Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an Hà Nội, cho biết, 9 tháng đầu năm 2019, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng cháy chữa cháy (PCCC) với các khu chung cư, nhà cao tầng được thực hiện nghiêm túc.
Lực lượng chức năng đã kiểm tra 100% chung cư trên địa bàn. Tính riêng quý III năm 2019, đã phối hợp kiểm tra an toàn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ 1.150 lượt cơ sở chung cư; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 57 trường hợp với số tiền trên 500 triệu.
Công khai tên các chung cư vi phạm trên các trang thông tin điện tử của Công an Hà Nội và phương tiện thông tin đại chúng. Công an đã phối hợp chặt chẽ các đơn vị, kiên quyết không cấp điện, nước cho các công trình khi chưa có văn bản nghiệm thu về PCCC, hạn chế tối đa vi phạm mới phát sinh.
Trong 79 công trình vi phạm quy định về PCCC đã được đăng thông báo trong năm 2017, đến nay 59 công trình khắc phục xong và được nghiệm thu về PCCC, 1 công trình ngừng thi công, còn 19 công trình tồn tại vi phạm.
Đặc biệt, trong đó 8 công trình khó có khả năng khắc phục. Thời gian tới, công an sẽ nghiên cứu xây dựng quy trình, phương án tổ chức cưỡng chế đối với các chủ đầu tư có công trình còn nhiều tồn tại, vi phạm về PCCC, cố tình chây ỳ không chấp hành; chuyển hồ sơ của các công trình vi phạm cho cơ quan CSĐT xem xét, xử lý.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định, quản lý chung cư không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do nhà chung cư phát triển và số người dân ở nhà chung cư tăng đã kéo theo nhiều vướng mắc.
Đây là vấn đề phức tạp và nếu không có giải pháp xử lý sẽ dẫn tới nguy cơ mất ổn định về trật tự, an ninh xã hội. Ông Hải đề nghị cần thực hiện tốt công tác kiểm tra giám sát đi đôi với việc xem xét, xử lý các hành vi vi phạm. Với những chủ đầu tư vi phạm trong xây dựng quản lý chung cư, kiên quyết xử lý, không cấp chủ trương đầu tư các dự án khác.