Theo đó, tỉnh Yên Bái quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Yên Bái, với tổng diện tích tự nhiên 6.893 km2, với 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Thành phố Yên Bái, TX Nghĩa Lộ và 7 huyện (Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình).
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển; khai thác hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng - an ninh. Dự kiến đưa Yên Bái nằm trong nhóm 5 tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
Cụ thể, về kinh tế phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 8,5%/năm. Cơ cấu kinh tế mông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm khoảng 14,8%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 39%; dịch vụ chiếm khoảng 41,5%; thuế sản phẩm, trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 4,7%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 125 triệu đồng.
Dự kiến đến năm 2050, tỉnh Yên Bái phát triển toàn diện, bền vững, xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; thuộc nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, là hình mẫu phát triển xanh của vùng và cả nước.
Đối với quy hoạch các khu công nghiệp, đến năm 2030, giữ nguyên diện tích ba khu công nghiệp Phía Nam, Âu Lâu, Trấn Yên; mở rộng diện tích khu công nghiệp Minh Quân; quy hoạch phát triển mới 4 khu công nghiệp Y Can, Đông An, Thịnh Hưng, Lục Yên.
Đối với các cụm công nghiệp, đến năm 2030, giữ nguyên diện tích 06 cụm công nghiệp Thịnh Hưng, Sơn Thịnh, Báo Đáp, Hưng Khánh, Đông An, Minh Quân; quy hoạch phát triển mới 16 cụm công nghiệp. Đưa ra khỏi quy hoạch ba cụm công nghiệp gồm Đầm Hồng, Bảo Hưng, Tây cầu Mậu A; mở rộng hai cụm công nghiệp Âu Lâu, Yên Thế; giảm diện tích cụm công nghiệp Bắc Văn Yên.