Nhiều người dân còn chế tên Khu đô thị “Ao Sào” thành “Ao Cạn”. Một người nói: “Nhiều lúc thấy mình dại khi chuyển về đây sống, cơ sở hạ tầng còn nhếch nhác, chưa đâu vào đâu, ở đây gần hai năm mà cuộc sống biệt lập như thể bị “cách li” với bên ngoài, thiếu thốn đủ đường.
Đường đất ổ gà, ổ vịt, bụi bặm và hoang vắng. Gia đình nào đêm hôm có người đau ốm đi cấp cứu, gọi taxi cũng khó vì đường khó tìm, hoặc tài xế sợ con đường hoang vắng không dám vào”.
Tự khoan giếng “cứu” mình
Nhà liền kề Ao Sào thuộc Khu đô thị mới Ao Sào, được quy hoạch tổng thể bên cạnh sông Sét và hồ Yên Sở với chức năng: công viên, nhà cao tầng, biệt thự, trường học, cây xanh, khu vui chơi giải trí và các tiện ích khác.
Khu đô thị thuộc dự án của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5. Với cái tên nước ngoài là Lexington Estate thể hiện sự quý phái, sang trọng đậm chất Tây. Thế nhưng từ trung tâm Hà Nội, những người lần đầu đến đây có lẽ cũng phải mất nhiều giờ tìm kiếm và không ít lần hỏi đường. Đường dẫn vào khu đô thị “sang chảnh” này lại là con đường đất vắng vẻ, hai bên cỏ dại và thấp thoáng những ngôi mộ. Mỗi lần có chiếc xe chạy qua lại mịt mù khói bụi.
Người dân phải mua nước giếng khoan về dùng tạm. |
Tiếng là khu đô thị mới nhưng các hộ dân sống tại đây thiếu thốn đủ thứ. Ông Vũ Văn Cơ, một cư dân tại khu Ao Sào chia sẻ: Khi quảng cáo, giới thiệu thì họ nói ngọt “chất lượng công trình tốt, dân trí cao, cùng nhiều hạng mục phụ trợ”, mang tiếng là ở khu đô thị cao cấp nhưng chúng tôi đang “sống dở, chết dở” vì thiếu đủ thứ. Điện thắp sáng thì phải phản ánh mãi mới được lắp, còn nước thì kêu mãi vẫn chưa có”.
Cũng theo ông Cơ, gia đình ông phải tốn rất nhiều tiền để mua ống dẫn nước về, thương lượng với những hộ dân sống gần khu đô thị để mua nước với giá “hữu nghị” 50 ngàn đồng/m3, có khi lên tới 100 nghìn đồng.
Hàng chục hộ dân khác cũng chung hoàn cảnh này. “Khi nhận nhà, nhân viên ban quản lý xuống yêu cầu chúng tôi đóng 7,2 triệu đồng mỗi căn để được cung cấp điện nước, nhưng đến bây giờ mới chỉ có điện”, ông Cơ chia sẻ thêm.
Một số hộ dân khác cho rằng, thực tế khoản phí trên chỉ là “phí bôi trơn”, song biên lai thu tiền lại được ghi là “đã hoàn thành đầy đủ” về tài chính cung cấp điện và nước. Người dân cho biết không tiếc khoản tiền này, nhưng búc xúc ở chỗ tiền bạc “sòng phẳng” rồi mà đến nước sạch vẫn chưa có.
Nhiều người dân còn chế tên Khu đô thị “Ao Sào” thành “Ao Cạn”. Ông Nguyễn Thanh Sơn, đại diện các hộ dân có phản ánh tại khu đô thị nói: “Nhiều lúc thấy mình dại khi chuyển về đây sống, cơ sở hạ tầng còn nhếch nhác, chưa đâu vào đâu, ở đây gần hai năm mà cuộc sống biệt lập như thể bị “cách li” với bên ngoài, thiếu thốn đủ đường.
Một con đường đoàng hoàng dẫn vào đây cũng không có, đường đất ổ gà, ổ vịt, bụi bặm và hoang vắng dài gần 1km qua dự án của Công ty Licogi ra đường Tân Mai. Gia đình nào đêm hôm có người đau ốm đi cấp cứu, gọi taxi cũng khó vì đường khó tìm, hoặc tài xế sợ con đường hoang vắng không dám vào”.
Gần hai năm qua, để khắc phục tình trạng thiếu nước sạch, một số hộ dân quyết định “làm liều”, mặc kệ khu đô thị có quy định cấm, vẫn bỏ mấy chục triệu để khoan giếng. Cái giếng từ khi được khoan xong đã phải hoạt động liên tục để có thể cung cấp nước cho các hộ dân.
Anh Lê Trung Hiếu, người bất chấp nội quy Khu đô thị để khoan giếng, đã được người dân mệnh danh là “anh hùng”. Anh Hiếu chia sẻ, do phải mua nước nên gia đình anh dùng nước cũng dè xẻn. Không muốn kéo dài tình trạng sống “kham khổ” như thế, anh quyết định kêu thợ đến khoan giếng. Ban quản lý đã hai lần ngăn cản, hứa cung cấp nước “trong nay mai”. Nhưng đợi mòn mỏi vẫn không thấy nên anh Hiếu quyết khoan cho bằng được.
