“An cư” mới “lạc nghiệp”…
Đa số chúng ta đều có suy nghĩ như thế. Bởi vậy mới có những cặp vợ chồng tổng thu nhập chưa đầy 10 triệu đồng/tháng nhưng vẫn “thắt lưng buộc bụng” để dành tiền mua nhà. Cũng có những cặp đôi đạt được ý nguyện của mình nhưng để làm được điều đó, họ đã phải trải qua một thời gian khá dài sống trong kham khổ, chịu đựng... Nhưng cũng có không ít trường hợp vì “cố đấm ăn xôi” mà rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” vì suốt ngày lo nghĩ đến chuyện… “kéo cày trả nợ”.
Đơn cử phải kể đến cảnh ngộ của vợ chồng anh Nguyễn Văn Tâm, quê gốc Ý Yên, Nam Định. Một thân một mình lo liệu, lên thành phố kiếm việc, tạo dựng gia đình, cuối cùng anh cũng có một mái ấm với một cô vợ đảm đang và hai cậu con trai khỏe mạnh, bụ bẫm.
Bản thân làm thuê, vợ cũng không có nghề ngỗng gì ổn định nhưng họ vẫn chắt bóp, tiết kiệm được một khoản tiền nho nhỏ, cộng với số tiền hồi môn bố mẹ cho và vay thêm từ bạn bè, họ hàng, thậm chí vay lãi ngân hàng, hai vợ chồng anh Tâm cũng mua được một miếng đất nông nghiệp, dựng tạm một căn nhà cấp 4 để ở.
Nhưng số phận thật nghiệt ngã, ngôi nhà đó lại thuộc diện quy hoạch của thành phố. Cuối cùng “tiền mất, tật mang”, 4 người trong gia đình anh không chỉ phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất” mà còn không ngớt hành hạ, xỉ vả nhau vì hoàn cảnh quá khốn khó…
Có tiền cũng không mua nhà…
Bên cạnh số đông người có quan điểm trên, cùng với xu hướng phát triển của xã hội, nhiều cặp vợ chồng trẻ lại suy nghĩ thoáng hơn rất nhiều. Trường hợp anh Nguyễn Xuân Tùng (28 tuổi), hiện đang thuê nhà tại Khu chung cư cao cấp Time City là một ví dụ cụ thể.
Theo chia sẻ của Tùng, vợ chồng anh có thừa tiền để mua nhà nhưng họ nhất quyết không mua, mà dành số tiền đó để ăn chơi, mua xe hơi xịn, kinh doanh… vì cho rằng: “Sống là phải hưởng thụ, hơn nữa chết là hết, có mang theo được đâu!”. Xuân Tùng cho biết, để sống cho đáng sống, vợ chồng anh thuê hẳn một căn hộ sang trọng tại khu chung cư cao cấp của Thủ đô để ở.
Và anh ký hợp đồng thuê dài hạn luôn. Trước giá thuê nhà là 8 triệu đồng/tháng, giờ tăng lên 12 triệu đồng/tháng, nhưng anh vẫn chấp nhận được vì sự tiện nghi và hiện đại của căn hộ.
Một cư dân mạng sống ở quận I, TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, vợ chồng anh thu nhập trung bình 60-75 triệu đồng/tháng và cũng chỉ có mỗi đứa con nhưng họ vẫn thuê nhà để ở. Nhiều người khuyên vợ chồng anh mua nhà chung cư cao cấp trả góp để ở nhưng anh gạt đi vì cho rằng nó không cần thiết.
“Giờ tôi sống thoải mái, tiền tiêu không phải chắt bóp quá, mỗi tháng bỏ ra được một khoản tiền không nhỏ thì mua nhà trả góp làm chi cho thêm lo. Tôi thấy nhiều bạn bè mình nộp tiền mấy năm trời mà giờ vẫn chưa được nhận nhà, vẫn sống cảnh đi thuê nhà giống chúng tôi mà lại khốn khổ vì mang món nợ ngân hàng.
Khổ như vậy để làm gì. Hơn nữa tôi cũng muốn sống ở trung tâm để tiện cho việc đi lại, học hành của con cái?” – anh thành thật chia sẻ.
“Liệu cơm gắp mắm…”!
“Phần lớn người chỉ thu nhập từ 5, 10, 15 triệu đồng/tháng thì đến bao giờ mới mua được nhà. Trong khi đó, sống ở thành phố cái gì cũng đắt đỏ, quá nhiều khoản phải chi tiêu… Bản thân tôi không tán thành việc các gia đình phải “chắt bóp” hay “thắt lưng buộc bụng” để mua nhà. Nhưng, tôi cũng không chấp nhận sống ở nhà thuê lâu dài. Nếu không có tiền để mua nhà, tôi sẽ thuê nhà sống một thời gian ngắn.
Sau đó sẽ tìm đủ mọi cách (nhờ gia đình hai bên giúp đỡ, vay mượn anh em họ hàng, thậm chí thế chấp ngân hàng…) để mua một căn nhà trả góp để ở, vì có nhà mới ổn định cuộc sống, việc trả nợ tính sau…” – chị Nguyễn Lan Phương, một chuyên gia thiết kế thời trang ở Hải Phòng đưa ra phương án của mình.
Cùng chung quan điểm này, chị Lê Thị Thủy (Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội) cũng chia sẻ, hai vợ chồng chị đều làm công ăn lương, thu nhập chỉ trên dưới 15 triệu đồng/tháng, trong khi phải nuôi dạy hai đứa con và cáng đáng cả hai bên gia đình.
“Không đến mức phải chi tiêu tằn tiện quá nhưng tôi cũng sẽ cố gắng tính toán để dành ra một khoản tiền, rồi xoay sở vay mượn mua một căn nhà chung cư cũ để ở, chứ thuê nhà mãi sao được…”.
Phải sống chung với bố mẹ chồng và gia đình một bà chị chồng trong một ngôi nhà có diện tích không lớn lắm nên chị Phạm Thị Ngọc Anh (30 tuổi), ở phường Hồng Hà, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh phải chịu rất nhiều áp lực.
Tuy nhiên, với khoản tiền lương ít ỏi chồng đưa cho hàng tháng (7 triệu đồng), bản thân thì thất nghiệp và đang nuôi con nhỏ, chị chỉ biết… cắn răng chịu đựng. “Thực tế bây giờ nếu thu nhập từ 20 - 30 triệu đồng/tháng thì mới dám nghĩ đến chuyện dành dụm tiền để mua nhà. Còn lương tháng dưới mức đó thì chỉ nên chấp nhận để lo cho con cái…” – chị buồn bã tâm sự.
Mỗi người một điều kiện, hoàn cảnh, với những cách nghĩ và hành xử khác nhau, nhưng tất cả đều hướng tới một cuộc sống đủ đầy, tốt đẹp hơn trong tương lai. Có người sẽ lựa chọn phương án ở nhà thuê để được sống thoải mái, chi tiêu không phải suy nghĩ. Nhưng cũng có cặp vợ chồng vẫn chấp nhận “thắt lưng buộc bụng”, rồi tìm mọi cách vay mượn tiền để mua một căn nhà để “an cư lạc nghiệp”.
Và cũng có vô vàn cách hành xử khác được các khổ chủ áp dụng, miễn sao nó phù hợp với túi tiền và hoàn cảnh của họ. Quan trọng hơn hết là chúng ta cảm thấy hài lòng với cách nghĩ và lựa chọn của mình, đồng thời có phương án hữu hiệu để giải quyết những khó khăn trước mắt, cũng như các khoản nợ của mình – một chuyên gia xã hội học cho biết như vậy.