Không yêu cầu sửa thiết kế, vẫn bị “đòi” thêm mấy trăm triệu đồng
Phản ánh tới Báo PLVN, bà Trần Thị Dung (trú tại N1, C12 Tập thể Nhà máy Pin Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội) - một khách hàng mua nhà tại Dự án Khu đô thị (KĐT) ParkCity cho biết, ngày 24/11/2011 bà đã ký Hợp đồng mua bán nhà ở số 153/SPA-TH-VIDC với Công ty Cổ phần Phát triển đô thị quốc tế Việt Nam (VIDC) căn nhà số 06, dãy 05 thuộc Tiểu khu Ngọc Lan, KĐT ParkCity. Ngay sau khi ký hợp đồng kèm bản vẽ thiết kế thi công, bà Dung đã nộp 30% tổng giá trị hợp đồng mua bán, tương đương hơn 3,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến ngày 10/1/2013, Tổng Giám đốc VIDC Lawrence Peh lại gửi văn bản yêu cầu bà phải nộp thêm 315 triệu đồng tiền chỉnh sửa, thay đổi thiết kế căn nhà. Lý do được Tổng Giám đốc VIDC Lawrence Peh đưa ra là do: “Bản vẽ và thiết kế gốc căn nhà 06/05/TH4B(M) đã bị thay đổi theo yêu cầu của chồng bà, ông Nguyễn Chân Phương”!
“Tôi là chủ hợp đồng mua nhà, tôi chưa lần nào yêu cầu Cty VIDC phải thay đổi thiết kế. Hơn nữa, giá bán căn nhà trên đã thỏa thuận tại Điều 3 của Hợp đồng là hơn 10,448 tỷ đồng là giá cố định và không đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng” – bà Dung cho biết.
Bà Dung cũng cho biết thêm, tại văn bản ghi ngày 06/2/2013 gửi cho bà, chính ông Lawrence Peh cũng khẳng định: “Như tôi được biết, hiện tại bản vẽ đính kèm với Hợp đồng mua bán nhà ở được ký và đóng dấu bởi Công ty, có nghĩa rằng những điều chỉnh được đề xuất trước đó đã được sự thống nhất giữa các bên. Tuy nhiên, không có một thỏa thuận nào về việc phát sinh chi phí bổ sung”. Và vì thế, cho rằng cách lý giải trên của Tổng Giám đốc VIDC là hoàn toàn vô lý, không có cơ sở nên bà Dung đã không chấp thuận đóng số tiền nói trên.
Đang tranh chấp, vẫn đem nhà bán cho bên thứ ba
Trong khi số tiền phát sinh ngoài hợp đồng 315 triệu đồng còn chưa được giải quyết xong, ngày 22/8/2013 VIDC tiếp tục gửi Thông báo nộp tiền lần 2 tới bà Dung, với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng, tương đương 15% giá trị hợp đồng mua bán nhà ở. Vì thế, bà Trần Thị Dung đã từ chối chưa nộp và có văn bản gửi đến VIDC nêu rõ: “Tôi sẽ thực hiện nghĩa vụ thanh toán đúng theo quy định trong hợp đồng nếu VIDC cũng chấp hành đúng các điều khoản về nghĩa vụ của Công ty trong Hợp đồng (thi công theo đúng bản vẽ trong hợp đồng, đúng chất lượng, tiến độ và thời hạn bàn giao nhà)”.
Sau đó ngày 19/2/2014, Công ty Luật TNHH Winco (số 343 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) là đơn vị được VIDC ủy quyền, đã có Thông báo chấm dứt Hợp đồng số 153/SPA-TH-VIDC gửi tới bà Dung. Tiếp theo, bà Dung cũng ra thông báo hủy hợp đồng mua nhà ở với điều kiện VIDC thanh toán cho bà toàn bộ số tiền đã nhận kèm theo khoản lãi và các thiệt hại phát sinh từ Hợp đồng đúng theo quy định pháp luật. Ngày 19/5/2014, hai bên và các luật sự đại diện đã họp, đưa ra quan điểm và thống nhất tiếp tục thương lượng, hòa giải để giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng.
Sự việc kéo dài gần 1 năm không có nhiều tiến triển. “Tôi đã có văn bản gửi VIDC đề nghị nhận bàn giao nhà cùng cam kết thanh toán nhưng không nhận được hồi âm, cho đến ngày 30/7/2015 tôi nhận được thông báo một cách không chính thức rằng nhà đó đã được bán cho người khác” – bà Dung nói. Đến ngày 7/8/2015, phía Công ty Luật Winco đã ra Thông báo số 78/2015/CV-Winco gửi tới bà Dung về việc nhận lại số tiền sau khi đã phạt hợp đồng và Công ty VIDC đã hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng căn hộ số 06/05/TH4B(M) cho bên thứ ba!
Ông Nguyễn Chân Phương là ai trong sự việc này?
Tại thời điểm giao dịch mua nhà, ông Nguyễn Chân Phương, chồng bà Dung, đang giữ cương vị Phó Tổng Giám đốc VIDC. “Tuy nhiên, “Hợp đồng mua bán nhà ở số 153/SPA-TH-VIDC được thỏa thuận và ký kết giữa tôi và VIDC, không liên quan đến chồng tôi là ông Nguyễn Chân Phương. Tôi là chủ thể pháp lý đứng tên trong hợp đồng, do vậy mọi giao dịch, thỏa thuận phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng chỉ có tôi mới đủ tư cách đàm phán với VIDC” - bà Trần Thị Dung nêu quan điểm.
Việc xác định vai trò của ông Phương chính là yếu tố làm rõ trách nhiệm của các bên trong tranh chấp này. Trao đổi với PLVN, đại diện VIDC cho rằng, thiết kế được thay đổi theo yêu cầu của ông Phương – với tư cách là chồng bà Dung. Tuy nhiên, nếu ông Phương là chồng bà Dung – tức là người có quyền lợi liên quan trong giao dịch này – thì tại sao lại có thể liên lạc trực tiếp với nhân viên thiết kế để đề nghị thay đổi thiết kế? Bà Diễm cho biết ông Phương đã chỉ đạo nhân viên với tư cách là Phó Tổng Giám đốc. Như vậy, việc thay đổi thiết kế cụ thể ra sao theo yêu cầu của Phó Tổng Giám đốc lại là việc nội bộ của Cty VIDC.
Cơ sở nào chủ đầu tư ParkCity đem nhà đang tranh chấp đi bán? Liệu có uẩn khúc nào khác trong việc này? PLVN tiếp tục thông tin về sự việc này.