Chúc mừng Kỳ Sơn đã đạt được nhiều thành công trong kêu gọi đầu tư. Theo ông, Kỳ Sơn có những lợi thế gì để phát triển kinh tế - xã hội địa phương?
- Kỳ Sơn có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tiên là thuận lợi về vị trí địa lý khi Kỳ Sơn nằm trong vùng động lực kinh tế của tỉnh với nguồn tài nguyên phong phú, giao thông đường thủy và đường bộ với nhiều tuyến đường huyết mạch như cao tốc Hoà Lạc – Hoà Bình, quốc lộ 6, các tuyến đường tỉnh lộ 445, 446, tạo thuận lợi trong việc giao thương, đi lại. Kỳ Sơn là vùng cửa ngõ phía Tây Bắc, gần Thủ đô Hà Nội, lực lượng lao động trẻ và dồi dào, trên địa bàn có 1000ha đất canh tác phù sa màu mỡ, với 20km Sông Đà chảy qua 4 xã, thị trấn cùng hệ thống suối phân bố đều khắp các xã, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông, công nghiệp.
Kỳ Sơn có những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch với địa hình núi non trùng điệp, rừng quốc gia đan xen rừng nguyên sinh, với các rặng núi đá vôi, Sông Đà chảy qua tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình cùng với nền văn hoá cộng đồng đa dạng… Những điều kiện này đã giúp Kỳ Sơn trở thành điểm sáng, là sự lựa chọn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi Kỳ Sơn cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù những năm gần đây phát triển kinh tế - xã hội của huyện có nhiều khởi sắc song vẫn ở mức thấp, số người lao động chưa qua đào tạo còn cao, cùng với đó là sự chênh lệch về chất lượng cuộc sống giữa các vùng; Hệ thống giáo dục và đào tạo tuy đã đạt những thành tựu quan trọng, nhưng nhìn chung cơ sở vật chất còn nghèo nàn, hạ tầng giao thông nhiều khó khăn… Do vậy, muốn thúc đẩy phát triển kinh tế đạt được những mục tiêu đề ra thì cần thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp cả vĩ mô và vi mô.
Gần đây, Kỳ Sơn được đánh giá cao trong việc kêu gọi đầu tư, ông có thể chia sẻ cụ thể về kết quả đã đạt được?
- Nằm trong vùng động lực kinh tế của tỉnh, Kỳ Sơn hiện có 2 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Khu công nghiệp Mông Hóa và Khu công nghiệp Yên Quang. Hiện nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang khảo sát, tìm cơ hội đầu tư.
Cụ thể, hiện có 95 dự án đang chuẩn bị hoặc đã và đang đầu tư, trong đó có 1 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là dự án nhà máy thức ăn chăn nuôi gia súc JAPFA Hòa Bình và 1 dự án liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước là dự án Khu sinh thái nghỉ dưỡng Bảo Thọ Quốc tế Hòa Bình. Các dự án được phân bổ khá đều trên địa bàn huyện, nhưng chủ yếu tập trung ở hai bên đường cao tốc Hoà Lạc - TP Hoà Bình. Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, nhờ có những chính sách thu hút đầu tư hiệu quả, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tăng đáng kể với nhiều dự án lớn như: Dự án Sân golf Hòa Bình - Geleximco; Dự án Khu đô thị sinh thái cao cấp Hòa Bình Xanh; Dự án Công viên nghĩa trang Kỳ Sơn Lạc Hồng Viên; Dự án Khu sinh thái nghỉ dưỡng Bảo Thọ quốc tế Hòa Bình; Dự án đầu tư xây dựng sân golf An Việt - Hòa Bình, Dự án Nhà máy nước Vinaconex...
Nhiều dự án đi vào hoạt động đã góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nâng cao đời sống nhân dân.
Vậy những ưu tiên của Kỳ Sơn dành cho các nhà đầu tư như thế nào?
- Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và thu hút đầu tư, UBND huyện Kỳ Sơn đã có rất nhiều ưu tiên dành cho các nhà đầu tư. Cụ thể:
Có chính sách ưu đãi về thuế như miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước… cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn. Giảm thiểu các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, các thủ tục về đất đai, môi trường... Phối hợp cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình hình thành dự án cũng như trong sản xuất kinh doanh.
Kêu gọi các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp Mông Hóa, Yên Quang và cụm công nghiệp Trung Mường. Đồng thời kêu gọi đầu tư để hình thành các khu, cụm công nghiệp nhất là thu hút về công nghiệp nhẹ: dệt may, da giày, điện tử… dọc tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình.
Hiện Kỳ Sơn có hai dự án sân golf trên tổng số 7 sân golf được quy hoạch của tỉnh Hoà Bình. Việc triển khai 2 dự án này đến đâu, thưa ông?
- Hai dự án sân nêu trên là Sân Golf An Việt - Hòa Bình và Sân golf Hòa Bình - Geleximco. Dự án Sân Golf An Việt - Hòa Bình do Cty Cổ phần Golf An Việt Hòa Bình làm chủ đầu tư tại xã Phúc Tiến, xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn hiện đang hoàn thiện hồ sơ phê duyệt chủ trương đầu tư.
Dự án Sân golf Hòa Bình - Geleximco do Cty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội làm chủ đầu tư tại xã Dân Hạ, thị trấn Kỳ Sơn và xã Trung Minh, TP Hòa Bình. Dự án được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư tháng 12/2014, thực hiện giải phóng mặt bằng theo hình thức doanh nghiệp thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân và Nhà nước thu hồi đối với đất do tổ chức quản lý sử dụng.
Về công tác giải phóng mặt bằng và các vấn đề liên quan khác như tái định cư, hỗ trợ phát triển kinh tế cho các hộ dân di dời, tính đến thời điểm này đã được huyện thực hiện khá tốt. Huyện chủ trương đặt quyền lợi của người dân lên trên hết để tạo “mặt bằng sạch” về đất đai; Công bố công khai giá trị bồi thường giữa các hộ đảm bảo sự đồng thuận, thống nhất giữa các hộ có liên quan; đặc biệt khách quan, công bằng trong chính sách đền bù, sắp xếp tái định cư và giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi.
Tuy nhiên, để dự án có thể hoàn thành đúng tiến độ thì cần hoàn thiện các thủ tục thu hồi đất đối với phần đất lâm trường và đất lâm trường trả để có thể bàn giao đất xây dựng các đường sân golf. UBND huyện đang tập trung làm tốt công tác tuyên truyền vận động, phấn đấu chung tay cùng nhà đầu tư đưa dự án vào hoạt động trong quý III/2017.
Xin cảm ơn ông!