“Ném tiền xuống ao”
Ngày 14/6/2005, UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 1571 phê duyệt mức giá sàn để đấu giá quyền sử dụng đất khu dân cư hồ Toàn Thành (phường Ba Đình, TP.Thanh Hóa) với diện tích đất đấu giá là 3.182m2.
Theo biên bản đấu giá ngày 3/10/2005, Công ty Cổ phần Xây dựng Thanh Hóa đưa ra mức giá là 2.217.942,51 đồng (đ)/m2 so với giá của Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư phát triển Thanh Hóa đưa ra là 2.217.000đ (bằng giá khởi điểm) chỉ “chênh” đúng 942,51đ/m2, nên ngày 7/10/2005, UBND TP.Thanh Hóa chính thức ký Hợp đồng kinh tế số 01 với Công ty Cổ phần Xây dựng Thanh Hóa về việc thu đất có thu tiền sử dụng đất qua đấu giá tại dự án nói trên.
Khi có trong tay Hợp đồng kinh tế số 01, Công ty Cổ phần Xây dựng Thanh Hóa đã kêu gọi khách hàng bán đất dự án, với cái tên rất “kinh tế” là hợp đồng hợp tác đầu tư. Theo đó, chỉ mấy ngày sau, hàng chục khách hàng đã đặt bút ký với doanh nghiệp này “hợp tác đầu tư” và đóng tiền để mua đất, với mức giá bán là 11,5 triệu/m2.
Dự án khu dân cư hồ Toàn Thành mới chỉ giải phóng được 1/3 mặt bằng vì gặp phải sự phản đối kịch liệt của người bị thu hồi đất |
Sau gần chục năm đóng tiền, đến nay rất nhiều khách hàng đã không nhận được đất như cam kết. Nạn nhân mua đất của khu dân cư này là ông Đào Kim Long cho biết, gia đình ông đã nộp 900 triệu đồng với cam kết từ công ty là đến ngày 31/12/2005 sẽ được giao đất. Nhưng đến nay, tiền thì đã “ném xuống ao”, nhưng đất thì vẫn không thấy đâu. Thậm chí, gia đình ông Long còn bị thu hồi đất vì nằm trong quy hoạch dự án. “Họ đền bù 5,5 triệu/m2 - và chúng tôi phải mua lại chính phần đất của bố mẹ để lại với giá “cắt cổ” là 11,5 triệu đồng/m2” - ông Long nói.
Không chỉ có ông Long mắc kẹt với dự án đó, vợ chồng bà Trần Thị Tuyển ở đường Trần Phú cũng bỏ ra 1 tỷ đồng mua hai lô đất của Công ty Cổ phần Xây dựng Thanh Hóa để rồi đến nay phải đau khổ đi đòi quyền lợi. “Bây giờ đã 8 năm rồi nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được đất. Đòi lại tiền họ không trả, hỏi đến đất thì cũng chẳng thấy đâu”, bà Tuyển cho biết.
Giám đốc đứng trên nhà “vẽ” quy hoạch
Trả lời Pháp luật Việt Nam, một cán bộ có trách nhiệm tại phường Ba Đình bức xúc nói rằng: “Dự án này tóm lại là có nhiều cái sai, mà là sai từ tỉnh”. Theo vị này, khu đất dự án theo quy hoạch là đất xen cư nên không được đem ra đấu giá. Trong khi đó, dù chưa áp giá đền bù, chưa kiểm kê, chưa thu hồi đất, chưa có đất sạch nhưng vẫn được đấu giá. “Dân mua đất “đau” lắm nhưng không dám kiện, bởi “hắn” (chủ đầu tư – PV) khôn là làm hợp đồng hợp tác đầu tư với người mua”, vị này chia sẻ. Có những khách hàng mua đất thời điểm đó đến nay đã chết nhưng vẫn chưa nhận được đất.
Không chỉ người mua đất bức xúc mà chính những người dân bị thu hồi đất cũng đang sống trong tâm trạng bất an vì chính sách đền bù còn nhiều bất cập. Theo đó, nhiều người dân sử dụng đất ổn định lâu năm không có tranh chấp trên đường Đinh Công Tráng cũng bị thu hồi đất với giá rẻ mạt. “Những hộ dân sống giữa lòng hồ thì được đền bù theo giá đất ở, còn chúng tôi đất vừa quanh hồ thì chỉ được đền bù vật kiến trúc, cây cối hoa màu”, bà Mùi, người bị thu hồi đất bức xúc.
Trong khi đó, một cán bộ phường Ba Đình khẳng định ý tưởng làm dự án khu dân cư hồ Toàn Thành bắt đầu tư thời ông Ngô Văn Tuấn còn làm Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Thanh Hóa. “Nhà ông Tuấn ở khu vực dự án. Ông ấy đứng trên tầng năm nhà mình nhìn xuống thấy đẹp, tưởng đơn giản vì nghĩ đất quanh đó là đất lấn chiếm nhưng không hiểu được nguồn gốc từng thửa đất mà dân đang sử dụng, sau đó công ty của ông Tuấn trình lên tỉnh để làm dự án” - cán bộ này cho biết.
Vị cán bộ phường Ba Đình than thở, thực sự “chúng tôi cũng không biết đích của dự án là ở đâu, bao giờ xong”.