98,5% khách hàng vay vốn chính sách thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội
Đồng hành với NHCSXH suốt 15 năm qua là các hội, đoàn thể uy tín, luôn gắn bó mật thiết với cơ sở bằng trách nhiệm chính trị rất cao, tràn đầy nhiệt huyết. Các tổ chức đoàn thể là cầu nối nguồn vốn chính sách đến với người nghèo, kiểm soát đồng vốn, hỗ trợ đồng hành để đồng vốn được sử dụng đúng mục đích, có thể bảo toàn và góp phần giúp các hộ nghèo thoát nghèo, làm giàu.
Theo ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc NHCSXH, khi nghiên cứu thấy gần như 70% - 80% đối tượng thụ hưởng là người nghèo và các đối tượng chính sách là hội viên nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh, các nhà hoạch định chính sách thấy rằng, nếu các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào trong truyền tải tín dụng chính sách này sẽ đạt được các yêu cầu: Vừa là cầu nối, vừa thực hiện được giám sát, phản biện xã hội cũng như xã hội hóa. Do đó, các nhà hoạch định chính sách đã đề xuất với Chính phủ ban hành Nghị định 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đưa các tổ chức hội, đoàn thể vào cuộc.
“Thực tế, 15 năm hoạt động đã chứng minh quyết sách trên là hoàn toàn đúng. Hiện nay, NHCSXH có tới 98,5% khách hàng vay vốn thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội. Và qua 4 tổ chức này, chúng tôi thành lập các tổ, nhóm và xây dựng mạng lưới ở dưới. Gần như vốn tín dụng chính sách đến đúng tuyệt đối đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt tỷ lệ bảo toàn nguồn vốn rất cao” – ông Lý cho biết.
“15 năm qua, Hội cũng đã đồng hành với cán bộ ngân hàng trong công tác quản lý nguồn vốn để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về thủ tục, quy trình, kể cả lập dự án giúp cho các hội viên vay được vốn và vận động thành viên tiết kiệm. Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức các hoạt động để hỗ trợ hội viên, thành viên vay vốn, sử dụng vốn được hiệu quả thông qua việc khuyến khích động viên các hội viên phụ nữ, đặc biệt là những người trên 35 tuổi tham gia vào các khóa tập huấn về quản lý, giáo dục tài chính trong gia đình cũng như các khóa đào tạo học nghề cho phụ nữ. Chúng tôi cũng thành lập các hội mô hình kinh tế tập thể như Hợp tác xã hay Tổ hợp tác...” – bà Trần Thị Thu Hà - Phó Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) – cho hay.
“Phải làm 3 đúng” – kinh nghiệm từ Hội Cựu chiến binh
Trong số các hội, đoàn thể tham gia nhận ủy thác từ NHCSXH, Hội Cựu chiến binh (CCB) là lực lượng vào sau, với hội viên khoảng gần 3 triệu, nhưng theo ông Hoàng Tùng Lâm - Phó Trưởng Ban Kinh tế TW Hội CCB Việt Nam: “Hội CCB lại rất có uy tín trong cộng đồng dân cư, trong hệ thống chính trị - xã hội, chính vì thế, khi tham gia tổ chức Nhà nước cũng như ngân hàng ủy thác, hội đã làm rất tốt và có uy tín, thực hiện nghiêm túc các cam kết, các văn bản thỏa thuận với ngân hàng, được cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như nhân dân đánh giá cao”.
“Để làm tốt, chúng tôi có một cách đơn giản và tuyên truyền anh em phải làm đó là “Phải làm 3 đúng”: cho vay đúng đối tượng; sử dụng nguồn vốn đúng mục đích; trả nợ, trả lãi đúng cam kết với ngân hàng. Cho vay đúng đối tượng nghĩa là, đối tượng phải nằm trong các văn bản của Chính phủ quy định, có năng lực, phương hướng sử dụng vốn hiệu quả. Vốn không phải là mênh mông nên phải có ưu tiên đúng. Hai là, sử dụng đúng mục đính, làm sao lồng ghép được việc sử dụng vốn của NHCSXH với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư của địa phương. Vay làm gì, khoản nào ra khoản đấy. Quản lý chặt chẽ ngay từ đầu việc sử dụng vốn. Sau 30 ngày, quản lý kiểm tra xem sử dụng đúng chưa để báo cáo kịp thời ngân hàng, chính quyền để xử lý, điều chỉnh ngay. Nếu làm tốt việc cho vay đúng đối tượng và sử dụng khai thác, huy động nguồn vốn đúng mục đích, đương nhiên cái đúng thứ ba sẽ đến là trả lãi, gốc đúng quy định và cam kết với ngân hàng. Trừ trường hợp là do lý do khách quan: thiên tai bão lụt, hạn hán... hoặc chẳng may ốm đau bệnh tật chết, không có khả năng trả nợ, lúc ấy mới tìm cách xử lý” – ông Lâm phát biểu.
“Thời gian tới, hội, đoàn thể phải làm mạnh hơn, tốt hơn vai trò phản biện chính sách. Bởi ý kiến của hội, đoàn thể từ cấp cơ sở mà ra nên có những phản biện chính xác, từ đó mới có căn cứ để sửa đổi chính sách. Chính vì thế tôi cho rằng, bên hội, đoàn thể đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ chuyên sâu hơn, thậm chí các hội, đoàn thể phải giao cho một đội ngũ chuyên nghiệp làm thì sự phản biện chính sách mới khách quan được” – Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý nói.