Theo anh Hiếu, chi phí để hoàn thành cái giếng với các bộ lọc và xử lý nước lên tới 50 triệu đồng. Hằng ngày, người dân Khu đô thị vẫn đến giếng khoan để mua nước. Cùng hoàn cảnh nên anh chỉ bán rẻ 25 - 30 nghìn đồng/m3 nước, thấp hơn giá của những hộ dân vùng ven, phần nào giúp người dân giảm chi phí.
Anh cho biết, nếu Khu đô thị có hệ thống nước sạch, anh sẽ “giải thể” cái giếng khoan. Giếng này tuy đã giúp cho gia đình anh và người dân sử dụng gần hai năm nay nhưng chỉ bất đắc dĩ phải dùng. Điều anh và người dân mong chờ là nước sạch để đảm bảo sức khỏe.
Bỏ tiền tỉ chuốc khổ đủ đường
Người dân đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên Ban quản lý Khu đô thị cũng như chủ đầu tư dự án, nhưng chỉ nhận lại sự im lặng, phớt lờ, không có lời giải thích.
Mới đây, UBND quận Hoàng Mai vào cuộc, yêu cầu chủ đầu tư Khu đô thị Ao Sào – Lexington Estate trước mắt phải xử lý vụ nước sạch, hạn cho chủ đầu tư hết tháng 5/2016 phải có nước sạch cho người dân sinh hoạt. Được biết, Ban quản lý cũng đã cho các xe bồn chở nước sạch đến để bơm nước cho mỗi nhà. Nhưng người dân cho rằng đây chỉ là giải pháp “đối phó” để xoa dịu người dân. Việc bơm nước không đáp ứng được nhu cầu sử dụng, người dân vẫn phải sống chủ yếu bằng nước giếng khoan mua.
Ông Nguyễn Văn Phú, một hộ dân ở đây cho biết: “Mấy ngày trước cũng có thấy xe chở nước sạch đến, bơm cho mỗi nhà một tí, bảo khi nào hết thì lại bơm tiếp, thế rồi đâu lại vào đấy cả”. Ông Phú tâm sự, tìm hiểu mãi, cuối cùng gia đình ông cũng bỏ gần 4 tỷ đồng để mua ngôi nhà đang ở. Thiết kế và trang trí nội thất đầy đủ cho ngôi nhà cũng xấp xỉ 5 tỷ đồng. Tưởng rằng sau đó sẽ được sống trong môi trường tiện nghi đầy đủ, nhưng gia đình ông không ngờ lại thiếu thốn đủ đường, e dè từng giọt nước.
Nhà mới ở đã vỡ ống xả và nứt tường. |
“Khi thỏa thuận hợp đồng mua nhà, họ nói bàn giao nhà sẽ cung cấp điện, nước đầy đủ. Nhưng bây giờ chỉ có điện, nước thì chưa có, chi phí mua nước để xây dựng và sinh hoạt thì quá tốn kém. Thôi thì lỡ trót dại đành chịu”, ông Phú bức xúc.
Sát bên nhà ông Phú là gia đình ông Lê Ngọc Hùng, diện tích nhà cũng 70m2, nhưng do ông Hùng mua từ khi dự án mới triển khai cắt đất phân lô, nên giá thấp hơn giá mua nhà ông Phú, sau khi hoàn thiện nhà là gần 4 tỷ. Gia đình ông Hùng có 3 người con đều đã lập gia đình. Ông bà hiện sống với vợ chồng con trai cả và một cháu nội. Sinh hoạt 5 người đòi hỏi phải dùng nhiều nước, nhà ông Hùng phải nối một sợi dây dẫn nước dài từ trong xóm dân cư để mua nước về sinh hoạt. “Dùng thế này bất tiện lắm, nước không khi nào đủ dùng, nhà thì đông người, giặt giũ, tắm rửa cũng phải tiết kiệm”, ông than.
Ông Hùng cũng chia sẻ thêm: “Việc chưa có hệ thống nước sạch một phần do chủ đầu tư, phần khác là vì cư dân vùng ven nơi đây không cho lắp đặt, sợ làm yếu nguồn nước của họ. Ban quản lý Khu đô thị đi chôn cái công tơ điện nước mà cũng phải làm buổi tối, sợ người dân thấy họ phá”.
Ông Hùng bày tò: “Gia đình tôi chỉ mong sao Ban quản lý nhanh chóng xây dựng hệ thống nước sạch cho gia đình tôi và mọi người sống ở đây có nước để sinh hoạt, ngoài ra, cần triển khai nâng cấp con đường cho chúng tôi đi lại”.
Cũng theo chia sẻ của một vài người dân, ngoài việc thiếu nước sạch, họ cũng chưa được cấp sổ đỏ. Những ngôi nhà mới ở có dấu hiệu nứt tường, vỡ ống xả, điều này tạo thêm cho họ những lo lắng khác.
Được biết, Khu đô thị được xây dựng trên khu đất vốn là một cái hồ. Người dân lo ngại, việc lấp đất hồ để xây nhà đã gây tình trạng nứt tường như hiện nay./.