Tăng sự hấp dẫn của 4 quận nội đô lịch sử qua giải pháp quy hoạch và quản lý đô thị thông minh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tính đột phá, nét mới trong quy hoạch lần này là tăng được sự hấp dẫn của 4 quận nội đô lịch sử thông qua các giải pháp quy hoạch và quản lý đô thị thông minh có sự tham gia của cộng đồng; kết nối di sản với cuộc sống đương đại để giới trẻ, nghệ sĩ tham gia các hoạt động đổi mới sáng tạo… thúc đẩy kinh tế di sản, kinh tế đêm, kinh tế vỉa hè, công nghiệp văn hóa.
Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Kiến tạo không gian sống hạnh phúc trong 4 quận nội đô lịch sử

Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội vừa phối hợp với UBND 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các sở ngành, chuyên gia, nhà khoa học về các định hướng lớn, phương án phát triển 4 quận nhằm tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải dự và phát biểu chỉ đạo.

Trình bày phương án phát triển 4 quận, đại diện Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia - đơn vị tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô - chia sẻ, 4 quận nội thành có vị thế “Trái tim của trái tim” cả nước, đã có sự phát triển ổn định nên yêu cầu tìm ra khát vọng phát triển toàn diện khu vực là thách thức rất lớn.

Các nội dung kế thừa định hướng từ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (được phê duyệt năm 2011) gồm bảo tồn di sản Thăng Long và giá trị truyền thống của người Hà Nội; giảm dân số 4 quận nội thành từ 1,2 triệu xuống còn 0,8 triệu dân; hạn chế phát triển không gian các toà nhà cao tầng, giảm chất thải, bảo vệ di sản, môi trường và dành quỹ đất cho không gian công cộng; di dời một phần các cơ sở đào tạo, y tế, sản xuất ra ngoài nội đô.

Tính đột phá, nét mới trong quy hoạch lần này là tăng được sự hấp dẫn của 4 quận nội đô lịch sử thông qua các giải pháp quy hoạch và quản lý đô thị thông minh có sự tham gia của cộng đồng; kết nối di sản với cuộc sống đương đại để giới trẻ, nghệ sĩ tham gia các hoạt động đổi mới sáng tạo; cải tạo cảnh quan tuyến phố, tái thiết lõi ô phố, phát triển không gian nghệ thuật cộng đồng…thúc đẩy kinh tế di sản, kinh tế đêm, kinh tế vỉa hè, công nghiệp văn hóa.

Trong chỉnh trang đô thị, sẽ áp dụng mô hình đô thị 15 phút có sự tham gia của cộng đồng. Trong mỗi khu dân cư có đủ các tiện ích hạ tầng xã hội hiện đại, dịch vụ đô thị, ga tàu điện… Nhằm kiến tạo nên nhiều không gian sống chất lượng cao, không gian sống hạnh phúc trong 4 quận nội đô lịch sử.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long chia sẻ hiệu quả từ việc chuyển hướng phát triển kinh tế từ thương mại - dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp sang thương mại - du lịch và dịch vụ và việc dành nguồn lực thực hiện giải phóng mặt bằng, tu bổ di tích, chỉnh trang các tuyến phố trên địa bàn, không gian công cộng, thay đổi bộ mặt đô thị.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định, sự tham gia của người dân, của cộng đồng cho mục tiêu phát triển của quận thời gian qua đã tạo những đóng góp không nhỏ. Chính người dân đã chủ động chuyển đổi các mô hình kinh doanh đem lại hiệu quả cao hơn.

Thời gian tới, quận sẽ tiếp tục tập trung cho lĩnh vực bảo tồn giá trị di sản đô thị; sắp xếp lại chức năng sử dụng đất, đặc biệt là những khu vực ưu tiên phát triển thương mại dịch vụ.

Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm kiến nghị các đơn vị tư vấn, lập quy hoạch đánh giá sự tương tác, hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật giữa các quận.

Với định hướng phát triển trục sông Hồng, cần khôi phục giao thông đường thuỷ, coi đây là động lực phát triển cho các điểm dừng chân, điểm kết nối giao thông giữa các khu vực trên địa bàn TP.

