Có đầu mối khắc phục tình trạng quy hoạch chồng chéo
Theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, Nghị quyết 13 Trung ương Đảng về đảm bảo đồng bộ kết cấu hạ tầng, nêu ra 5 vấn đề phải giải quyết về quy hoạch, kết cấu hạ tầng, giải quyết mâu thuẫn chồng chéo - đây là một yêu cầu thực tiễn, đặc biệt đối với các đô thị lớn, TP tập trung. Điều đó yêu cầu bức thiết phải có Luật Quy hoạch.
Thứ nữa, phải tập trung vào một đầu mối để thẩm định và phê duyệt, vì hiện này chúng ta có đến mấy chục nghìn cái quy hoạch, mỗi quy hoạch do một bộ quản lý và đóng góp ý kiến, có quy hoạch do Bộ phê duyệt, có quy hoạch do địa phương phê duyệt. Cho nên hiện tượng quy hoạch này không phù hợp quy hoạch kia là thực trạng đang xảy ra.
Thứ ba, nói về trách nhiệm của người phê duyệt, người đứng đầu công tác quy hoạch, thì hiện nay, trong các luật về xử phạt hành chính, luật về tổ chức chính quyền địa phương, luật tổ chức… đều xác định vai trò người đứng đầu. “Vậy quy hoạch có cần có người đứng đầu không, hay quy hoạch là của đa ngành, của nhiều ngành thẩm định và là trách nhiệm của cả một cơ quan, một tổ chức chính quyền địa phương - đây vấn đề này phải làm rõ” – ông Nghiêm nói.
Về tăng cường công tác giám sát quản lý và thực hiện quy hoạch, thực tế quy hoạch lại chỉ dừng lại ở mức phòng quản lý quy hoạch ở cấp quận chứ không có cán bộ nào làm về quy hoạch ở cấp phường, nhưng trong Dự thảo Luật lại phân cấp cho cấp phường có quyền kiểm tra xử lý vi phạm nếu như khi làm móng, còn bắt đầu đến thân công trình thì do cấp quận còn vượt đến mái thì đến cấp TP. Đây là những bất cập phải giải quyết.
TS. Đào Ngọc Nghiêm nhận định, về phạm vi điều chỉnh, cái lớn nhất hiện nay là xác lập hệ thống quy hoạch của Việt Nam. Đây là yêu cầu lớn nhất để giải quyết cấp bách vì trong Luật Quy hoạch này xác định hệ thống quy hoạch của Việt Nam trong thời gian tới xác định theo cấp chính quyền, theo đơn vị tổ chức hành chính thì có cấp quốc gia, sau đó đến quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
“Có quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trong tỉnh có đô thị có nông thôn không? Có, ví dụ như hiện nay TP Hà Nội là đô thị đặc biệt, nhưng trong Hà Nội còn bao nhiêu thị xã, thị trấn. Quốc hội vừa rồi có Nghị quyết về phân loại đô thị, sắp tới có đô thị vệ tinh. Rõ ràng là hệ thống quy hoạch ở Điều 12 của Dự thảo Luật này không rõ ràng, vừa phân theo địa giới hành chính nhưng không làm rõ ngành ở đây là gì, hệ thống ngành là gì” – ông Đào Ngọc Nghiêm nêu quan điểm.
Quy hoạch xây dựng “đi trước” như thế nào?
Cần phải khẳng định quy hoạch xây dựng là một quy hoạch mang chức năng đa ngành, là một ngành khoa học tổng hợp. Mặc dù lời giải cuối cùng của nó chỉ là quy hoạch không gian vật thể, nhưng để có không gian vật thể, tức là chia ra chỗ này công cộng, chỗ này nhà ở, chỗ này công nghiệp thì nó phải gắn kết với dự báo phát triển kinh tế - xã hội, phải gắn với khai thác có hiệu quả tài nguyên môi trường. Bất cứ nước nào cũng có nội dung về quy hoạch xây dựng.
Riêng với Việt Nam, quy hoạch xây dựng là cái rất được chú trọng, quy hoạch xây dựng phải luôn luôn đi trước quy hoạch khác một bước. Trên cơ sở quy hoạch xây dựng ấy thì mới xây dựng quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội và xây dựng quy hoạch ngành. Không có quy hoạch xây dựng thì làm sao có được quy hoạch trường học, quy hoạch giao thông, quy hoạch sân thể thao, quy hoạch vui chơi giải trí, quy hoạch cây xanh. Vậy quy hoạch xây dựng phải đi trước.
“Vậy thì rõ ràng trong Luật Quy hoạch này muốn điều tiết lại phải có một cái khung về quy hoạch. Cái khung của quy hoạch xây dựng bao gồm những gì: hệ thống về quy hoạch xây dựng, có phải chỉ dừng lại ở một cấp chính quyền nào đó hay không, hay phải giao lại cho một ngành nào đó quản lý, hệ thống” – ông Nghiêm nói – “Bây giờ phải xác định rõ, quy hoạch xây dựng có vai trò “đi trước một bước”, vậy thì sắp tới sẽ thế nào: đi trước, song song, đi sau, hay nội dung của nó phải như thế nào, bước đi bằng giày hay bằng guốc, hay chân đất thì cũng phải xác định rõ, nhưng trong Dự thảo Luật Quy hoạch lại không có”.