Thông tin đưa ra tại cuộc họp báo chuyên đề “Một số giải pháp phát triển TTCK năm 2017” do UBCKNN tổ chức sáng qua, 09/03.
Tín hiệu vui đầu năm
Theo Chủ tịch UBCKNN, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế được đẩy mạnh, Chính phủ tiếp tục triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nhiều chính sách phát triển TTCK đã có tác động tích cực, TTCK Việt Nam hai tháng đầu năm 2017 đã có diễn biến khả quan.
Tính đến ngày 6/3/2017, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 716,29 điểm, mức cao nhất trong vòng 10 năm, tăng 7,7% so với cuối năm 2016. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 86,55%, tăng 8% so với cuối năm 2016. Mức vốn hóa thị trường đạt hơn 2.260 nghìn tỷ đồng (tương đương 50,3% GDP), tăng 16% so với cuối năm 2016 và là mức cao nhất từ khi thành lập thị trường.
Thanh khoản thị trường cải thiện, giao dịch bình quân 1 phiên đạt 7.365 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2016 và tăng 6,6% so với bình quân năm 2016. Tổng mức huy động trên thị trường chứng khoán 2 tháng đầu năm ước đạt 40,7% nghìn tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giá trị huy động vốn tháng 2 đã tăng 79% so với tháng 1.
Trong 2 tháng đầu năm, 2 Sở GDCK đã tổ chức đấu giá cổ phần hóa cho 5 DNNN với tổng giá trị đạt hơn 91 tỷ đồng, tỷ lệ thành công đạt 40%; và tổ chức đợt đấu giá thoái vốn Nhà nước với tổng giá trị 168 tỷ đồng, tỷ lệ thành công đạt 99%.
Trong tháng đầu năm 2017, dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục vào ròng, giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 18,4 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay.
“Nguyên nhân của những khởi sắc trên là do Chính phủ tiếp tục quyết liệt trong việc cải thiện điều kiện kinh doanh, thúc đẩy cải cách và tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Cùng với đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục xu hướng ổn định; Kết quả hoạt động SXKD của các DN niêm yết năm 2016 đã có sự cải thiện hơn so với năm 2015 khi có đến 92,4% DN có lãi, tổng tài sản tăng 16,4%, doanh thu và lợi nhuận tăng 10%...”- ông Bằng phân tích.
Tiếp tục hoàn thiện thị trường
Liên quan đến phát triển sản phẩm mới, Chủ tịch UBCKNN cho biết, khung pháp lý cho TTCK phái sinh về cơ bản đã được ban hành đầy đủ. Hiện việc sửa Thông tư 11/2016/TT-BTC theo hướng nới lỏng hơn quy định về mở tài khoản tiền gửi ký quỹ của nhà đầu tư đã hoàn tất và dự kiến ban hành trong tháng 3 này.
Cùng với đó, các quy chế hướng dẫn về niêm yết, giao dịch, thành viên và thanh toán bù trừ cũng đã được Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán(VSD) hoàn tất và chuẩn bị ban hành trong tháng 3 này.
Đại diện VSD, ông Dương Ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc cho biết hệ thống giao dịch và bù trừ thanh toán qua quá trình kết nối thử nghiệm đã đảm bảo hoạt động ổn định và sẵn sàng cho việc vận hành thị trường. “Hiện nay, số lượng các thành viên quan tâm đến đều có ý kiến băn khoăn về vốn nhưng qua quan sát của VSD, số lượng hiện nay trên dưới 10 công ty, đã đáp ứng yêu cầu về sức ép tăng vốn để tham gia TTCK phái sinh….” - ông Tuấn cho biết.
Theo Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng. khởi động ban đầu khoảng 8 công ty là đủ, không tham vọng làm lớn, trông vào những công ty sẵn có chứ không chờ các công ty tăng vốn… “Chúng tôi xác định giai đoạn đầu èo uột thôi, chứ sôi động ngay cũng không tốt…”- Ông Bằng nói.
Cũng theo Chủ tịch UBCKNN, để chuẩn bị cho vận hành thị trường, UBCKNN đã chuẩn bị về nhân sự với khoảng 1200 người đáp ứng điều kiện, đã có 17 cuộc tuyên truyền hội thảo, 4 ấn phẩm, sổ tay tuyên truyền về TTCK phái sinh…. “Chúng tôi dự kiến trong tháng 5 này sẽ chính thức vận hành thị trường, nếu có chậm cũng chỉ đến cuối tháng 6. Việc đưa TTCK phái sinh vào hoạt động sẽ giúp cơ cấu thị trường hoàn thiện hơn…” - ông Bằng khẳng định.
UBCKNN cũng đề xuất trước mặt không thu thuế đối với TTCK phái sinh và dự kiến sau năm 2020 mới bắt đầu thu với tỷ lệ thấp để khuyến khích thị trường phát triển.
Cùng với TTCK phái sinh, sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (Covered warrant) cũng dự kiến đưa vào giao dịch trong tháng 9 tới.“Về cơ bản không có vướng mắc gì. Hiện đã hoàn tất khung pháp lý, Sở, VSD cũng đang hoàn tất quy trình, quy chế hướng dẫn và xây dựng tiêu chí giám sát giao dịch, tạo lập thị trường liên quan đến chứng quyền có bảo đảm; đồng thời hoàn thiện hệ thống để chuẩn bị đưa sản phẩm vào giao dịch. Tuy nhiên cần có khoảng cách 4 tháng sau khi vận hành TTCK phái sinh thì mới đưa sản phẩm này vào giao dịch...” - ông Bằng cho biết.