Thúc đẩy du lịch phát triển
Đó là ý kiến của Giám đốc Cty Lữ hành Hà Nội Tourist Lưu Đức Kế trước tình hình bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng phát triển mạnh trong thời gian qua. Ngành du lịch Việt Nam trong những năm gần đây có tốc độ phát triển nhanh, đây là cơ hội lớn cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng.
Thời gian qua, nhiều dự án lớn liên quan đến phân khúc này được triển khai, thu hút sự quan tâm lớn của nhiều nhà đầu tư. Từ khi BĐS nghỉ dưỡng được đẩy mạnh, bộ mặt ngành du lịch đã thay đổi không nhỏ, nhất là phục vụ nhu cầu tầng lớp trung, thượng lưu và du khách nước ngoài. Điều này thể hiện rõ nét ở Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc,…
Cùng ý kiến trên, Phó giám đốc Cty Lữ hành Tranviet Travel Nguyễn Tiến Đạt đánh giá, ngay từ tên gọi của nó đã có sự liên quan chặt chẽ, BĐS kết hợp với nghỉ dưỡng. Điều này giúp khách du lịch có thêm nhiều lựa chọn hơn, dịch vụ chăm sóc đạt những giá trị cao, tạo ra giá trị thặng dư lớn, thúc đẩy phát triển ngành du lịch.
Điều này được khẳng định qua ý kiến một đại diện của Tập đoàn Cen Group, BĐS trong những năm gần đây đang phục hồi và có những dấu hiệu tăng trưởng trở lại, trong đó có BĐS nghỉ dưỡng, nhất là khu vực như Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng,… Những tập đoàn xây dựng lớn đã đầu tư ở đây để thu hút, lôi kéo nhà đầu tư thứ cấp với lợi nhuận cao, lãi suất 10 – 12%/năm.
Các chủ đầu tư luôn tạo sự thống nhất, kết hợp với công ty du lịch làm tour nghỉ dưỡng hay những hình thức kinh doanh nghỉ dưỡng khác nhằm đáp ứng nhu cầu tốt nhất cho khách hàng. Ví như Phú Quốc, hai năm trở lại đây đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, xây dựng những khu nghỉ dưỡng mang tầm cỡ quốc tế.
Nhưng cũng nhiều âu lo
Bên cạnh những lợi ích, nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại trước tốc độ phát triển như hiện nay, BĐS nghỉ dưỡng đang dần tạo ra những bất cập với ngành du lịch. Ông Kế cho rằng, các nhà BĐS vào đây nếu chỉ để đáp ứng nhu cầu của họ thì du lịch sẽ không đạt yêu cầu, vì du lịch quan trọng nhất cảnh sắc, thiên nhiên, chứ không phải đẹp bởi có hạ tầng đạt chất lượng cao. Xây dựng cần hợp lý, không gây tác động tới môi trường, giết chết cảnh quan. Một bức tranh cần có sự hài hòa.
Cùng chung quan điểm, ông Đạt chia sẻ, Vịnh Hạ Long, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng,… đẹp bởi vì có biển đẹp, thiên nhiên hấp dẫn khách du lịch. Nhưng nếu chúng ta xây dựng ồ ạt thì BĐS sẽ lấn át cảnh quan, thay đổi quần thể du lịch. Hiệu quả lúc đầu sẽ tốt và thu hút du khách, nhưng về lâu dài sẽ mất đi điều mà khách du lịch đang kiếm tìm, đó là vẻ hoang sơ, yên tĩnh và tinh khiết.
Đại diện của Tập đoàn Cen Group cũng thừa nhận, với chủ đầu tư là người nước ngoài thì các khu BĐS nghỉ dưỡng luôn đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhưng đối với các nhà đầu tư của Việt Nam thì có phần mang tính chất ồ ạt. Các dự án mọc lên nhằm thu hút càng nhiều nhà đầu tư và muốn phát triển quy mô lớn, lôi kéo được sự đầu tư của nước ngoài thì sẽ có sự ảnh hưởng tới môi trường.
“Thực tế, tất cả các dự án đều được sự phê duyệt của các cơ quan Nhà nước, Bộ Xây dựng, nhất là các dự án cao cấp, nên chúng tôi đang làm đúng luật và được phép xây dựng. Nhưng việc bảo vệ ra sao thì cần những bộ phận hay cơ quan nhà nước chuyên phụ trách giải quyết”, đại diện Cen Group cho biết.
Nói về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết hiện đang có khoảng trống trong quản lý phân khúc BĐS nghỉ dưỡng và cần có cơ chế quản lý cho vấn đề này. Luật Kinh doanh BĐS quy định về kinh doanh BĐS và quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS. Nếu BĐS là nhà ở thì phải tuân theo quy định của pháp luật về nhà ở, đối với đất đai còn phải theo quy định của pháp luật về đất đai. Với BĐS nghỉ dưỡng, còn phải chịu sự điều chỉnh của các quy định khác như Luật Xây dựng, Quy hoạch đô thị,…
BĐS du lịch sinh thái hiện nay có hai trường hợp là nhà đầu tư chính tắc và người dân tự phát. Điều này xảy ra những vấn đề quan ngại, nếu không tuân theo luật du lịch thì sẽ dẫn đến câu chuyện nhà nước không xử lý được, nhất là đối với việc người dân tự phát xây dựng.
Có thể thấy, lợi ích và bất cập của bất động sản nghỉ dưỡng với du lịch đã nhìn thấy rõ, do vậy rất cần bàn tay của nhà nước làm trọng tài nhằm mang đến sự hài hòa giữa du lịch và BĐS để không phá vỡ sự phát triển bền vững. Nhà nước đứng trên lợi ích chung, để vừa bảo vệ được cảnh quan thiên nhiên, lại thúc đẩy sự phát triển của ngành BĐS là mục đích chung mà các bên đều hướng tới.