Những dự án “bánh vẽ”
Dự án nằm ở vị trí khu đất “vàng” - số 16 Láng Hạ (phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội), do Công ty TNHH Phát triển Phương Đông làm chủ đầu tư, ban đầu được giới thiệu rất kêu là khu văn phòng, biệt thự và căn hộ “siêu” sang, đem lại sự “văn minh”, tiện nghi cho người sử dụng. Thế nhưng, khởi công vào cuối tháng 6/2011 và dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2013 vậy mà đến nay ngay cả phần móng vẫn còn dang dở.
Cùng chung số phận, khởi công từ năm 2009, dự định hoàn thành vào cuối năm 2013, nhưng mới triển khai đến tầng 7, dự án Thăng Long Mansion (số 21 Lê Đức Thọ, huyện Từ Liêm) cũng “đắp chiếu” mà không hẹn ngày tái khởi động. “Chiều trò” không khác ở dự án trên, Thăng Long Mansion cũng từng được chủ đầu tư - Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị Thăng Long giới thiệu là một tổ hợp bao gồm 5 tòa nhà với 2 tòa văn phòng cho thuê 17 tầng, 1 văn phòng cho thuê 21 tầng bên cạnh 2 tòa tháp chung cư cao cấp 30 tầng.
Thời điểm khởi công, chủ đầu tư không ngớt lời phô trương là dự án được thiết kế theo phong cách kiến trúc hiện đại, với sự bố trí hợp lý giữa các khoảng không gian tiếp nối giữa các sảnh văn phòng, nhà ở, siêu thị. Điểm xuyết với nó là khuôn viên cây xanh và khu vui chơi giải trí, thể thao trong và ngoài nhà tiện nghi.
Kết quả sau gần 5 năm thi công, dự án tổ hợp văn phòng, căn hộ siêu sang mới xây đến tầng 7 (có tòa mới xây đến tầng 3), rồi… nằm “phơi sương”. Đáng ngạc nhiên, Thăng Long Mansion nằm “bất động” và biến thành... bãi trông, rửa xe bất đắc dĩ nhưng không ít đơn vị môi giới vẫn quảng cáo rao bán với giá cao ngất ngưởng 34 - 37 triệu đồng/m2, cao hơn trên 10 triệu đồng/m2 so với những dự án đồng hạng cùng khu vực.
Thăng trầm hơn cả phải kể đến dự án Hà Nội Times Tower (khu Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội) do Cty CP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí (PVR) làm chủ đầu tư, khi mới đây hàng trăm người bỏ tiền mua nhà ở dự án này buộc phải ra quyết định quan trọng: không tiếp tục đóng tiền.
Nỗi bực tức của người dân hoàn toàn có căn cứ khi dự án này được khởi công xây dựng vào quý IV/2010 và sẽ dự kiến hoàn thành vào quý IV/2013. Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là “bánh vẽ” dù vào thời điểm khó khăn nhất, những người trót dại đổ tiền vào Times Tower đã được Tập đoàn Đại Dương (OGC) “gieo” một hy vọng khi mua vào một lượng lớn cổ phần của PVR và trở thành cổ đông chi phối tại doanh nghiệp này.
Ngay sau khi nắm giữ tỷ lệ gần 20% tại PVR, sự thật là chủ đầu tư cũng cho tái khởi động lại dự án. Và khách hàng mua nhà tại Hà Nội Times Tower cũng mừng ra mặt khi chủ đầu tư chấp nhận giảm giá bán từ 22,5 triệu đồng/m2 xuống còn 18,5 triệu đồng/m2 với điều kiện gia hạn tiến độ dự án đến quý 4/2014.
Tưởng chừng dự án sẽ triển khai hanh thông, thế nhưng từ thời điểm đó đến nay, Hà Nội Times Tower cũng chỉ thi công được phần hầm công trình và vài tầng thân, sau đó đã ngừng thi công do OGC đang tìm cách thoái vốn tại PVR.
Cách đó chừng nửa giờ xe chạy, tổ hợp Bright City do Công ty AZLand làm chủ đầu tư, tọa lạc trên khu đất có diện tích 15.493m2, mặt tiền quốc lộ 32 (Thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội) cũng thê thảm không kém. Theo thiết kế, dự án bao gồm 4 tòa nhà chiều cao 35 tầng. Chức năng dịch vụ, thương mại, siêu thị từ tầng 1 đến tầng 6, căn hộ hiện đại để ở được bố trí từ tầng 7 trở lên.
Tổng vốn đầu tư dự án này được công bố lên tới 1.800 tỷ đồng với khoảng 1.360 căn hộ được xây theo tiêu chuẩn thiết kế hiện đại. Dự án được khởi công vào ngày 12/3/2011 và dự kiến hoàn thành năm 2012 nhưng đã quá hạn bàn giao nhà gần 1 năm, tổ hợp này vẫn chỉ là bãi đất trống với nhiều máy móc, sắt thép han gỉ.
