- Cần làm rõ hơn việc phân vùng để lập quy hoạch, vì nếu phân theo kiểu kinh tế, xã hội như trước đây (6 vùng kinh tế) tất cả duyên hải từ bắc đến nam là một vùng kinh tế thì việc quy hoạch vùng là bất hợp lý.
Vì việc quy hoạch vùng đối với ngành Xây dựng, môi trường hay thủy lợi cần thiết phải xem xét và thiết kế cho một vùng sinh thái có các giải pháp công trình thượng lưu và hạ lưu, việc phân bố dân cư hợp lý giữa không gian địa hình khác nhau, phối kết hợp các hoạt động kinh tế khác nhau.
Theo bà, cách thức xây dựng Luật Quy hoạch như các cơ quan hữu trách đang làm trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật hiện nay là phù hợp chưa?
- Thực tế xã hội cần một khung thể chế đối với quy hoạch nhằm định hướng cho các quy hoạch ngành và quy hoạch các cấp có một khung thống nhất trình tự và liên kết, chứ không phải là sản phẩm như của Luật quy hoạch, tức là một loại quy hoạch thay thế toàn bộ các quy hoạch hiện hành liên quan đến hàng chục văn bản luật hiện hành.
Việc đưa ra một các quy hoạch tích hợp cũng có thể là hợp lý để đạt mục tiêu đồng bộ, tuy nhiên việc ghép tất cả các bản quy hoạch thiết kế cho một vùng hay một tỉnh với đầy đủ nội dung cần thiết như hiện nay vào một bản vẽ là không thể, hoặc chỉ có thể có rất sơ sài, như vậy dẫn đến tình trạng quy hoạch không dùng được. Điều đó có thể dẫn đến quy hoạch như một “nồi lẩu thập cẩm”.
Bản chất định hướng xây dựng Luật quy hoạch nhằm giải quyết các vấn đề quy hoạch chồng chéo đang tồn tại, là cần xây dựng một thể chế khung điều tiết việc kết nối quy hoạch của các ngành, các cấp, chứ không phải là cách làm “một cái nồi to để đổ hết các loại vào” cho thống nhất như cách làm hiện nay.
Từ kinh nghiệm của một người có thâm niên làm quy hoạch, theo bà cần làm quy hoạch như thế nào để “hợp thức, hợp thời”?
- Hầu hết các quốc gia đang phát triển đều vẫn rất cần có ít nhất 2 hệ thống công cụ. Thứ nhất là định hướng chiến lược tổng thể và ngành: Có thể là Nghị quyết, cơ chế, chính sách, mục tiêu phát triển…, được thể hiện bằng văn bản hoặc một loại hình quy hoạch. Thứ hai là quy hoạch vật thể không gian, tức là hệ thống quy hoạch các cấp để thể hiện các cơ sở vật chất đáp ứng các mục tiêu chiến lược đã đề ra.
Đối với các quốc gia đã phát triển có thể tích hợp các công cụ gọn hơn, do các quốc gia này đã thực hiện cơ bản được những hệ thống khung quốc gia và các vùng ổn định và phát triển.
Theo tôi, với Việt Nam, chúng ta cần học tập các nước để có cách làm khoa học và từng bước phát triển. Tuy nhiên, cũng cần phải xác định rằng hệ thống luật pháp của Việt Nam cũng chỉ mới được tập trung xây dựng hơn 10 năm nay, việc quy hoạch vùng lãnh thổ và đô thị, nông thôn cũng mới được tập trung lập gần đây, thậm chí chưa phủ kín được các khu vực, trong khi các quốc gia đã phát triển họ đã trải qua các bối cảnh này hàng trăm năm, và họ cũng phải xây dựng những công cụ quy hoạch làm cơ sở phát triển.
Tóm lại, theo tôi, Dự thảo Luật quy hoạch còn đang được xây dựng theo những tư duy áp đặt có tính chủ quan, chưa có thực nghiệm, chưa lường hết được những hệ quả của việc áp dụng theo dạng thức như Dự thảo Luật đã nêu.
Về lý thuyết có vẻ như việc đưa ra một loại quy hoạch để có thể thay thế các quy hoạch chuyên ngành ở cấp vùng và tỉnh nhằm giảm tối đa số lượng loại quy hoạch, nhưng thực tế một quy hoạch tổng hợp sẽ quá phức tạp, đặc biệt nếu đầy đủ các thiết kế có tính kỹ thuật của các ngành.
Việc thực hiện sẽ khó khăn đối với một số tỉnh khi trình độ quản lý các vùng miền còn chênh lệch. Việc đưa ra một luật chưa có chứng minh đầy đủ khoa học và thực tiễn, có thể dẫn đến những hệ quả khôn lường. Do đó, cần có đề án thí điểm trước khi ban hành và chính thức thực thi Luật Quy hoạch.