Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái vừa ký ban hành Quyết định số 23/2024/QĐ-UBND có hiệu lực từ ngày 15/10/2024 quy định về hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn.
Hạn mức giao đất ở tại Lâm Đồng không quá 72m2 cho 1 cá nhân. |
Về hạn mức giao đất ở, công nhận quyền sử dụng (QSD) đất ở: Hạn mức giao đất ở cho cá nhân tại nông thôn thuộc các xã của TP, các huyện; tại đô thị thuộc đơn vị hành chính là phường, thị trấn không quá 72m2 cho 1 cá nhân.
Còn hạn mức công nhận đất ở cho 1 hộ gia đình, 1 cá nhân đối với trường hợp sử dụng đất trước ngày 18/12/1980 và từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 15/10/1993 như sau: Hạn mức công nhận đất ở tại nông thôn thuộc các xã của thành phố, các huyện là 400m2; hạn mức công nhận đất ở tại đô thị thuộc các phường 1, 2 (TP Đà Lạt) và phường 1, 2, phường B’lao của TP Bảo Lộc là 200m2. Hạn mức công nhận đất ở tại đô thị thuộc các phường còn lại của TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc, thị trấn là 300m2.
Hạn mức giao đất nông nghiệp, lâm nghiệp tại Lâm Đồng tăng đáng kể so với trước đây. |
Đối với hạn mức giao đất nông nghiệp gồm đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thuỷ sản không quá 1ha/cá nhân; đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất là rừng trồng không quá 10ha/cá nhân.
Về hạn mức giao đất chưa sử dụng để sử dụng vào mục đích trồng cây hằng năm, nuôi trồng thuỷ sản không quá 1ha/cá nhân; hạn mức giao đất chưa sử dụng để sử dụng vào mục đích trồng cây lâu năm, sử dụng vào mục đích đất rừng phòng hộ là rừng trồng, sử dụng vào mục đích đất rừng sản xuất là rừng trồng không quá 10ha/cá nhân.
Đối với hạn mức nhận chuyển nhượng QSD đất nông nghiệp của cá nhân với mỗi loại đất được UBND tỉnh Lâm Đồng quy định như sau: Hạn mức nhận chuyển nhượng QSD đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thuỷ sản không quá 30ha; đối với đất trồng cây lâu năm, đất rừng phòng hộ là rừng trồng, đất rừng sản xuất là rừng trồng không quá 300ha.
Đối với hạn mức giao đất cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc (gọi chung là cơ sở tôn giáo) thì hạn mức giao đất tôn giáo có số lượng tín đồ dưới 3.000 người không quá 5.000m2/cơ sở; nếu số lượng tín đồ từ 3.000 người đến dưới 5.000 người thì không quá 8.000m2 cho 1 cơ sở; còn số lượng tín đồ từ 5.000 người đến dưới 8.000 người là không quá 10.000m2 cho 1 cơ sở; với số lượng tín đồ từ 8.000 người trở lên thì không quá 20.000m2 cho 1 cơ sở. Sở Nội vụ chịu trách nhiệm có ý kiến bằng văn bản về tính hợp pháp của tổ chức tôn giáo, loại công trình tôn giáo, số lượng tín đồ gửi Sở TNMT để xác định hạn mức giao đất.
Quyết định số 23/2024/QĐ-UBND có hiệu lực từ 15/10/2024, thay thế cho các quyết định trước đó quy định về hạn mức giao đất ở và hạn mức công nhận các loại đất do UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành.
Theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, quy định mới tăng hạn mức giao đất nông nghiệp, lâm nghiệp cho cá nhân, hộ gia đình, qua đó được kỳ vọng tạo đột phá trong hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, hạn mức giao đất sản xuất tại Lâm Đồng trước đây được quy định rằng, trường hợp hộ gia đình chưa có đất sản xuất mà có nhu cầu giao đất thì được Nhà nước xem xét bố trí đất sản xuất nhưng diện tích không quá 3.000 m2/hộ gia đình; Trường hợp hộ gia đình đang có đất sản xuất (đất có nguồn gốc không phải Nhà nước giao, cho thuê) mà diện tích dưới 2.000 m2 thì được Nhà nước xem xét bố trí thêm nhưng tổng diện tích đất sản xuất của hộ gia đình không quá 3.000 m2.
Ngoài ra, quy định mới cũng đã bổ sung quy định cụ thể về hạn mức giao đất cho tổ chức tôn giáo, tạo cơ sở pháp lý khi giao đất cho tổ chức tôn giáo.
Thị trường bất động sản Lâm Đồng vẫn ảm đạm
Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng vừa có báo cáo về giao dịch bất động sản (BĐS) qua công chứng quý III. Theo đó, toàn tỉnh Lâm Đồng có gần 5.500 giao dịch gồm đất nền, nhà riêng lẻ và căn hộ chung cư, giảm 4,3% so với quý II.
Riêng loại hình đất nền xây dựng nhà ở, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận hơn 5.100 lô được mua bán với tổng giá trị hơn 4.900 tỷ đồng, phân khúc này cũng giảm nhẹ thanh khoản so với quý trước. Trong đó, hai TP Đà Lạt và Bảo Lộc đều sụt giảm giao dịch đất nền, lần lượt 16% và 22% so với quý trước. Đà Lạt có hơn 340 lô với tổng giá trị 1.475 tỷ đồng, tương đương mỗi lô có giá trung bình 4,2 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, giao dịch tại TP Đà Lạt giảm gần 20%. Còn Bảo Lộc có 390 lô được giao dịch với tổng giá trị gần 300 tỷ đồng, tương đương 770 triệu đồng một lô. Nhiều địa phương từng là điểm nóng về đất nền như Di Linh, Đức Trọng... cũng giảm thanh khoản trong quý III. Riêng tại huyện Bảo Lâm và Lâm Hà, giao dịch cải thiện nhẹ so với quý trước.
Với loại hình căn hộ chung cư, trong quý III, tỉnh Lâm Đồng có 17 giao dịch, tổng giá trị 35 tỷ đồng, tập trung ở Đà Lạt, giảm 37% so với quý trước. Trung bình mỗi căn hộ là 2 tỷ đồng trong khi quý II là 1,4 tỷ đồng, cho thấy giá trị giao dịch trung bình có xu hướng tăng.