Theo đó, UBND TP Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã, Cục Thuế Thành phố thực hiện rà soát các trường hợp người sử dụng đất chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thuê đất (chưa có Quyết định cho thuê đất, Hợp đồng thuê đất), đang sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh (đối chiếu dữ liệu cơ quan thuế đang theo dõi và quản lý thu tiền thuê đất) để hướng dẫn, đôn đốc người sử dụng đất liên hệ, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đất đai. Trường hợp người sử dụng đất chây ỳ, chậm trễ trong việc hoàn thiện hồ sơ thuê đất thì xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật về đất đai;
Đồng thời, Sở TN&MT Hà Nội sẽ tiến hành xây dựng kế hoạch triển khai công tác hoàn thiện hồ sơ về đất đối với các điểm đất thuê chưa có Quyết định cho thuê đất, Hợp đồng thuê đất trên địa bàn Thành phố; Thông báo đến UBND các quận, huyện, thị xã và Cục Thuế Thành phố để phối hợp triển khai thực hiện. Hoàn thành trong quý II/2022.
Ngoiaf ra, UBND TP Hà Nội cũng giao UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn phối hợp với cơ quan thuế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất thuê của người sử dụng đất.
Về hướng dẫn cơ quan cung cấp thông tin địa chính làm căn cứ quản lý thu tiền thuê đất đối với trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất chưa có Quyết định cho thuê đất, Hợp đồng thuê đất, UBND TP Hà Nội giao UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường căn cứ đề nghị của cơ quan thuế, cung cấp thông tin địa chính làm căn cứ quản lý thu tiền thuê đất đối với trường hợp người sử dụng đất là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chưa có Quyết định cho thuê đất, Hợp đồng thuê đất trên địa bàn, đang sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh theo quy định tại Khoản 1 Điều 63 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.
Theo Báo cáo kết quả tái giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội, tính đến hết tháng 5/2021, Hà Nội có 38 dự án còn nợ nghĩa vụ tài chính về đất với số tiền là hơn 3.760 tỷ đồng. Trong đó, có 22 dự án còn nợ gần 1.638 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 1.354 tỷ tiền chậm nộp tương ứng. Ngoài ra, 16 dự án đã nộp hết tiền sử dụng đất vẫn còn nợ tiền chậm nộp là hơn 622 tỷ đồng.
Trước đó, Bộ Tư pháp vừa có văn bản gửi Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam về việc chống thất thu thuế trong hoạt động chuyển nhượng BĐS.
Nêu tại văn bản này, Bộ Tư pháp yêu cầu Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam chỉ đạo và có cơ chế giám sát các hội công chứng viên trong việc yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án BĐS, doanh nghiệp kinh doanh, chuyển nhượng BĐS, kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán để làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật, tránh thất thu ngân sách nhà nước.
Bộ Tư pháp cũng yêu cầu Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ đạo, quán triệt các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện nghiêm túc các quy định về trình tự, thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, hướng dẫn người yêu cầu công chứng kê đúng giá thực tế mua bán để làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, phối hợp với Cục Thuế, Công an tỉnh và các cơ quan liên quan tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra hoạt động công chứng tại địa phương nói chung và việc công chứng các hợp đồng, giao dịch về BĐS nói riêng. Có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý hành vi trốn thuế trong chuyển nhượng, kinh doanh bất động sản (nếu có).