Một trong những nội dung của Thông tư hướng dẫn trình tự bồi thường thiệt hại phát sinh khi thi công xây dựng công trình vi phạm quy định về quản lý chất lượng.
Điểm c khoản 11 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định về biện pháp khắc phục hậu quả quy định, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này (hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận (mà các bên không thỏa thuận được việc bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự); gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác).
Để thực hiện việc áp dụng biện pháp bồi thường thiệt hại nói trên, dự thảo Thông tư đưa ra hướng dẫn, trường hợp gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận thì chủ đầu tư phải có biện pháp di dời ngay người và tài sản của công trình lân cận. Chủ đầu tư phải có trách nhiệm thuê nhà ở cho bên bị thiệt hại, nhà được thuê phải đảm bảo các yếu tố về khoảng cách đi lại, diện tích, hạ tầng xã hội để bên thiệt hại ổn định cuộc sống. Nếu bên bị thiệt hại tự tìm chỗ ở (tương đương nơi ở bị ảnh hưởng) thì chủ đầu tư có trách nhiệm trả cho bên bị thiệt hại số tiền tương ứng với số tiền thuê nhà và chi phí di chuyển tài sản.
Chủ đầu tư chịu chi phí thuê nhà ở cho bên bị thiệt hại trong thời gian giải quyết bồi thường.
Trường hợp hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận (mà các bên không thỏa thuận được việc bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự) nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, còn bị buộc bồi thường thiệt hại theo trình tự như sau:
a) Sau khi biên bản vi phạm hành chính được lập, nếu bên vi phạm và bên bị thiệt hại không tự thỏa thuận được và một bên có đơn yêu cầu thì Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu:
b) Trường hợp hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày thỏa thuận lần đầu không thành hoặc một trong các bên vắng mặt tại buổi thỏa thuận lần đầu mà không có lý do chính đáng, Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức thỏa thuận lần hai.
C) Trường hợp tại buổi thỏa thuận lần hai mà một trong các bên vắng mặt không có lý do chính đáng thì Chủ tịch UBND cấp xã quyết định thuê tổ chức tư vấn độc lập, có tư cách pháp nhân để xác định mức độ thiệt hại, chi phí thuê do bên vi phạm chi trả. Sau khi xác định mức thiệt hại Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm yêu cầu bên vi phạm chuyển tiền vào tài khoản bảo lãnh tại ngân hàng và được tiếp tục thi công xây dựng công trình.
d) Trường hợp tại buổi thỏa thuận lần 2, hai bên không thống nhất được mức bồi thường thiệt hại thì hai bên thống nhất mời hoặc một trong các bên mời một tổ chức tư vấn có tư cách pháp nhân để xác định mức thiệt hại. Nếu một bên chưa thống nhất thì Chủ tịch UBND cấp xã mời một đơn vị thẩm tra lại mức thiệt hại. Căn cứ kết quả thẩm tra, Chủ tịch UBND cấp xã yêu cầu chủ đầu tư nộp tiền vào tài khoản bảo lãnh tại ngân hàng và được tiếp tục thi công xây dựng công trình.
Trường hợp một trong các bên không thống nhất với mức bồi thường thì có quyền khởi kiện tại Tòa án.
Trường hợp bên gây thiệt hại không bị xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn áp dụng quy định nói trên để giải quyết việc bồi thường thiệt hại.
Công trình được phép tiếp tục thi công xây dựng khi các bên đạt được thỏa thuận về việc bồi thường thiệt hại hoặc đã tuân thủ về trình tự giải quyết nói trên.