Mất thời gian của doanh nghiệp
Theo Dự thảo của Hội đồng Tư vấn cải cách (HĐTV), TTHC đất đai nằm trong chuỗi các thủ tục đầu tư, đất đai và xây dựng vốn; là một trong những chuỗi thủ tục được quan tâm và ưu tiên hàng đầu, bởi liên quan mật thiết đến khả năng cạnh tranh của quốc gia trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Dự thảo đã đưa ra những con số thống kê đáng quan tâm. Trong 20,2 giờ làm việc sử dụng để thực hiện TTHC đất đai, DN dành tới gần nửa thời gian để chuẩn bị hồ sơ. Sau khi nộp hồ sơ, DN vẫn còn mất thêm 4,8 giờ để tham gia khảo sát thực địa/họp thẩm định, chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ.
Theo phản ánh từ nhiều DN, bộ hồ sơ thực hiện TTHC đất đai còn phức tạp, cần thu thập công chứng nhiều giấy tờ. Một số DN thực hiện thủ tục lần đầu chưa nhận được nhiều hỗ trợ từ trung tâm hành chính/bộ phận một cửa, nên thời gian chuẩn bị hồ sơ kéo dài, vài ngày đến vài tuần. Có DN phải mất đến hai ngày làm việc để chuẩn bị hồ sơ gồm cả thời gian làm việc với UBND cấp xã nơi có đất và thực hiện đo đạc địa chính.
Có khoảng 15% DN được khảo sát cho biết có lên mạng tìm hiểu nhưng thông tin không được đầy đủ, mà cần thiết phải tìm hiểu trực tiếp tại cơ quan nhà nước. “Trao đổi với các DN cho thấy tâm lý bảo mật và cẩn trọng về các giấy tờ đất đai là một trong những rào cản để người đứng tên có thể chuyển giao cho bên thứ ba. Việc nộp hồ sơ qua đường bưu điện hoặc bằng phương thức điện tử với thủ tục đất đai vẫn chưa được dễ dàng với người thực hiện TTHC”, báo cáo nêu.
Theo tìm hiểu, việc đơn giản hóa các thủ tục đất đai luôn phải gắn liền với chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong lĩnh vực này. Do vậy, nhu cầu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đất đai hoàn thiện và cập nhất là nhu cầu cấp thiết đã được Chính phủ, Bộ TN&MT quan tâm triển khai từ năm 2016.
Đến năm 2018, Thủ tướng tiếp tục ban hành Chỉ thị 08/Ct-TTg ngày 13/3/2018 về tăng cường các biện pháp nhằm rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan. Bên cạnh hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, việc hoàn thiện khung pháp lý để xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin đất đai cũng là nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện quyết liệt trong năm 2018 và 2019.
Vẫn còn nhiều việc phải cải cách
Báo cáo của HĐTV cho thấy, tại Nghị quyết 19/2018/NQ-CP ngày 15/5/2018, Bộ TN&MT được Chính phủ giao thực hiện kết nối điện tử liên thông trong giải quyết TTHC về cấp “sổ đỏ”, giao, cho thuê, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng với các thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai.
Trong năm 2018, một số địa phương cũng được ghi nhận là đã triển khai dịch vụ công mức độ 3 cho 12 trong 96 TTHC lĩnh vực đất đai. “Số lượng này vẫn là khiêm tốn so với các ngành khác và dường như vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn về số lượng hồ sơ được thực hiện trên môi trường điện tử”, HĐTV đánh giá.
Theo khảo sát, vấn đề lớn nhất hiện nay DN đang gặp phải trong thực hiện TTHC lĩnh vực đất đai, là sự không rõ ràng, không thống nhất giữa nhiều quy định về giao, cho thuê đất. Việc quy định không rõ ràng dẫn đến sự áp dụng không thống nhất giữa các cơ quan nhà nước. Điều này tạo ra những khó khăn trong việc chuẩn bị hồ sơ, hoàn thiện hồ sơ, thời gian xử lý TTHC kéo dài.
Ngoài ra, việc không nắm rõ văn bản quy phạm pháp luật, đưa ra các hướng dẫn sai, đôi khi mâu thuẫn với chính mình của một số bộ phận trong cơ quan quản lý; là lý do DN phải chỉnh sửa hồ sơ nhiều lần. Mô hình một cửa trong trong giải quyết TTHC đất đai tại một số địa phương chưa thực sự hiệu quả vì DN vẫn phải làm việc với nhiều phòng ban, nhiều cấp khác nhau. Việc lưu chuyển hồ sơ giữa văn phòng một cửa với các phòng ban chuyên môn chậm làm kéo dài thời gian xử lý hồ sơ.
Theo HĐTV, vẫn còn dư địa cải cách trong nhóm TTHC lĩnh vực đất đai; thời gian tới việc cải cách cần tập trung vào công khai cập nhật thường xuyên các thông tin, yêu cầu về thành phần hồ sơ, chuẩn hóa thành phần hồ sơ và quy trình thực hiện TTHC từng loại giấy tờ thuộc nhóm TTHC đất đai; hỗ trợ DN tích cực, kịp thời trong quá trình tìm hiểu thông tin, chuẩn bị, chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ…
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về đất đai, tránh tình trạng chồng chéo quy định gây khó khăn cho đọc hiểu áp dụng; xây dựng cơ chế phản hồi sớm trong môi trường điện tử và bộ dữ liệu câu hỏi, vướng mắc thường gặp với các TTHC đất đai để DN có thể tự tìm hiểu vấn đề và để áp dụng thống nhất các TTHC đất đai.
Công việc cải cách cũng cần hướng tới việc xây dựng cơ chế theo dõi tiến trình thực hiện TTHC đất đai trên môi trường điện tử và công khai cho DN, người dân biết để nắm bắt được quá trình xử lý TTHC. “Cơ chế này sẽ tác động tới việc thực hiện nghiêm túc, đúng hạn, đầy đủ các bước trong quy trình giải quyết TTHC đất đai theo quy định; nâng cao trách nhiệm, thái độ của đội ngũ cán bộ tiếp nhận hồ sơ, hỗ trợ DN, thẩm định…”, HĐTV khuyến nghị.