Xem xét tiếp cận vốn WB
Ngân hàng Thế giới (WB) là nhà tài tài trợ vốn truyền thống cho nhiều dự án hạ tầng giao thông trị giá hàng tỷ USD của Việt Nam trong nhiều năm qua và hiện vẫn đang tiếp tục để mắt tới với một số dự án lớn thuộc lĩnh vực đường bộ và đường sắt.
Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam - ông Ousmane Dione trong buổi diện kiến mới đây với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã cho hay, định chế tài chính đa phương này đang rất quan tâm tới 2 siêu dự án đó là đường bộ cao tốc Bắc - Nam và đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao.
Phía Bộ GTVT thông tin, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có tổng cộng 11 dự án thành phần, trong đó phần lớn được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), trị giá gần 120.000 tỷ đồng. Vì thế, Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ, tài trợ vốn từ WB.
Riêng lĩnh vực đường sắt, Bộ GTVT cũng đánh giá cao sự hỗ trợ kỹ thuật của WB trong thời gian qua, đồng thời hy vọng sau khi Dự án đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao được Quốc hội Việt Nam thông qua, sẽ vẫn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ có hiệu quả từ WB, bởi đây là dự án có quy mô đầu tư lớn, trước mắt sẽ ưu tiên đầu tư 2 đoạn Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang.
Theo quan sát, trong số các đối tác quốc tế, WB thời gian qua không chỉ tin tưởng cung cấp cho Việt Nam nguồn tín dụng lớn mà còn hỗ trợ đắc lực quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực GTVT. Dễ thấy nhất là việc tổ chức này đã tích cực giúp Việt Nam và Bộ GTVT nghiên cứu chính sách về mô hình đầu tư PPP để có thể áp dụng tại Việt Nam.
Đặc biệt, con số 2,8 tỷ USD mà WB đã “rót” vào hệ thống đường giao thông nông thôn, đường thủy nội địa, đường bộ cao tốc… và khoảng 1,5 tỷ USD định chế này vẫn đang tiếp tục hợp tác tại 5 dự án… cho thấy Việt Nam đã gây dựng được một niềm tin vững chắc trong mắt các đối tác quốc tế lớn như WB.
Theo Bộ GTVT, tới đây Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh việc phát triển lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa để từ đó tiếp tục phát triển vận tải đa phương thức và logistics. Vì thế, vẫn rất cần sự đồng hành hỗ trợ của WB. Bởi, Việt Nam dù hết thời gian sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi (IDA) của WB từ ngày 1/7/2017, nhưng trong bối cảnh trần nợ công đang ở mức cao thì việc tiếp cận với nguồn vốn vay kém ưu đãi (IBRD) của tổ chức tài chính quốc tế này cũng là một hướng đi cần tính toán.
Cần thêm dấu ấn Nhật Bản
Ở một góc nhìn khác, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang được đánh giá là tốt đẹp nhất trong lịch sử ngoại giao 2 nước, bởi đặc biệt tin tưởng về mặt chính trị và hợp tác, hỗ trợ hiệu quả về kinh tế.
ODA Nhật Bản “tô điểm” cửa ngõ Thủ đô
“Cầu Nhật Tân kết nối trung tâm Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Bắc, đồng thời rút ngắn tuyến đường từ trung tâm Thủ đô đến sân bay Nội Bài do JICA tài trợ. Dự án công trình xây dựng Nhà ga hành khách T2 của Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài có tổng đầu tư gần 900 triệu USD, trong đó có gần 700 triệu USD cũng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản, sau khi hoàn thành đã đáp ứng 10 triệu hành khách/năm, đóng vai trò là cửa ngõ hàng không của Thủ đô và cả nước”.
Trên thực tế, không khó để tìm thấy dấu ấn Nhật Bản ở Hà Nội, TP HCM, miền Trung hay miền Tây Nam bộ… bởi cụm từ “ODA Nhật Bản” xuất hiện và trở nên quá quen thuộc trong suốt gần 3 thập kỷ qua, với những cây cầu, con đường quy mô lớn chưa từng có ở Việt Nam cũng như trong khu vực như cầu Nhật Tân ở cửa ngõ Thủ đô, cảng biển quốc tế Lạch Huyện, cầu vượt biển Tân Vũ (Hải Phòng), đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cầu Cần Thơ nối 2 bờ sông Hậu và cả trên tuyến đường sắt Bắc - Nam dài ngàn cây số…
Được biết, trong một cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Bộ GTVT hồi cuối năm ngoái, ông Kuni Umeda - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định, nước này mong muốn tiếp tục tham gia vào các dự án hạ tầng giao thông quan trọng của Việt Nam trong thời gian tới như tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành; hợp tác triển khai các dự án đường cao tốc theo hình thức PPP; khảo sát dự án cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn với chiều dài hơn 700km, trị giá nhiều tỷ USD.
Cũng như với WB, phía Việt Nam đánh giá cao sự ủng hộ vô cùng quý báu của Nhật Bản và vẫn đang “rộng cửa” cho các tổ chức, doanh nghiệp có năng lực tốt, giàu kinh nghiệm, nhất là các đối tác Nhật đã từng tham gia và được đánh giá cao tại các dự án hạ tầng giao thông ở Việt Nam.
Riêng Dự án đường cao tốc nối Hà Nội - Viêng Chăn, cả Việt Nam và Lào đều mong muốn được Nhật Bản hỗ trợ đầu tư thông qua các tổ chức như Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)...
Những siêu dự án án này có giá trị nhiều tỷ USD, thậm chí có dự án lên tới hàng chục tỷ USD như Cảng hàng không quốc tế Long Thành sắp triển khai nếu có sự chung tay của những người bạn quốc tế là một thành công lớn, bởi họ không chỉ hậu thuẫn về nguồn lực tài chính mà từ Việt Nam, các đối tác quốc tế sẽ gián tiếp phát đi một thông điệp trong đó chứa đựng hình ảnh về một đất nước đang vươn lên phát triển và rất đáng tin cậy trong hợp tác, bang giao.
WB cần thông tin về Dự án đường sắt tốc độ cao
“Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam - ông Ousmane Dione cho biết, hiện tại WB rất quan tâm đến Dự án đường cao tốc Bắc - Nam, cụ thể là hợp tác với Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Viêt Nam và Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long. Ông Osman Dione còn cho biết, WB đã và đang hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho việc phát triển lĩnh vực đường sắt và đường thủy nội địa của Việt Nam. Để việc hỗ trợ có hiệu quả, WB mong muốn Bộ GTVT cung cấp thông tin và đưa ra những yêu cầu, mong muốn cụ thể đối với Dự án đường sắt tốc độ cao về kế hoạch đầu tư, nguồn vốn…”.