Theo người dân tỉnh Phú Thọ, hiện nay các thiết chế thể thao trên địa bàn tỉnh được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (các công trình phục vụ Seagame năm 2003 và Hội khỏe Phù Đổng lần thứ VII năm 2008) chưa sử dụng hết công suất.
Để phát huy công suất, hiệu quả các thiết chế, giảm áp lực duy tu, bảo dưỡng từ ngân sách nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa, việc thu hút các nhà đầu tư khai thác vận hành là rất cấp thiết. Tuy nhiên, theo tính toán chi phí các nhà đầu tư phải trả nhà nước hằng năm để khai thác, vận hành khá cao nên khó thu hút nhà đầu tư tham gia (mặc dù đã miễn, giảm theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường).
Để có cơ chế minh bạch, hiệu quả thực hiện chủ trương này, đề nghị Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan sớm sửa đổi, bổ sung các nghị định: số 69/2008/NĐ-CP, số 59/2014/NĐ-CP phù hợp với các nghị định: số 151/2017/NĐ-CP, số 167/2017/NĐ-CP, đồng thời giao các địa phương xem xét miễn, giảm tiền thuê đất, tiền thuê cơ sở hạ tầng đối với các cơ sở xã hội hóa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương.
Về việc miễn, giảm tiền thuê đất đối với cơ sở xã hội hóa, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của pháp luật chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường (Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ), UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tế của địa phương ban hành và công bố công khai chế độ miễn, giảm tiền thuê đất đối với các cơ sở xã hội hóa theo từng khu vực, lĩnh vực.
Theo đó, mức tối đa là miễn tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian của dự án, mức tối thiểu bằng mức ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đầu tư.
Như vậy, chính sách xã hội hóa đã có quy định cụ thể về việc giao các địa phương căn cứ tình hình thực tế của địa phương để ban hành mức miễn, giảm tiền thuê đất đối với cơ sở xã hội hóa.
Về việc sử dụng cơ sở hạ tầng để cho thuê và việc miễn, giảm tiền thuê cơ sở hạ tầng, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của pháp luật chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường (Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ), UBND cấp tỉnh căn cứ khả năng ngân sách và nhu cầu khuyến khích xã hội hóa để cho cơ sở thực hiện xã hội hóa cho thuê có thời hạn đối với quỹ nhà, cơ sở hạ tầng hiện có.
Riêng các quỹ nhà, cơ sở hạ tầng hiện có là tài sản công thì việc cho thuê, liên doanh, liên kết được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Như vậy, pháp luật đã có quy định đầy đủ, cụ thể về việc sử dụng quỹ nhà, cơ sở hạ tầng hiện có vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết với nguyên tắc nếu là tài sản công thì thực hiện theo quy định của pháp luật về tài sản công; đã đảm bảo sự phù hợp với pháp luật về khuyến khích xã hội hóa với pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở xã hội hóa đầu tư xây dựng trường học, bệnh viện, khu vui chơi, khu thể thao, bảo tàng, thư viên, nhà văn hóa, rạp hát, rạp chiếu phim hoặc các công trình xã hội hóa khác theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Pháp luật về khuyến khích xã hội hóa và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công không có quy định về việc miễn, giảm tiền thuê cơ sở hạ tầng, vì vậy, theo Bộ Tài chính, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở xã hội hóa trong việc cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất; còn việc kiến nghị giao các địa phương xem xét miễn, giảm tiền thuê cơ sở hạ tầng là không có căn cứ để thực hiện./.