15 năm “trên giấy”
Tọa lạc tại ngã tư Huỳnh Thúc Kháng - Nguyễn Chí Thanh, một trong những vị trí đắc địa, sầm uất bậc nhất ở phía Tây Thủ đô, khu tập thể tại địa chỉ 59 - 63 Huỳnh Thúc Kháng được xây dựng từ khoảng năm 1985 là nơi ở của các cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Sau hàng chục năm sử dụng, khu tập thể đã xuống cấp. Năm 2009, UBND thành phố Hà Nội chấp thuận cho Công ty CP Bất động sản dầu khí (Petrowaco) đầu tư xây dựng dự án xây dựng lại khu tập thể 59 - 63 Huỳnh Thúc Kháng, nhằm cải thiện chỗ ở cho người dân đang sinh sống tại đây và điều kiện làm việc cho các đơn vị chức năng thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Trên website của Petrowaco, dự án được giới thiệu có quy mô 25 tầng và 3 tầng hầm, là tổ hợp văn phòng và các căn hộ được thiết kế theo tiêu chuẩn chất lượng cao cấp, linh hoạt về mặt bằng và diện tích, hài hòa với kiến trúc xung quanh. Tòa nhà gồm 80 căn hộ cao cấp và 14 sàn văn phòng, thương mại, dịch vụ. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 273 tỷ đồng. Thời gian khởi công dự kiến là vào quý I/2010, thời gian hoàn thành vào quý III/2012, tiến độ thực hiện dự án 30 tháng.
Trong một báo cáo vào năm 2010, Petrowaco cho biết, dự án đã hoàn thành thủ tục thỏa thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc, thẩm định thiết kế cơ sở, các thỏa thuận đấu nối hạ tầng kỹ thuật, cam kết môi trường, và đã được UBND thành phố Hà Nội ra quyết định chấp thuận đầu tư.
Tới năm 2016 dự án vẫn chưa triển khai và được TP Hà Nội điều chỉnh tiến độ từ quý II/2016 đến quý II/2019. Thế nhưng tới thời điểm hiện tại, dự án cũng vẫn chưa được thi công.
Ý kiến từ phía người dân
Bà Nguyễn Thị Đãng (sống tại căn 404, khu tập thể 59 - 63 Huỳnh Thúc Kháng) cho biết, từ tháng 10/2007 bà và nhiều người dân tại đây biết có dự án xây dựng lại khu tập thể. Thời điểm này, chủ đầu tư cũng cho người dân tham khảo và đóng góp ý kiến về thiết kế toà nhà, dự kiến hệ số tái định cư.
Thời điểm đó, theo bà Đãng, nhiều cư dân cho rằng bản thiết kế các căn hộ xấu, méo mó, góc cạnh nên không đồng ý, bên cạnh đó, việc chủ đầu tư dự kiến căn hộ tái định cư từ tầng 16 trở lên và đưa ra hệ số tái định cư cũng chưa nhận được sự đồng thuận.
Một người dân khác là bà Nguyễn Thị Bình (64 tuổi, sống tại căn 509) cũng có ý kiến không đồng tình về hệ số tái định cư, thiết kế căn hộ và bố trí tái định cư.
Ngoài ra theo bà Bình, nhiều người dân hiện không tin tưởng vào khả năng thực hiện dự án của chủ đầu tư. “Nếu chủ đầu tư làm thì phải cho chúng tôi thấy được thực lực rõ ràng, chứ không cứ đưa sổ cho họ rồi họ lại không triển khai dự án thì phải làm sao”, bà Bình lo ngại và cho biết, nhiều hộ trước đây đã di dời đi chỗ khác để cho chủ đầu tư triển khai, nhưng sau vài năm thì lại phải quay về.
Đề nghị điều chỉnh quy hoạch
Tại Báo cáo tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012, phần đánh giá về hoạt động sản xuất kinh doanh, Petrowaco cho biết: Trong hoàn cảnh những dự án lớn mà công ty đang thực hiện như dự án 97 Láng Hạ, 59 - 63 Huỳnh Thúc Kháng vẫn chưa đủ
điều kiện để huy động nguồn vốn hợp pháp từ khách hàng cộng với một khó khăn rất lớn đó là nguồn vốn chủ sở hữu của công ty còn thiếu, điều này gây cản trở rất nhiều đến việc triển khai đầu tư.
Cũng trong báo cáo này, Petrowaco thừa nhận thực trạng về điểm yếu, đó là “khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn phục vụ việc triển khai các dự án: hiện tại công ty đã gần như sử dụng hết vốn điều lệ để thực hiện hoạt động đầu tư dự án. Trong năm 2013, để tiếp tục đầu tư, nguồn vốn chủ yếu mà công ty sử dụng sẽ đến từ các nguồn vốn huy động từ các dự án đủ điều kiện kinh doanh, vốn vay của các tổ chức tín dụng”.
Năm 2014, Đại hội đồng cổ đông thường niên Petrowaco cho phép tìm kiếm đối tác có năng lực để cùng hợp tác đầu tư xây dựng dự án. Tuy nhiên phải đến năm 2019, Petrowaco mới ký kết hợp tác đầu tư với Công ty CP xây dựng Phục Hưng (PHC) theo tỷ lệ góp vốn là Petrowaco 55%, PHC 45%.
Trong khi đó, tình hình kinh doanh của Petrowaco vài năm trở lại đây cũng không mấy khả quan. Theo công bố, năm 2019 lợi nhuận trước thuế đạt gần 20 tỷ, năm 2020 giảm còn 15,2 tỷ, đến năm 2021 lợi nhuận trước thuế âm 39 tỷ, năm 2022 âm 8,3 tỷ.
Liên quan đến dự án này, tại Báo cáo trả lời kiến nghị cử tri trước Kỳ họp thứ 12 HĐND TP Hà Nội khoá XVI, UBND thành phố Hà Nội cho biết, đến nay Petrowaco mới thỏa thuận đền bù được 10/60 hộ dân; các chủ sở hữu, chủ sử dụng không thống nhất phương án đền bù, yêu cầu về hệ số đền bù cao hơn quy định và đề nghị chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc, đề nghị chủ đầu tư điều chỉnh vị trí các căn hộ tái định cư được bố trí bắt đầu từ tầng 6 của tòa nhà, thiết kế mặt bằng các căn hộ tái định cư phải vuông vắn, không được méo mó, góc nhọn, diện tích các căn hộ tái định cư phù hợp với việc giải phóng mặt bằng, tránh trường hợp người dân phải nộp thêm tiền mua diện tích dôi dư hoặc căn hộ có diện tích nhỏ hơn diện tích tái định cư được duyệt.
Cũng theo UBND TP Hà Nội, Petrowaco đã có văn bản đề nghị điều chỉnh tổng mặt bằng và phương án kiến trúc dự án. UBND TP đã giao sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn công ty thực hiện điều chỉnh quy hoạch để hoàn chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ, tạm cư, tái định cư theo kiến nghị của chủ sở hữu, chủ sử dụng nhà chung cư, làm cơ sở để thực hiện điều chỉnh dự án theo quy định.
PV Báo Pháp luật Việt Nam đã liên hệ với Petrowaco cũng như các cơ quan chức năng có thẩm quyền để ghi nhận thông tin, ý kiến khách quan, và sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.