Quyết định số 345/QĐ-BTC xác lập các yêu cầu tuân thủ mới dành cho một số đối tượng doanh nghiệp nhất định trên thị trường. Quyết định này cho phép doanh nghiệp lựa chọn cách thức và thời điểm thực hiện việc chuyển đổi áp dụng báo cáo tài chính theo chuẩn mực IFRS. Hầu hết các doanh nghiệp buộc phải áp dụng IFRS sau năm 2025.
Theo ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc Điều hành của Savills Việt Nam, Việt Nam đang có một thị trường đầu tư cởi mở, với nhiều chính sách được Chính phủ cải thiện. Điều đó, cho phép nhiều nhà đầu tư quốc tế, cũng như các doanh nghiệp trong nước “có quyền” được mở rộng quy mô về vốn, về chiến lược kinh doanh thông qua hình thức đầu tư trực tiếp hay các thương vụ M&A.
Tuy nhiên, hiện nay tính minh bạch về báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Đó cũng là những bất cập và là rào cản khiến các nhà đầu tư quốc tế không mạnh tay rốt vốn. Do vậy, “Đề án áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam của Bộ Tài chính là minh chứng cho cam kết cải thiện tính minh bạch của các báo cáo tài chính và mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận gần hơn với tiêu chuẩn quốc tế”, ông Troy Griffiths cho hay.
ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc Điều hành của Savills Việt Nam. |
Theo đại diện của Savills, tác động đáng kể nhất của chuẩn mực IFRS là các giá trị tài sản và nợ phải trả cần được phù hợp với giá trị thực tế hoặc giá trị thị trường. Cách tiếp cận chính xác nhất là sử dụng Giá trị hợp lý (Fair Value - FV), hoặc nguyên tắc hoạch toán theo giá trị thị trường (mark-to-market). Thông thường, khi giá trị của một tài sản hoặc nợ phải trả tăng hoặc được kỳ vọng tăng, những khoản này sẽ được điều chỉnh về giá hiện tại để thể hiện đúng giá trị có thể thực hiện được.
Ngoài ra, chuyển đổi áp dụng IFRS còn đòi hỏi sự quan tâm chặt chẽ của lãnh đạo doanh nghiệp và giám đốc tài chính khi tài sản và nợ cần được định giá chính xác và ghi nhận đầy đủ trên báo cáo tài chính. Bởi số liệu giá trị thực tế rất cần thiết cho các nhà đầu tư và cổ đông muốn có một thước đo chính xác về “sức khỏe” tài chính doanh nghiệp trước cá quyết định có nên đầu tư hay mở rộng thêm đầu tư vào doanh nghiệp đó hay không.
Tuy nhiên, theo ông Troy Griffiths thì công tác báo cáo tài chính lại đòi hỏi kinh nghiệm và chuyên môn liên quan trực tiếp tới công tác định giá – 2 yếu tố còn thiếu hụt ở không ít các giám đốc tài chính thuộc doanh nghiệp Việt Nam.
Troy Griffiths nêu ví dụ, chuẩn mực IFRS về hợp đồng cho thuê tài sản. Quy định mới sẽ không còn phân biệt giữa hợp đồng thuê tài chính và thuê hoạt động tài sản. Đối với bất kỳ hợp đồng nào đáp ứng được định nghĩa của hợp đồng cho thuê tài sản, bảng cân đối kế toán của Bên thuê sẽ thể hiện “quyền sử dụng” tài sản cùng với nợ thuê phải trả.
Trong khi đó, với Bên thuê có các quyền liên quan tới bất động sản hoặc hưởng lợi từ “quyền sử dụng” các danh mục tài sản, thay đổi về giá trị sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tình hình tài chính của họ. Đối với người thuê có các danh mục tài sản thuê như các chuỗi cửa hàng bán lẻ, các chuỗi khách sạn hoạt động hoặc các nhà điều hành rạp chiếu phim, tài sản và nợ phải trả thay đổi trên bảng cân đối kế toán sẽ rất đáng kể.
Khi bắt đầu, Bên thuê sẽ đo lường giá trị hiện tại của nợ thuê bằng các khoản thanh toán cho thuê chưa được trả vào ngày đó. Các khoản thanh toán cho thuê được chiết khấu dựa trên việc tham khảo lãi suất ngầm định trong hợp đồng thuê tài sản nếu tỷ lệ đó có thể được xác định. Nếu không, Bên thuê sử dụng Lãi suất biên đi vay của Bên thuê. Lãi suất ngầm định trong hợp đồng thuê tài sản tạo nên giá trị hiện tại của khoản cho thuê. Giá trị còn lại không được đảm bảo theo qui định của IFRS bao gồm giá trị hợp lý của tài sản cơ bản và mọi chi phí trực tiếp ban đầu của bên cho thuê.
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Savills. |
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Savills - cũng cho rằng, việc triển khai lộ tình áp dụng IFRS sẽ khiến cho doanh nghiệp đối diện với một số khó khăn. Chẳng hạn, như không tuân thủ đầy đủ các quy định về báo cáo Giá trị hợp lý (FV) có thể dẫn đến các khoản phạt hoặc những hậu quả nghiêm trọng hơn. Do các tiêu chuẩn báo cáo phức tạp hơn, nên cần những đơn vị định giá có uy tín là một phần quan trọng của quy trình, đặc biệt trong khâu đánh giá “quyền sử dụng” tài sản.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Sơn, nếu các doanh nghiệp áp dụng IFRS sớm có thể nắm bắt được cách thức mà việc xác định Giá trị hợp lý ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, giảm thiểu chi phí áp dụng và rủi ro tuân thủ, bằng việc thực hiện sớm quá trình này.
“Các doanh nghiệp hợp tác với các chuyên gia tư vấn có uy tín và kinh nghiệm sẽ thấy quá trình chuyển đổi suôn sẻ, hiệu quả; đồng thời tất cả các bên liên quan sẽ hiểu đầy đủ về IFRS. Doanh nghiệp cần hành động sớm để tránh vội vàng khi buộc phải tuân thủ áp dụng IFRS vào năm 2025” - ông Nguyễn Hồng Sơn kết luận.