Những căn nhà “phòng trộm hơn phòng cháy”
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, sau khi xảy ra một số vụ cháy thảm khốc tại các chung cư cao tầng, cơ quan chức năng đã rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu. Từ đó kết cấu, thiết kế quy chuẩn của những cao ốc đã được sửa đổi bổ sung phòng ngừa trường hợp xảy ra cháy; lực lượng PCCC đã được trang bị những phương tiện hiện đại để chữa cháy và cứu hộ cứu nạn; bản thân các hộ gia đình cũng giảm bớt tối đa các nguồn nguy cơ gây cháy như thay bếp gas bằng bếp từ... nên nỗi lo cháy cao ốc đã không còn nhiều như trước.
Thế nhưng chúng ta phải đối mặt với một thực tế khó giải khác, là nếu cháy ở các căn nhà ống, thiết kế theo kiểu “phòng trộm hơn phòng cháy”, đặc biệt là trong các khu dân cư cũ, thì phương tiện lực lượng nào có thể cứu được các nạn nhân?
Thực tế hai vụ cháy thảm khốc xảy ra mới đây tại TP HCM và Hà Nội khiến 10 người trong hai gia đình tử vong, đã cho thấy nỗi lo trên là có thật và ngày càng đáng lo ngại.
Tại vụ cháy ở căn nhà trên đường Nguyễn Thị Định, Thủ Đức, TP HCM, căn nhà bị cháy tứ phía bít bùng, chỉ có một lối ra vào là cửa chính nhưng bị năm chiếc xe máy chắn ngang.
Giữa đêm, khi ngọn lửa bùng lên từ đám xe máy, sáu người trong gia đình đang ngủ say bên trong không thể thoát nạn và ngạt chết. Do nhà chật nên gia đình này thường để đám xe máy ở phòng khách chắn hết cửa ra vào và khóa cửa ngủ. Khi xảy ra hỏa hoạn, chính số xe máy này bắt lửa, cản lối thoát của các nạn nhân dẫn tới sáu người mắc kẹt bên trong. Căn nhà lợp mái tôn loại một mảng duy nhất, không có trổ lối thoát nạn lên mái nhà. Hết đường thoát, sáu người thiệt mạng.
Tầng tum là lối thoát của ngôi nhà 311 đã được bịt kín chống trộm. |
Tại vụ cháy ở Hà Nội, căn nhà số 311 đường Tôn Đức Thắng là dạng nhà ống có thiết kế “đánh đố” lực lượng PCCC. Gian bên ngoài là cửa hàng, gian bên trong cao ba tầng là nơi ở và tích trữ hàng hóa, không có cửa thoát hiểm ở bên hông. Khi lính cứu hỏa tới nơi, họ nhận ra lửa đã bít kín cửa chính.
Cả gia đình chỉ còn lựa chọn duy nhất là chạy lên gác tum. Tại nơi cách xa ngọn lửa nhất, bốn nạn nhân đã không thể đi xa hơn vì toàn bộ mái tum đã bị quây kín bởi tường gạch, song sắt và các tấm tôn.
Lửa đã lần theo từng bọc tã giấy được chất đầy trong căn gác nhỏ, bén dần lên các bậc cầu thang bằng gỗ. Ngay cả tầng tum nơi các nạn nhân trú ẩn cũng chất đầy tã giấy. Tã giấy thì có tiếng là cháy nhanh, nhiều khói, và khói rất độc. Các nạn nhân có thể đã chết vì ngạt khói trước khi bị cháy.
Trung tá Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng khoa Chữa cháy của Đại học PCCC (Bộ Công an), nhận định ngay cả khi gia đình này phát hiện hỏa hoạn sớm hơn, khả năng sống sót cũng rất không cao vì tầng tum bị hàn kín bằng những song sắt chống trộm, không có lối thoát ra ngoài.
Theo hình ảnh người dân chụp lúc nửa đêm, khi lính cứu hỏa dập lửa từ cửa chính, quầng lửa đỏ rực đã nuốt chửng gác tum.
