Trong 10 tháng đầu năm 2018, các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thi hành 108 việc mà người được thi hành án (THA) là tổ chức tín dụng, ngân hàng với tổng số tiền phải THA là 456.331.362.000 đồng. Trong đó, Cục THADS tỉnh có 07 việc với số tiền là 201.56/564.354 đồng; Chi Cục THADS thành phố Huế có 76 việc với số tiền 126.173.149.000 đồng.
Về giá trị đã giải quyết được 25.147.909.000 đồng trên tổng số 202.411.762.000 đồng thanh toán cho các ngân hàng, đạt 11,04 % trên tổng số tiền có điều kiện phải thi hành. Về số việc còn phải thi hành là 95 việc với số tiền gần 432 tỷ đồng, trong đó, số việc có điều kiện thi hành là 78 việc và số việc chưa có điều kiện thi hành là 17 việc. Ngoài ra, số việc các cơ quan THADS đã kê biên tài sản, thẩm định giá và đang tổ chức bán đấu giá là 17 việc với số tiền phải thi hành án là 24.032.405.000 đồng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Thanh Cường- Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh mong muốn hội nghị lần này sẽ là dịp để các lãnh đạo ngân hàng và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh trình bày các khó khăn trong việc thu hồi nợ xấu; những vụ việc liên quan đến tòa án, các cơ quan thi hành án dân sự…để cùng nhau có cách giải quyết. Đối với các cơ quan thi hành án, Cục trưởng nhấn mạnh: Cần tăng cường vai trò của Chấp hành viên trong việc áp dụng đầy đủ, chính xác các quy định của pháp luật để tổ chức thi hành án kịp thời đối với các vụ việc thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng mà cơ quan THADS đang kê biên. Đồng thời tiếp tục áp dụng cưỡng chế kê biên tài sản, thu hồi nợ trong trường hợp khoản nợ được ngân hàng xác định bằng văn bản là khoản nợ xấu và đồng ý để cơ quan THADS xử lý.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng ngân hàng trên địa bàn tỉnh còn một số những tồn tại, hạn chế như: Trong quá trình thi hành án, một số cơ quann thi hành và tổ chức tín dụng chưa thực sự tích cực phối hợp, chưa quan tâm đến việc xử lý nợ xâu. Số lượng việc thi hành án thụ lý mới liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng có chiều hướng gia tăng với tính chất và mức độ ngày càng phức tạp, giá trị thi hành án ngày càng lớn. Nhiều tài sản và hợp đồng bán đấu giá tài sản dù đã được giảm giá nhiều lần nhưng vẫn không có người đăng ký mua như vụ Nguyễn Thị Thanh Mai- Bình phải trả nợ cho ngân hàng Xuất nhập khẩu Eximbank gần 727 tỷ, tuy nhiên đã giảm giá lần thứ 8 nhưng vẫn chưa có người mua vì thừa đất nằm trong quy hoạch….
Tại hội nghị, lãnh đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã trình bày những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết và thu hồi nợ xấu. Hội cũng đã thống nhất, trong thời gian tới, về phía Ngân hàng Nhà nước- Chi nhánh TT- Huế cần quan tâm chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng rà soát các vụ việc, xác định các khoản nợ xấu và trách nhiệm của tổ chức tín dụng, ngân hàng trong việc xử lý tài sản. Đối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng cần thẩm định tài sản đúng giá trị, nguồn gốc không để vụ việc tồn đọng tại cơ quan thi hành cũng như tại ngân hàng.