Xây “chui” cụm công nghiệp trên đất quy hoạch rừng
Xã Phước Tân (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) là nơi có cả khu công nghiệp tồn tại không phép khiến trung ương phải vào cuộc xem xét xử lý, hiện chưa thể giải quyết vì quy mô quá lớn.
Theo Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đồng Nai, qua rà soát, xác định tại khu vực quy hoạch Cụm công nghiệp Phước Tân có 48 trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng các hạng mục công trình nhà xưởng nằm rải rác trong phạm vi 72 ha. Vị trí quy hoạch cụm công nghiệp Phước Tân được quy hoạch là đất khu cây xanh - công viên rừng trồng.
Đây là cụm công nghiệp vừa được tỉnh Đồng Nai đưa vào quy hoạch vào năm 2015 và chưa được cấp phép đầu tư, tuy nhiên đơn vị được giao thực hiện dự án đã phân lô bán cho doanh nghiệp dẫn đến việc gần 50 công trình gồm nhà xưởng, nhà máy xây dựng trái phép, thậm chí được cấp điện, nước để hoạt động. Số vốn mỗi doanh nghiệp đổ vào để xây dựng nhà xưởng tại cụm công nghiệp này là từ 4-10 tỷ đồng. Như vậy, ước tính đã có khoảng 300 - 400 tỷ đồng được doanh nghiệp đổ vào xây dựng nhà xưởng để hoạt động.
Trong số đó, gần 50 doanh nghiệp đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép để xây dựng các hạng mục công trình nhà xưởng nhằm hoạt động sản xuất, hoặc cho các đơn vị thuê lại để sử dụng, vi phạm Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ. Toàn bộ các trường hợp vi phạm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả khôi phục hiện trạng ban đầu mà tiếp tục hoàn thiện công trình xây dựng rồi đưa vào sử dụng hoặc tiếp tục vi phạm. Có những doanh nghiệp đã đi vào hoạt động với số lượng công nhân trên 1000 người.
Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai, đại diện là Điện lực Long Thành, còn thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra tình hình sử dụng điện của các cơ sở dẫn đến việc có 22 trường hợp câu móc điện từ các cơ sở khác để sử dụng nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý đối với các trường hợp cho câu móc và các trường hợp câu móc.
Trước tính chất nghiêm trọng khi các công trình công nghiệp xây dựng trái phép trên đất quy hoạch rừng trồng tại khu vực quy hoạch cụm công nghiệp Phước Tân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai làm rõ và báo cáo Chính phủ.
Mới đây, tại cuộc họp Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, ông Lê Văn Dành, Bí thư Thành ủy Biên Hòa thừa nhận trách nhiệm của địa phương để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép tại cụm công nghiệp Phước Tân. Ông Dành cho rằng vì thiếu kiên quyết xử lý ngay từ đầu nên dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép. Những sai phạm trên cũng có phần trách nhiệm của các sở, ngành liên quan khi đã cấp điện, nước cho các doanh nghiệp xây dựng trái phép trong cụm công nghiệp hoạt động.
Chính quyền xã nói gì?
Không chỉ có cụm công nghiệp xây dựng trái phép, tại ấp Tân Cang và Tân Lập thuộc xã Phước Tân, có đến 95 doanh nghiệp xây dựng trái phép công trình công nghiệp trên đất nông nghiệp nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại.
Khi được hỏi về tình trạng xây dựng trái phép tràn lan với quy mô lớn trên địa bàn, ông Huỳnh Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tân đã cung cấp cho phóng viên danh sách 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây dựng nhà xưởng trái phép trên địa bàn đã bị chính quyền lập biên bản xử lý.
Đối với các khu nhà xưởng, doanh nghiệp vi phạm, UBND các cấp từ xã, thành phố Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định xử phạt tiền và khôi phục hiện trạng trong 10 ngày. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có tên trong danh sách vi phạm đều đã quá hạn từ vài tháng đến vài năm nhưng vẫn không thực hiện tháo dỡ công trình vi phạm, khôi phục lại hiện trạng sử dụng đất như yêu cầu.
Ông Phương cho rằng vì lực lượng mỏng, địa bàn rộng, các đối tượng vi phạm lại xây dựng lén lút vào ban đêm, vào ngày nghỉ, ngày lễ nên rất khó phát hiện.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tôn Trọng, quyền Chủ tịch UBND xã Phước Tân cho biết: “Trên địa bàn có nhiều trường hợp tồn tại từ năm này qua năm khác, thành phố cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, trường hợp nào đưa vào diện bắt buộc cưỡng chế sẽ cưỡng chế, trường hợp nào có thể làm thủ tục dựng tạm, đến lúc thực hiện dự án mở đường thì sẽ tự tháo dỡ mà không yêu cầu bồi thường”.
Theo ông Trọng, việc phát hiện xây dựng trái phép thì rất dễ, nhưng ngăn chặn xử lý rất khó. “Người dân đi ngang qua cũng phát hiện được, nhưng lực lượng mỏng, địa bàn này rộng còn các trường hợp thì cố tình chống đối, xây dựng vào ban đêm, không hợp tác”, ông Trọng nói.
Trả lời nêu trên của ông Nguyễn Tôn Trọng vẫn không thỏa đáng trước thắc mắc của dư luận, là công trình lớn với 72 ha nhưng có thể ngang nhiên xây dựng khi chưa được cấp phép và vì sao chính quyền địa phương lại không hay biết? Vì sao chỉ sau khi dư luận lên tiếng, cơ quan chức năng mới tiến hành “sờ gáy”.
Về vấn đề xử lý sai phạm, sau khi xử phạt hành chính, một số trường hợp chính quyền địa phương sẽ cho doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ để hợp thức hóa rồi đưa vào sử dụng. Nhưng một số công trình lớn thì được hợp thức hóa, có công trình nhỏ thì lại bị đập tan tành, như trường hợp của anh Nguyễn Khắc Tuấn (ấp Tân Lập, xã Phước Tân, TP Biên Hòa) chỉ xây tường rào bảo vệ khu đất nhưng xã không cho và lập biên bản xử phạt, yêu cầu phá dỡ tức thì.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.
UBND tỉnh chỉ đạo chuyển hồ sơ qua Công an
Các công trình xây dựng tại khu vực “Cụm công nghiệp Phước Tân” để xảy ra hàng loạt vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng, đầu tư, đăng ký kinh doanh, bảo vệ môi trường, sử dụng điện, phòng cháy, chữa cháy diễn ra trong thời gian dài… nhưng công tác quản lý Nhà nước chưa chặt chẽ, chậm có biện pháp xử lý đối với những hành vi vi phạm. Từ những sai phạm trên, ngày 22/01/2019, UBND tỉnh có Văn bản số 35/UBND-NC chỉ đạo chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm tại khu “Cụm công nghiệp Phước Tân” sang Công an tỉnh xử lý nghiêm theo quy định, nhằm chấn chỉnh kỷ cương, pháp luật của Nhà nước.