Nêu đặc thù, tính chất của đô thị trên địa bàn có nhiều khác biệt, đặt biệt là các phố cũ có sức phát triển thương mại dịch vụ du lịch dẫn đầu quận, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, với khu vực 13 làng trại, quận mong muốn được định hướng quy hoạch nhằm giữ lại dấu ấn, cấu trúc làng xóm vùng đồng bằng Bắc Bộ với 52 di tích văn hóa lịch sử và định hướng phát triển truyền thống, du lịch tâm linh, lễ hội…

Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung cho hay, về phát triển kinh tế, quận đang chuyển dịch sang hướng dịch vụ, thương mại, đặc biệt chú trọng lĩnh vực tài chính ngân hàng, giáo dục, y tế. Do đó, quận đề nghị đơn vị tư vấn có định hướng quy hoạch phát triển mạnh về dịch vụ giáo dục, y tế…

Bên cạnh đó, trên địa bàn có một số di tích, hệ thống công viên, vườn hoa tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch, dịch vụ nên mong muốn qua tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô sẽ được định hướng không gian phát triển kinh tế liên quan đến các không gian này.

Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định chia sẻ những khó khăn trong việc xây dựng các bãi đỗ xe khi hiện mới chỉ đạt 10% theo quy hoạch. Do đó, quận đề xuất đơn vị tư vấn có phương án nghiên cứu khai thác không gian vỉa hè tại toàn bộ các quận lõi dành cho bãi đỗ xe có thu phí cao, song song quy hoạch xây dựng bãi đỗ xe ngầm.

Phát huy các nguồn lực đang có

Đóng góp vào định hướng phát triển 4 quận trong Quy hoạch Thủ đô, các chuyên gia cùng nhấn mạnh về vai trò, vị thế quan trọng của khu vực nội đô lịch sử, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh 4 quận không chỉ là “trái tim” mà còn là “khối óc”, “lá phổi” khi quyết định tốc độ tăng trưởng cũng như nét hấp dẫn của TP Hà Nội.

Theo các chuyên gia, hướng phát triển khu vực nội đô tới đây cần nhận diện đầy đủ, chính xác, khoa học về quỹ di sản bởi bên cạnh di sản di tích, không gian tổ hợp là các tuyến phố cũng là nét đặc trưng của Thủ đô.

Các đơn vị tư vấn nên đề xuất thiết kế các tuyến phố; nghiên cứu kỹ hơn về quỹ đất, đặc biệt không gian ngầm với các tính toán rà soát về bãi đỗ xe, công trình công cộng ngầm; khai thác nguồn lực văn hoá, con người...

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải yêu cầu Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cùng liên danh tư vấn tiếp thu toàn bộ ý kiến từ lãnh đạo các quận, các chuyên gia để xây dựng báo cáo các nội dung liên quan, tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, những nội dung được thảo luận không chỉ là căn cứ tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô mà là căn cứ, cơ sở để các quận định hướng trong thực hiện quy hoạch sau này cũng như là cơ sở điều hành phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Do đó, từ nay đến hết tháng 8, các đơn vị cần tích cực phối hợp, hoàn thiện các nội dung làm việc với mục tiêu tối đa đưa vào Quy hoạch, phát huy các nguồn lực hiện các quận đang có.

Trong đó, tập trung đánh giá kỹ hiện trạng về quy mô dân số; rà soát tài sản công; hoán đổi, chuyển đổi vị trí, chức năng của đất đai trên địa bàn 4 quận.

Về quan điểm bảo vệ môi trường, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải yêu cầu các đơn vị tập trung giải quyết ngay những vấn đề cấp bách như ô nhiễm không khí, ô nhiễm sông Tô Lịch.

Ảnh minh hoạ.

Tín hiệu đáng mừng từ TP Hồ Chí Minh

(PLVN) -  Báo cáo của UBND TP HCM gửi Bộ Xây dựng về tình hình nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) quý III năm 2024 cho chúng ta thấy nhiều tín hiệu đáng mừng.
Dọc metro, Vành đai 3 sẽ có 11 đô thị nén

Dọc metro, Vành đai 3 sẽ có 11 đô thị nén

(PLVN) -  11 vị trí dọc nhà ga metro, Vành đai (VĐ) 3 dự kiến được TP HCM thí điểm mô hình TOD giúp khai thác tốt quỹ đất, chỉnh trang đô thị, phát triển giao thông công cộng. Kế hoạch triển khai các khu vực TOD tại các dự án trên vừa được UBND TP đưa ra sau khi Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép TP thí điểm một số cơ chế đặc thù để thực hiện.
 Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị tuyên truyền về Luật đất đai

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị tuyên truyền về Luật đất đai

(PLVN) -  Ngày 15/10, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa cơ quan soạn thảo luật, các chuyên gia, doanh nghiệp và báo chí về cách hiểu và vận dụng Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn thi hành vào thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp bất động sản.
Đồng Nai tiến hành tổng kiểm kê đất đai

Đồng Nai tiến hành tổng kiểm kê đất đai

(PLVN) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi vừa tổ chức cuộc họp với Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) và các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc, đề nghị thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) kiểm kê đất đai để tiến hành tổng kiểm kê đất đai trên toàn địa bàn.