Giảm thiểu rủi ro cho kiều bào
Tham luận tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức mới đây, TS. Trần Quang Huy – Trường Đại học Luật Hà Nội nhận định, cho đến Luật Đất đai năm 2013, các quyền và lợi ích hợp pháp của người Việt Nam định cư ở nước ngoài bao gồm quyền với tư cách chủ thể được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để đầu tư kinh doanh và quyền lợi ích hợp pháp từ việc cho phép mua nhà, sở hữu nhà ở tại Việt Nam được bảo hộ khá đầy đủ.
Tán thành với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 30 của dự thảo Luật, theo đó người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở, TS. Trần Quang Huy cho rằng đây là bước tiến lớn để người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền bình đẳng như các nhà đầu tư trong nước trong các giao dịch dân sự về đất đai và góp phần giúp cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thêm cơ hội tiếp cận đất đai không phải bằng con đường Nhà nước mà thông qua thị trường thứ cấp để đầu tư kinh doanh.
Tại Hội nghị lấy ý kiến người Việt Nam định cư ở nước ngoài đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức chiều 2/3, GS. Nguyễn Đình Phú - Chủ nhiệm Hội doanh nhân người Việt tại Mỹ cũng bày tỏ tán thành với nội dung sửa đổi tại điểm g khoản 1 Điều 30 của dự thảo Luật và tại điểm b khoản 1 Điều 30. Việc Nhà nước tạo điều kiện cho kiều bào sở hữu nhà ở, đất ở là việc nên làm, bởi đây là nguồn thu hút ngoại tệ, đầu tư vô cùng hiệu quả từ kiều bào vào xây dựng đất nước. Kiều bào sở hữu bất động sản còn góp phần đóng thuế và phát triển các ngành dịch vụ liên quan”, GS. Nguyễn Đình Phú nói.
Cho rằng có những kiều bào chưa đủ điều kiện để sở hữu nhà ở, đất ở tại Việt Nam nhưng vẫn qua cách nọ, cách kia, nhờ bạn bè, người thân sở hữu tài sản, kéo theo những rủi ro, GS. Nguyễn Đình Phú nhận định, việc cho phép kiều bào sở hữu nhà ở, đất ở còn tạo điều kiện cho kiều bào giảm thiểu rủi ro trong vấn đề này.
Đề xuất bổ sung quy định về mua, bán, trao tặng nhà ở
Theo TS. Trần Quang Huy cũng chỉ ra rằng, việc được mua nhà là một chính sách có tính ưu đãi với cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhằm tạo điều kiện cho họ có nơi ăn chốn ở, an cư lạc nghiệp. Đó là truyền thống tốt đẹp lâu đời của người Việt chúng ta. Tuy nhiên, nếu chỉ thuần túy để ở mà không kinh doanh thì đó là một thiệt thòi lớn cho một bộ phận người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã mua nhà ở tại Việt Nam. Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Kinh doanh bất động sản, chủ thể là người Việt Nam định cư ở nước ngoài không được mua nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua với tính cách là một giao dịch kinh doanh bất động sản”.
Ông Huy kiến nghị, tới đây, quá trình sửa đổi Luật Đất đai cùng với sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, cần phải đồng bộ hóa quy định cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài có đủ các phạm vi giao dịch bất động sản khi mua nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua như các tổ chức, cá nhân ở trong nước kinh doanh bất động sản.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Bắc, kiều bào tại Canada, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Home Deco Canada nhận định, nhấn mạnh, mỗi năm, kiều hối chuyển về Việt Nam gần 20 tỷ USD. Kiều bào mong muốn mua nhà, đất để ở, để kinh doanh lớn. Đây cũng là một kênh huy động vốn quan trọng để giải quyết dòng tiền trong xã hội, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang rất khó khăn về tài chính. “Việc bổ sung quy định về việc mua, bán, trao tặng nhà ở, đất ở đối với kiều bào cũng như mở rộng diện đất ở, nhà ở kiều bào được mua, bán, trao tặng vừa thỏa mãn được nhu cầu của kiều bào và người thân, vừa thu hút được nguồn vốn lớn, vừa tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, tránh tâm lý cho rằng có sự phân biệt, đối xử khác với người trong nước”, ông Nguyễn Hoài Bắc nói.
Theo nhận định của ông Nguyễn Hoài Bắc, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có điều khoản nói về việc kiều bào mua nhà, thừa kế nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cốt lõi có liên quan chưa được làm rõ. “Có một điều quan trọng là có mua, có bán, có chuyển nhượng và thừa kế nhưng trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) Ban dự thảo không nói đến việc bán, chuyển nhượng và thừa kế cho bà con kiều bào. Đây là một nút thắt cần tháo gỡ.