về ở.
- Các Ban quản lý tòa nhà cần phát huy vai trò trung gian giải quyết xung đột, ứng dụng công nghệ vào quản lý; là đơn vị khách quan, có năng lực chuyên môn. Điều này cũng đòi hỏi Ban quản trị, cư dân của Tòa nhà/ Cụm tòa nhà chung cư có sự lựa chọn nghiêm túc để có một Ban quản lý tòa nhà khách quan, đảm bảo quyền lợi các bên.
- Có chính sách thúc đẩy, phát triển hoạt động một cách hiệu quả của các tổ chức Hiệp hội, Hội nghề nghiệp quản lý Tòa nhà trên phạm vi cả nước, đặc biệt tại 02 thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh.
- Tăng cường, phát huy vai trò quản lý nhà nước ở địa phương của Ủy ban nhân dân cấp Phường, Xã đối với các hoạt động của Chủ đầu tư và Ban quản trị tòa nhà/ Cụm tòa nhà chung cư; chỉ đạo hoạt động hiệu quả các hoạt động của Ban quản trị và Tổ dân phố Tòa nhà/ Cụm tòa nhà chung cư.
- Đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường nhận thức cho cộng đồng cư dân trong các tòa nhà/ cụm tòa nhà chung cư hiểu, kiểm soát và thực hiện đúng các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý vận hành nhà chung cư cũng như Nội quy Tòa nhà/Cụm tòa nhà chung cư.
Theo ông Đặng Xuân Tâm - Tập đoàn HD Moon - thường xảy ra tranh chấp với cư nhân khi không thống nhất diện tích thông thủy, diện tích chung, diện tích riêng... khi có tranh chấp, chủ đầu tư hay hỏi Cục quản lý nhà.
Ông Tâm chia sẻ một số kinh nghiệm để hạn chế tranh chấp với dân, như trong vấn đề sử dụng tầng hầm, chỗ đỗ xe, diện tích chung... Ví dụ đối với chỗ đỗ xe, các chung cư của HD Moon áp dụng phương án bàn giao mỗi hộ gia đình sẽ kèm theo 2 chỗ đỗ xe máy, hoặc phương pháp thỏa thuận với người dân để cùng sử dụng.
Ông Tâm cho rằng việc khởi kiện khi có tranh chấp là rất văn minh. Không nên áp dụng phương án treo băng rôn - gây phản cảm, mất mỹ quan đô thị.
Cũng tại Hội Nghị, ông Đỗ Quang Tuyến - Giảng viên Đại học Luật Hà Nội - cũng đã có chia sẻ liên quan đến chủ đề cải tạo chung cư cũ, vận hành nhà chung cư.
Ông Tuyến cho biết, ông đã có 1 bản góp ý 11 trang về vấn đề này. Câu chuyện tranh chấp theo ông là do "phương pháp luận", mâu thuẫn lợi ích giữa các bên. Ông Tuyến bày tỏ: Cực chẳng đã cư dân họ mới phải treo băng rôn. Đành rằng mất mỹ quan, nhưng nó sẽ tạo áp lực. Pháp luật chưa chạm tới việc giải quyết lợi ích hài hòa giữa các bên. "Tại sao chúng ta có nhiều chính sách, nhưng nó vẫn chưa giải quyết được? Nguyên tắc cơ bản là Giải quyết hài hòa lợi ích giữa các bên" không đưa vào, thì có sửa mãi thì luật vẫn không áp dụng được. Nguyên tắc đầu tiên là đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên. Không thể chỉ bảo vệ lợi ích quản lý của nhà nước, lợi ích của chủ đầu tư." - ông Tuyến khẳng định.
Nhắc lại câu chuyện sở hữu nhà chung cư, ông Tuyến nói: Họ bỏ tiền ra để mua, là tài sản cá nhân, hiến pháp đã quy định tài sản riêng là sở hữu vĩnh viễn. "Không tạo ra bất ổn xã hội. Không được để luật chuyên ngành mâu thuẫn với Hiến pháp, không được xung đột với các luật khác!" ông Tuyến góp ý xây dựng luật.
