Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn phản ánh, thủ tục trong lĩnh vực xây dựng còn nhiêu khê, đòi hỏi Bộ phải rốt ráo hơn nữa.
Năm 2015, Bộ Xây dựng đã kiến nghị đơn giản hóa 91/95 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc chức năng quản lý nhà nước, chiếm 95,8%, chỉ giữ nguyên 4 TTHC. Trong đó, loại bỏ 33/95 TTHC, chiếm 34,7%; sửa đổi, bổ sung 53/95 TTHC, chiếm 55,8%; hợp nhất 5/95 TTHC. Trong 33 TTHC kiến nghị loại bỏ, có 18 TTHC thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh và cấp huyện liên quan đến “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đối với tổ chức, cá nhân” và 5 TTHC thuộc thẩm quyền các bộ, ngành Trung ương có liên quan đến việc chấp thuận áp dụng “Tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài”.
Lãnh đạo Bộ nhấn mạnh, việc loại bỏ và đơn giản hóa các TTHC trong lĩnh vực xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp khi tiếp xúc, giải quyết công việc liên quan đến lĩnh vực xây dựng, đi cùng là giảm chi phí và thời gian cho người dân.
Còn trong năm 2016, Bộ đã rà soát các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt là những quy định liên quan đến thủ tục cấp giấy phép xây dựng. Qua đó, chủ động bãi bỏ quy định về điều kiện kinh doanh tại 14 Thông tư bao gồm: bãi bỏ toàn phần 1 Thông tư liên tịch, 1 Thông tư, 1 Quyết định, 1 Chỉ thị và bãi bỏ một phần của 10 Thông tư. Đồng thời, Bộ thực hiện công bố và niêm yết công khai các TTHC mới ban hành, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ để cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp biết, thực hiện theo đúng quy định.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh, để thực hiện một dự án phát triển nhà ở, chủ đầu tư phải làm đủ các loại TTHC phức tạp, rườm rà từ xin chủ trương đầu tư, thỏa thuận quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thẩm duyệt thiết kế cơ sở, xin giấy phép xây dựng, xác định giá đất và nộp tiền sử dụng đất, xin giấy chứng nhận công trình đủ điều kiện đưa vào sử dụng, thông báo với Sở Xây dựng trước khi bán nhà...
Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Điệp chia sẻ thêm, liên quan đến các thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở, khu đô thị, hiện có nhiều thủ tục chồng chéo, không cần thiết, vừa gây lãng phí vừa mất nhiều thời gian. Điều đó đồng nghĩa với việc chi phí đầu tư xây dựng bị đội lên khiến doanh nghiệp phải tăng giá bán nhà để đảm bảo lợi nhuận.
Về vấn đề trên, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết đã nắm được và có rà soát thực tế này, đồng thời chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh theo hướng rút ngắn thời gian cấp giấy phép đối với công trình xây dựng.
Bộ Xây dựng đã báo cáo với Chính phủ đề xuất ngoài các đối tượng được miễn giấy phép xây dựng như Luật Xây dựng hiện hành, có thể mở rộng thêm đối với các công trình xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công trong các dự án nhà ở, dự án khu đô thị. Bộ cũng đề xuất là lồng ghép một số thủ tục trước thủ tục cấp giấy phép xây dựng, làm đồng thời nhiều thủ tục tại cùng một thời điểm để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư.