Đầu cơ đẩy giá nhà tăng…
Ngày 17/10 tại cuộc họp báo quý III/2024 của Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới giá nhà Hà Nội tăng cao thời gian qua là đầu cơ và tâm lý mua nhà để chờ tăng giá.
Theo đại diện của Bộ Xây dựng, cần phải có giải pháp để ổn định tâm lý người mua nhà thông qua việc truyền thông, qua đó ổn định và thúc đẩy sự phát triển bền vững thị trường bất động sản, để người có nhu cầu ở thực sự, mua được nhà - là mục tiêu của Bộ Xây dựng và Chính phủ trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, để thị trường phát triển bền vững cần có chính sách đồng bộ về tài khóa, đất đai và tín dụng.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, theo khảo sát và tổng hợp báo cáo của một số tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, giá căn hộ chung cư tăng trung bình khoảng từ tăng 5 - 6,5% trong quý II và 25% theo năm tùy từng khu vực. Hiện nay giá bán biệt thự, nhà liền kề trong dự án đều có xu hướng tăng so với quý trước; giá văn phòng cho thuê, mặt bằng thương mại tăng nhẹ khoảng 1 - 3%.
Theo ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, thực hiện Công điện của Thủ tướng, thời gian qua Bộ Xây dựng đã báo cáo Chính phủ về các giải pháp ổn định giá nhà. Giải thích về nguyên nhân tăng giá nhà tại Hà Nội. Theo vị này, thứ nhất, chi phí đầu vào, đặc biệt tiền sử dụng đất, nhân công tăng làm giá nhà tăng. Thứ hai, nguồn cung bất động sản dù đã được cải thiện trong quý III, tuy nhiên vẫn hạn chế, dẫn tới giới đầu cơ, môi giới tác động kích giá, nâng giá gây nhiễu loạn làm giá nhà tăng cao. Nguồn cung hạn chế cũng tác động đẩy giá nhà trên thị trường tăng. Thứ ba, các kênh đầu tư khác chưa thuận lợi nên nhà đầu tư chọn bất động sản để đầu tư, tích luỹ tài sản, sự dịch chuyển dòng tiền lớn vào thị trường cũng khiến giá nhà tăng thêm.
Ngoài ra, ông Dũng cũng cho rằng, còn có các nguyên nhân khác đẩy giá nhà tăng thời gian qua. Để kiểm soát giá nhà, ông Dũng cho hay bộ đã báo cáo Chính phủ một số giải pháp như: Tiếp tục thực hiện các giải pháp Chính phủ đã đề ra trong thời gian qua và trong Nghị quyết 33 về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Thực hiện có hiệu quả các Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn thi hành để tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Phát hành trái phiếu hỗ trợ người mua NƠXH
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, sau hơn một năm triển khai, gói này mới chỉ giải ngân được gần 1%, tức khoảng 1.344 tỷ đồng. Trong số này 1.295 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án và còn lại là cho người mua nhà. Nguồn vốn cho gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là từ 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank). Hiện nay, đã có thêm 4 ngân hàng tư nhân là TPBank, VPBank, MBBank và Techcombank đã có văn bản đăng ký tham gia chương trình với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng (nâng nguồn vốn hỗ trợ lãi suất lên 140.000 tỷ đồng). Để tăng ưu đãi, Chính phủ đang giao Bộ Xây dựng nghiên cứu gói 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội, qua đó giúp người thu nhập thấp có thể tiếp cận được vốn rẻ để mua nhà.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Vương Duy Dũng cho biết thêm, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có thời gian ưu đãi khá ngắn cho cả người mua và chủ đầu tư nên không hấp dẫn. Theo ông Dũng, để đảm bảo tính ổn định và phát huy hết khả năng của gói tín dụng thì gói 30.000 tỷ đồng sắp tới sẽ mang tinh thần tất cả cùng phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau.
Được biết, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn cả nước có 619 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai, với quy mô 561.816 căn. Trong đó, 79 dự án hoàn thành, với quy mô 40.679 căn; 128 dự án đã khởi công, với quy mô 111.688 căn; 412 dự án được chấp thuận chủ trương, với quy mô 409.449 căn. Số căn hộ đã được khởi công, hoàn thành đến nay đạt khoảng 35,6% mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là 428.000 căn.
Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hiện đang được Bộ Xây dựng làm việc với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để sớm triển khai.