Tham gia phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Ngọc Minh - Trưởng phòng quản lý nhà - Sở Xây dựng Hà Nội - thừa nhận những vấn đề các đại biểu nói về những tộn tại trong việc quản lý, nhà chung cư. Về vấn đề thời hạn sở hữu nhà chung cư, ông Minh đề nghị cần nghiên cứu những quy định về vấn đề chuyển tiếp giữa các luật.
Ông Minh cũng cung cấp một số thông tin tổng quan về tình hình cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội. Hiện có 1579 chung cư, có 300 chung cư là nhà tự quản của các đơn vị chưa bàn giao cho thành phố.
"Kết quả đạt được trong việc cải tạo chung cư rất khiêm tốn." - ông Minh thừa nhận, và cho biết thành phố đã đưa vào thử nghiệm sửa một khu chung cư. Kết quả khá tốt, tuy nhiên, để triển khai tiếp thì cần phải nghiên cứu.
Ông Minh thông tin: Thành phố cũng đã lập quy hoạch, để thuận tiện cho việc xây dựng chung cư.
Về quản lý nhà chung cư, ông Minh nhận định Ban quản trị các nhà chung cư hiện nay chưa làm hết trách nhiệm. Ông kiến nghị Bộ sẽ quy định cụ thể vấn đề này trong luật. Ông cũng cho biết việc giám sát ban quản trị chưa được tốt. Có ông trưởng ban quản trị cho rằng "tôi to như chủ tịch Phường", bởi Ban quản trị do Quận phê duyệt."
Đại diện TANDTC tham dự Hội thảo cũng đã chia sẻ một số thông tin về vấn đề tranh chấp liên quan đến nhà chung cư. Đại diện của TAND TC cũng cung cấp thông tin về án lệ số 51 liên quan đến chỗ để xe ô tô trong nhà chung cư. Đại diện TAND TC cho rằng quy định về vấn đề này còn gây khó hiểu cho công tác vận hành. "Mặc dù chỉ là câu chữ, nhưng quy định về pháp luật cần phải rõ ràng, để quá trình áp dụng được dễ dàng." đại biểu nói.
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo,TS Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội - đã đóng góp "một góc nhìn mới" . Theo ông, lâu nay, trong vấn đề nhà chung cư cũ chúng ta đang tìm vấn đề hài hòa lợi ích cho người dân, nhà đầu tư, cơ quan quản lý. Bảo vệ quyền lợi của người dân là tất yếu. Tuy nhiên, ông đã kể câu chuyện về những nhà chung cư cũ trên thế giới đã bị đổ sập. Góc nhìn của ông là ưu tiên bảo vệ tính mạng của con người, chứ không phải là bảo đảm quyền lợi của người dân.
"Nếu cứ chờ đợi để bảo đảm quyền lợi của người dân, một tòa nhà đổ sập. Với tình trạng cải tạo, cơi nới ở chung cư cũ hiện nay, rất nguy hiểm. Nếu chọn sự 'đồng thuận" của người dân thì rất khó. Nếu ưu tiên đảm bảo lợi ích hài hòa của người dân, khi nào mới đạt được chữ "hài hòa" - ông nói.
Cần cho những người dân ở các khu tập chung cư cũ, thấy được mối nguy hiểm ở nơi ở này, và thấy được câu chuyện thực tế từ những các hộ dân ở các khu nhà tương tự đã được thay đổi nơi ở mới.
"Đừng để đến thời điểm tòa nhà đổ sập - khi đó không phải đắn đo, cân nhắc đến sự "hài hòa" của các bên. Người dân không làm được, doanh nghiệp không làm được. Cần sự định hướng, chỉ đạo của Nhà nước." - ông khẳng định