Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Điểm sáng trong chính sách này chính là tín dụng chính sách, thực hiện qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).
Tính đế ngày 31/3/2018, NHCSXH quản lý trên 20 chương trình tín dụng chính sách và các dự án. Trong đó, có trên 1.478 nghìn khách hàng là hộ đồng bào DTTS đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại NHCSXH, với tổng sư nợ 43.376 tỷ đồng (chiếm 24,4% trên tổng sư nợ của NHCSXH). Dư nợ bình quân một hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt hơn 29 triệu đồng (trong khi bình quân chung tất cả các hộ là 26 triệu đồng/hộ).
Đặc biệt, hơn 10 năm qua, dưới tác động tổng hòa của các chính sách dân tộc và các chương trình giảm nghèo khác, các chương trình tín dụng dành riền cho hộ đồng bào DTTS theo các Quyết định 54/2012/QĐ-TTg, Quyết định 29/2013/QĐ-TTg, Quyết đinh 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ, Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ đã giúp gần 349 nghìn lượt hộ đồng bào được vay vốn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, yên tâm bám đất, bám bản; góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, vùng DTTS, miền núi, đưa tỷ lệ hộ nghèo cả nước giai đoạn 2005 – 2017 giảm từ 22% xuống gưới 7%, nhất là giảm nghèo trong khối đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến hết tháng 3/2018, tổng doanh số cho vay các chương trình dành riêng cho đồng bào DTTS đạt 3.094 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt 2.122 tỷ đồng, với 201.017 hộ có dư nợ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nguồn vón tín dụng cho đồng bào cũng đứng trước nhiều thách thức như: Việc bố trí vốn chưa kịp thời, chưa bảo đảm nguồn vốn thực hiện theo kế hoạch; mức vay còn thấp, chưa phù hợp tình hình thực tế. Trình độ, tập quán sản xuất và việc sử dụng vốn vào sản xuất của một bộ phận hộ DTTS hiệu quả còn thấp; sản phẩm sản xuất ra không tập trung, khó tiêu thụ, lợi nhuận thấp, đồng tiền thu được không bù đắp đủ chi phí sản xuất dẫn đến khả năng mất vốn cao. Đối tượng vay vốn là hộ DTTS, hầu hết sinh sống tại những nơi có địa hình hiểm trở, khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thời tiết, biến đổi khí hậu, thiên tai, giá cả biến động, dẫn đến hộ vay sản xuất – kinh doanh thua lỗ, không còn khả năng trả nợ NHCSXH.
Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý, đại biểu Quốc hội cho rằng, hướng đi của chúng ta là giảm nghèo bền vững và đã đến lúc phải hoạch định lại chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng, các chính sách tín dụng cho đồng bào đang có những bất cập như: chưa đáp ứng tính thời vụ sản xuất của đồng bào; mức vay thấp; chất lượng nguồn nhân lực không cao; phong tục tập quán lạc hậu. Bên cạnh đó, chúng ta đang phải khắc phục hậu quả của việc thực hiện chính sách “cho không” dẫn đến tư tưởng ỷ lại của đồng bào. “Phải xác định xây dựng chính sách ở dạng động để thích ứng với tình hình thực tế. Do đó, lãi xuất, diện vay, mức vay phải linh hoạt theo sự phát triển của kinhh tế, xã hội” - ông Bùi Sĩ Lợi nói.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh, việc thực hiện các chính sách tín dụng được cho là “trao cần câu” cho đồng bào. Tuy nhiên, số lượng chính sách nhiều, dẫn đến phân tán nguồn lực. Các chính sách cào bằng, không phù hợp và không thúc đẩy được các vùng miền phát huy hết tiềm năng. Do đó Phó Chủ tịch Nguyễn Lâm Thành cho rằng cần xác định lại đối tượng như không nên phân biệt giữa hộ nghèo và cận nghèo; phân định rõ chính sách đối với từng vùng miền; địa phương phải là người định hướng phát triển sản xuất, thị trường cho người dân. Mạnh dạn cơ cấu lại các nguồn vốn “cho không” sang “cho vay” có điều kiện, để tạo thêm nguồn vốn cho NHCSXH thực hiện.
Từ góc độ của người thực hiện chuyển tải vốn chính sách tới người thụ hưởng, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý đồng tình với ý kiến của các đại biểu. Tuy nhiên, việc phân định lại chính sách giữa các vùng miền là rất khó khăn, do đó, ông Nguyễn Văn Lý cho hay, chính sách tín dụng ưu đãi đang được thiết kế theo hướng, chính sách chung do Chính phủ cấp vốn, còn các chính sách riêng, đặc thù vùng miền thì do địa phương tham gia dành ngân sách ủy thác cho vay qua NHCSXH.