Được biết, để tiếp tục triển khai dự án, mới đây chủ đầu tư đã phải xin điều chỉnh từ dự án thương mại sang nhà ở xã hội để được tiếp cận gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Song, việc chuyển đổi lại vấp phải sự phản ứng của nhiều khách hàng đã mua nhà tại đây, khiến tương lai dự án này càng trở nên mù mịt.
Dự án Hà Nội Time Tower sau khi “thay áo” vẫn... “treo”. |
Hy vọng mong manh
Theo nhiều khách hàng ở dự án Bright City, việc chuyển đổi sang nhà ở xã hội sẽ khiến họ chịu rất nhiều bất lợi. Trước tiên, giá thành nhà ở thương mại và nhà ở xã hội khác nhau, sẽ khiến những người mua trước gặp nhiều thiệt thòi. Nhưng quan trọng hơn, khi chuyển đổi diện tích căn hộ sẽ bị khống chế, một số tiện ích bị cắt giảm, dịch vụ cũng sẽ không còn như trước…
Trước sự bức xúc của khách hàng, mới đây Sở Xây dựng Hà Nội phải có văn bản thông báo với chủ đầu tư tạm dừng việc xem xét chuyển đổi, khi nào chủ đầu tư thỏa thuận xong với khách hàng và đủ điều kiện sẽ xem xét tiếp.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc dự án không được thực hiện đúng theo cam kết cho thấy có sự bất ổn về năng lực của chủ đầu tư. Tuy nhiên, khách hàng lúc này đứng trước hai sự lựa chọn, một là đòi lại số tiền đã đóng, hai là chấp nhận tiếp tục mạo hiểm chờ nhà.
Thế nhưng, có những dự án muốn đòi lại tiền “đặt cọc” cũng không phải dễ, lúc này khách hàng chi còn biết chờ đợi một “phép màu” sẽ đến với dự án họ trót “gửi phận”, hoặc sẽ mất tất cả nếu ông chủ dự án… phá sản. Vì thế, không khó hiểu cho chuyện ít khi người ta thấy khách hàng làm đơn “tố cáo” chủ đầu tư lừa đảo.
Theo Luật sư Lâm Văn Quang, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, nếu trong trường hợp khách hàng tố cáo như nhiều trường hợp gần đây, khi tòa án kết tội người đứng đầu dự án phạm tội lừa đảo thì ngoài hình phạt tù, bị cáo phải trả lại tài sản cho người bị hại. Biện pháp để buộc bị cáo trả lại tiền cho người bị hại được quy định tại Điều 41 Bộ luật Hình sự là “tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm” và “đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì người bị hại sẽ được hoàn trả số tiền bị chiếm đoạt. Tuy nhiên, theo thực tế của hầu hết những vụ án lừa đảo mua nhà gần đây thì phần thi hành nghĩa vụ dân sự này rất khó thực hiện, phần thiệt luôn thuộc về khách hàng.
Theo ý kiến nhiều luật sư, dự án “ma”, dự án trên giấy là cái giá phải trả do khâu quản lý, quy hoạch kém, trong đó người dân là đối tượng phải chịu hậu quả, từ lâu chúng ta đang thiếu quy hoạch tổng thể, mang tính lâu dài hoặc có quy hoạch nhưng không nhất quán, có thể thay đổi điều chỉnh quy hoạch bất thường. Bên cạnh đó, nguyên nhân dẫn đến người dân bị lừa trong các dự án bất động sản là do cơ quan quản lý nhà nước không quan tâm đúng mức khâu tiền dự án. Cụ thể là, việc xem xét tình hình thực tế các doanh nghiệp khi những đơn vị này xin giấy phép đầu tư tại các dự án.
“Đây là khâu dễ xảy ra tiêu cực, với doanh nghiệp nhỏ sau khi phải lo tiền để dự án được phê duyệt đến khi dự án được cấp phép thì tiền đã không còn”- Luật sư Quang nói.
Trong khi đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, do việc quản lý kém, khâu phê duyệt dự án có nhiều yếu tổ tiêu cực. Đơn vị quản lý không xem xét thực tế tiềm lực tài chính của doanh nghiệp, đến khi doanh nghiệp được cấp phép đầu tư xây dựng, thiếu vốn nên một loạt các mánh khóe lừa đảo tinh vi được sử dụng và một trong số đó là việc “bán cái” các dự án.
Ngoài ra, mánh khóe lừa đảo của các doanh nghiệp bất động sản còn nằm ở nội dung các bản hợp đồng. Khi người mua có nhu cầu về nơi ở lớn, tin tưởng nhà đầu tư nghĩ mình mua được giá gốc nên đóng tiền đều đặn theo điều khoản hợp đồng.
Trong điều khoản hợp đồng mua bán nhà, các doanh nghiệp thường lách luật. Trong đó nghĩa vụ đóng tiền của khách hàng chỉ rõ trong từng tháng, từng năm nhưng lại thiếu tiến độ thi công, nên xảy ra trường hợp có người đóng đến 70% giá trị căn hộ nhưng dự án mới chỉ xong phần móng rồi bị bỏ hoang./.