30 ngày phải giao mặt bằng
Ngày 20/3/2017, 51 hộ dân có đất bị thu hồi trong hợp phần làm đường phía Tây dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt bất ngờ nhận được thông báo của UBND phường Tương Mai yêu cầu nghiêm túc và khẩn trương chấp hành nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để thực hiện dự án trong vòng 30 ngày.
Là một dự án kinh doanh thương mại nhưng theo các hộ dân bị thu hồi đất, việc dự án nằm “bất động” 13 năm không triển khai, dự án tái định cư chưa có, phương án đền bù áp giá không phù hợp bị người dân khiếu nại cũng chưa được giải quyết dứt điểm, việc thay đổi chủ đầu tư dự án chưa được thông báo rõ ràng... nên việc ra thông báo bắt ép người dân phải bàn giao mặt bằng trong vòng 30 ngày là việc làm coi thường quyền, lợi ích chính đáng của người bị thu hồi đất.
Đã 13 năm trôi qua, nhà tái định cư dự kiến dành cho chúng tôi vẫn chỉ là một bãi tha ma với các ngôi mộ còn nguyên hài cốt. Trời thì mưa nắng, nóng chúng tôi đang sinh sống trong những căn nhà hợp pháp bị yêu cầu ra khỏi nhà với số tiền tạm cư ít ỏi…”, ông Nguyễn Đức Tọa, đại diện cho 51 hộ dân bị thu hồi đất bức xúc.
Quận thừa nhận “dân nói đúng”
Theo hồ sơ quản lý đất đai tại địa phương, toàn bộ đất bị thu hồi tại khu dân cư tại tổ 68 phường Tương Mai để thực hiện đường phía Tây của dự án trước đây có nguồn gốc là đất cá thể do cha ông để lại. Trước khi bị thu hồi, khu dân cư này nằm trong quy hoạch đất ở thuộc quận Hai Bà Trưng nên một số hộ dân đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ) và một số hộ thì đang chờ xét duyệt.
Trong khi các hộ dân may mắn được cấp sổ đỏ trước khi dự án ra đời thì được Nhà nước đền bù với giá đất ở, được bố trí tái định cư đàng hoàng trong khi 51 hộ dân chờ xét duyệt lại bị quy là đất nông nghiệp đã tự ý chuyển đổi và áp giá đền bù theo giá đất nông nghiệp kèm theo một vài hỗ trợ mang tính chiếu lệ.
Ông Nguyễn Mạnh Trí - một người dân bị thu hồi đất cho hay, từ tháng 1/1996, UBND TP Hà Nội đã quy định: Khu vực nội thành không còn thu thuế nông nghiệp đối với các hộ cá thể. Các diện tích đất đóng thuế nông nghiệp đều chuyển sang đóng thuế đất ở. Phường Tương Mai trước đây thuộc quận Hai Bà Trưng là một trong 5 quận nội thành Hà Nội.
“Tất cả mọi mảnh đất, mọi căn nhà đã có sổ đỏ hay chưa kịp có (do có quy hoạch) đều là hợp pháp, không lấn chiếm, không tranh chấp, đều là đất các hộ có được do mồ hôi, nước mắt cả đời thậm chí nhiều đời lao động cực nhọc. Cho nên Nhà nước bồi thường cho chúng tôi theo giá đất nông nghiệp và không bố trí nhà tái định cư là không thỏa đáng”, ông Trí nói.
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Minh Căn - Phó Trưởng ban Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quận Hoàng Mai cho biết: Theo quy định của thành phố, các phương án đã có quyết định phê duyệt thì không “hồi tố” nên quận không được phép. Quận nhận thấy cần phải xem xét, đề xuất tháo gỡ những bất cập khi mà dự án tồn tại 13 năm nay chưa thực hiện, nhiều chính sách cũng đã thay đổi.
“Dân người ta nói cũng đúng, chúng tôi phải tiếp thu. Hiện, quận đã tập hợp kiến nghị của dân, làm tờ trình gửi thành phố để xem xét. Cuối năm 2016 , quận đã có tờ trình thành phố nhưng chưa được hồi âm và nay chúng tôi tiếp tục làm tờ trình lần nữa để gửi thành phố xem xét” - ông Căn cho biết.
Về giá đền bù đối với 51 hộ dân, ông Căn cho biết, việc áp giá như hiện nay theo quận là không phù hợp và thiệt thòi cho người dân nên đã đề xuất theo hướng mức bồi thường gần sát với các trường hợp đã được cấp sổ đỏ đã được đền bù trước đây. Cụ thể, quận đề xuất phê duyệt bổ sung hỗ trợ đối với đất nông nghiệp bằng khoảng 60 -70% giá đất ở nhân với hệ số k=1,6.
Về các câu hỏi dự án đã “đắp chiếu” 13 năm không được gia hạn nhưng vì sao không bị thu hồi? Cũng như việc thông báo gửi người dân mới đây của chính quyền đề nghị giao đất cho chủ đầu tư nhưng chủ đầu tư là một pháp nhân mới không phải là pháp nhân được thành phố giao đất trước đây? Ông Căn trả lời: Quận đã ghi nhận ý kiến của người dân nhưng đối chiếu với hồ sơ hiện có của dự án thì chưa đủ thông tin để giải đáp cho người dân?