80% sàn giao dịch đóng cửa
Bộ Xây dựng vừa cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp (DN) BĐS chỉ giữ lại khoảng 50% cán bộ, nhân viên để duy trì hoạt động, làm việc trực tiếp, còn lại làm việc trực tuyến tại nhà, một phần phải cho nghỉ. Tại một số dự án đang triển khai xây dựng hầu như chưa khởi động lại hoặc phải tạm dừng hoạt động. Gần như toàn bộ công nhân, lao động phải tạm nghỉ.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong 3 tháng đầu năm 2020 có khoảng 80% số lượng sàn BĐS đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động hoặc không phát sinh giao dịch, nhiều cá nhân môi giới BĐS thất nghiệp.
Tính đến nay, cả nước ước tính còn khoảng 200 sàn giao dịch BĐS đang hoạt động cầm chừng, hầu hết các sàn chỉ duy trì bộ phận gián tiếp điều hành làm việc luân phiên trong thời gian phòng tránh dịch, phần lớn các nhân viên môi giới đều tạm ngừng làm việc, chuyển sang công việc khác theo thời vụ.
Ngoài ra, khi Chính phủ, các địa phương thực hiện cách ly xã hội, yêu cầu giãn cách trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều chủ đầu tư và các sàn giao dịch không thực hiện mở bán sản phẩm được.
“Để khắc phục khó khăn trong giao dịch, một số sàn giao dịch BĐS đang nghiên cứu phát triển thêm hình thức giao dịch trực tuyến, nhưng chủ yếu vẫn chỉ là đăng thông tin, giới thiệu về dự án trong trang mạng riêng của DN”, Bộ Xây dựng nhận định.
Trong khi không bán được hàng thì hàng loạt dự án BĐS mới được triển khai, xây dựng và hoàn thành. Theo thống kê của Bộ Xây dựng từ 34 tỉnh thành trong quý 1/2020 cho thấy, có 56 dự án với 20.536 căn hộ được cấp phép; 997 dự án với 233.313 căn hộ đang triển khai xây dựng; 55 dự án với 18.061 căn hộ hoàn thành.
Thống kế cũng cho thấy, một số DN BĐS dù ảnh hưởng dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành các dự án đang dở dang và triển khai các dự án được cấp phép mới. “Tuy nhiên, tiến độ và khối lượng công việc thực hiện bị ảnh hưởng lớn do thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, giãn cách xã hội”, đại diện Bộ Xây dựng nhận xét.
Hà Nội tồn đọng nhiều chung cư
Tổng hợp của Bộ Xây dựng cho thấy, lượng sản phẩm BĐS giao dịch thành công trong quý I/2020 chỉ đạt khoảng 14% so với tổng lượng sản phẩm hiện có trên thị trường, thấp nhất trong vòng 4 năm qua và chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, nguồn cung nhà ở, bao gồm số lượng chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền đang tăng lên. Thống kê từ 34 tỉnh thành của Bộ Xây dựng trong quý 1/2020 cho thấy, có 71 dự án với 25.734 căn hộ được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Riêng tại Hà Nội có 15 dự án, với tổng số 9.414 căn nhà; trong đó có 8.878 căn hộ chung cư, bằng 420% cùng kỳ 2019; 536 căn nhà thấp tầng, bằng 83% cùng kỳ 2019.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, có 10 dự án với tổng số 2.816 căn nhà; trong đó có 2.736 căn hộ chung cư, bằng 81% cùng kỳ 2019; 80 căn nhà thấp tầng, bằng 33% cùng kỳ 2019.
Theo giải thích của Bộ Xây dựng, tại Hà Nội, trong quý I/2020 số lượng nhà ở chung cư hình thành trong tương lai đủ điều kiện bán tăng cao so với kỳ trước và cùng kỳ 2019 là do có lượng lớn sản phẩm từ các đại dự án của Vinhomes được công bố đủ điều kiện bán.
Dù sản phẩm BĐS cho ra thị trường tương đối dồi dào nhưng giá bán hầu như không thay đổi, thậm chí tăng lên chút ít. Cụ thể, theo Bộ Xây dựng, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 1,02% so với cùng kỳ năm 2019; nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 3,82%. Tại TP Hồ Chí Minh, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 3,50% so với cùng kỳ năm 2019; nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 8,36% so với cùng kỳ năm 2019.
Trao đổi với PLVN, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, trên cơ sở đánh giá các yếu tố vĩ mô cũng như các chỉ số cụ thể của thị trường cho thấy hiện nay thị trường BĐS chưa có biểu hiện của khủng hoảng trầm lắng, “đóng băng” hay phát triển nóng.
Dư nợ tín dụng BĐS xu hướng giảm
Thông tin từ Ngân hàng nhà nước Việt Nam, tính đến tháng 2/2020, dư nợ tín dụng BĐS là hơn 531.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng dư nợ tín dụng đang có xu hướng giảm. Theo đó, năm 2018 tăng 6%, năm 2019 chỉ tăng 4%, còn quý I/2020 tăng 1,76%.