Một nhà kinh doanh trên phố Wall từng nói "tiền mặt là vua" và khuyên mọi người nên giữ khi nền kinh tế trở nên khó khăn. Tuy nhiên, lời khuyên đó hiện không còn thức thời tại một số nơi.
Tại Hà Lan, tiền mặt không còn được coi trọng, thậm chí không được công nhận là hợp pháp ở nhiều nơi. Ngày càng nhiều cửa hàng ở quốc gia này, từ hiệu thuốc đến những tiệm bánh địa phương, chỉ chấp nhận phương thức thanh toán bằng thẻ.
“Tôi không thể nhớ lần cuối cùng tôi nhận thanh toán tiền mặt là khi nào”, Marielle Groentjes, một nhà quản lý khu Hoen Property Management BV, nói. Cô chia sẻ thêm, các nhân viên văn phòng như cô không thích để tiền mặt trong phòng, không có két an toàn và ngân hàng tính phí nếu gửi ở đó.
“Khi tôi mua một chiếc bánh sandwich cá ngừ trong chuỗi cửa hàng Vlaams Broodhuys của Hà Lan, thu ngân từ chối nhận tiền mặt. Thậm chí tôi không thể sử dụng đồng euro để trả tiền trong các bãi đỗ xe tại nhiều thành phố", một phụ nữ cho hay.
"Tiền mặt là một con khủng long nhưng nó sẽ tồn tại”, Michiel van Doeveren, một cố vấn chính sách cao cấp của Ngân hàng Trung ương Hà Lan (DNB), nhận định. Song ông chỉ ra rằng chi phí dành cho công tác hậu cần cho việc lưu thông tiền mặt như vận chuyển, bảo vệ, kiểm kê và đăng ký khá đắt đỏ trong khi thanh toán điện tử lại dễ dàng hơn.
“Điều quan trọng là sự gia tăng của nền kinh tế điện tử. Chúng tôi muốn thúc đẩy thanh toán hiệu quả hơn”, ông chia sẻ.
Tiến thoái lưỡng nan
Thanh toán điện tử tại các cử hàng và siêu thị ở Hà Lan đã vượt qua thanh toán tiền mặt lần đầu tiên trong năm 2015 với cách biệt 0,5%. Một phong trào của liên minh các ngân hàng Hà Lan và nhà bán thẻ muốn tăng tỷ lệ dùng thẻ lên 60% vào năm 2018. Họ nói rằng trả hóa đơn không dùng tiền mặt sẽ rẻ, an toàn và thuận tiện hơn.
Giống Hà Lan và các nước láng giềng Bắc Âu, Thụy Điển cũng là một trong những nơi tiền mặt đang dần biến mất.
"Đó là một vấn đề lớn. Các doanh nghiệp nhỏ tốn rất nhiều tiền để gửi tiền vào ngân hàng", Guido Carinci, chủ tịch của hiệp hội doanh nghiệp nhỏ - TOMER -thông tin. Ông cho biết tình hình rất "khủng khiếp" và nói rằng mỗi tháng, ông tốn 35 USD cho mỗi công ty để doanh nghiệp gửi tiền mặt vào tài khoản của chính mình.
Bên cạnh đó, Carinci cho hay các ngân hàng Thụy Điển thu lợi lớn từ việc thu phí giao dịch của các nhà bán lẻ nhận thanh toán thẻ với số tiền hàng năm lên tới hàng triệu USD. Tuy nhiên, doanh thu từ tiền mặt gần như không có. Tình trạng này khiến ngân hàng không muốn nhận chúng.
Chi phí cao khi lưu thông khiến nhiều cửa hàng từ chối tiền mặt, gồm gã khổng lồ ngành viễn thông Telia Company (từ năm 2013). Trong khi đó, xe bus của quốc gia này đã từ chối tiền giấy và tiền xu từ hàng năm nay.
Vấn đề trở nên tồi tệ đến mức nhiều người Thụy Điển đang cảm thấy khó xử về chuyện phải làm gì với chúng khi ngân hàng không muốn nhận, Bjorn Eriksson, người đứng đầu liên minh công nghiệp an ninh Sakerhetsbranschen, nói.
Thời đại mới
Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác tại châu Âu nói riêng và toàn thế giới nói chung vẫn còn coi trọng tiền mặt. Tại Đức, người tiêu dùng cảm thấy dễ quản lý chi tiêu khi không thanh toán bằng thẻ. Hơn 75% thanh toán vẫn sử dụng tiền mặt. Trong khi đó, tại Italy, con số này là 83%.
Và người Mỹ vẫn yêu thích những tờ đôla. Song năm ngoái quốc gia này đã thông qua thẻ tín dụng kích hoạt chip, chậm hơn một thập kỷ so với nhiều nước châu Âu. Các chuyên gia kinh tế nhận định đây là một động thái hướng tới việc không dùng tiền mặt.
Hồi tháng 1, vài chi nhánh của chuỗi nhà hàng Sweetgreen ngừng chấp nhận tiền mặt tại khu vực phố Wall.
“Tôi đã ngạc nhiên khi thấy nhiều người trẻ sử dụng điện thoại thông minh của họ để trả tiền. Tôi biết con gái tôi sử dụng ứng dụng Venmo với mọi thứ. Nó khiến tôi cảm thấy mình lạc hậu và lỗi thời”, Persephone Zill, một người New York, nói.
Những tiến bộ trong công nghệ di động đã xuất hiện tại một số ngân hàng ở châu Phi. Điển hình là Kenya và Tazania. Hệ thống ngân hàng di động M-Pesa giúp hàng triệu người thanh toán hóa đơn, nhận tiền lương, mua gia súc và thậm chí trả tiền đi chợ thông qua các tài khoản trên điện thoại di động.