Luật chưa quy định về lối thoát hiểm với mọi nhà
Thực tế trên cho thấy, nếu không có lối thoát hiểm, thì trong nhiều vụ cháy nhà ống ở các khu dân cư, khả năng thương vong là rất cao. Vậy luật pháp hiện hành quy định thế nào về lối thoát hiểm với các căn nhà không nằm trong khu dân cư, khu đô thị mới?
Theo LS Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP HCM), trong quy chuẩn cấp phép xây dựng và chỉnh trang đô thị có quy định về mật độ thông thoáng trong thiết kế cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ theo quy chuẩn 01/2019/BXD của Bộ Xây dựng. Theo đó, mật độ xây dựng thuần tối đa của lô đất xây dựng nhà ở riêng lẻ (nhà biệt thự, nhà ở liền kề, nhà ở độc lập) được quy định dưới 90m2 được xây dựng 100% diện tích, từ 90m2 trở lên phải chừa mật độ thông thoáng. Theo cách hiểu của mọi người thì, mật độ thông thoáng đó chính là lối thoát hiểm hoặc khoảng không an toàn PCCC. Nói cách khác, theo LS Tuấn, hiện không có quy định nào bắt buộc khi thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ phải có lối thoát hiểm.
Căn nhà bị cháy tại quận Thủ Đức cũng là dạng nhà ống “không lối thoát”. |
LS Tuấn cho rằng đây là một lỗ hổng pháp lý, và kiến nghị: “Với lô đất có diện tích nhỏ hơn 90m2, vì không buộc phải chừa mật độ thông thoáng tầng trệt, nên theo tôi cần bổ sung quy định buộc phải thiết kế khoảng không sân thượng phía trên. Cơ quan chức năng cần không xem xét cấp phép xây dựng cho những căn nhà không có lối thoát hiểm”.
LS Tuấn cho rằng với nhiều cơ quan chuyên môn, nhiều viện nghiên cứu, Bộ Xây dựng “thừa khả năng” nghiên cứu thiết kế ra các mẫu lối thoát hiểm cho mọi căn nhà đơn lẻ, đảm bảo tiêu chí “vừa chống trộm vừa chống cháy”.
Cũng theo LS Tuấn, công tác chỉnh trang đô thị nên được thực hiện thường xuyên, vận động tháo dỡ các vật cơi nới, bít lối thoát hiểm trong các khu dân đông đúc hoặc các hẻm nhỏ, sâu, mật độ dân cư đông; hoặc có các biện pháp hậu kiểm sau khi hoàn công nhà, tránh trường hợp cơi nới, làm lồng khung sắt hoặc xây dựng kiểu lô cốt bịt lối thoát hiểm.
Trả lời báo chí, Đại tá Lê Văn Hiến, Phó trưởng Công an quận Đống Đa, cho biết Đống Đa là một quận đặc thù nội thành Hà Nội, có rất nhiều ngõ nhỏ, nhà trọ và nhà ở kết hợp kinh doanh dạng nhà ống, rất nhiều nhà không có lối thoát nạn. Chính vì vậy, khi xảy ra cháy ở dạng nhà này luôn thường trực nguy cơ tử vong.
Trước khi xảy ra vụ cháy cửa hàng bỉm sữa khiến 4 người chết như trên, Công an quận đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền xuống từng tổ dân phố về vấn đề an toàn PCCC. Đặc biệt các hộ nhà ống, tập thể lắp chuồng cọp để tránh trộm cắp, công an khuyến cáo tháo dỡ bởi khung sắt khiến việc chữa cháy, cứu nạn gặp nhiều khó khăn, thoát nạn cũng khó.
“Đối với những nhà ống 1 lối không thể mở lối thoát nạn, nếu có thể, cần phối hợp với hàng xóm mở lối thông để thoát nạn khi cần. Tuy nhiên vấn đề này rất khó, bởi nhà nào biết nhà ấy, sợ trộm cắp nên những dạng nhà này khi cháy rất dễ có người tử vong”, Đại tá Hiến cho hay.