Chính sách tín dụng đối với HSSV trong 10 năm qua đã khẳng định là một chính sách có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội. Tính đến nay, tổng dư nợ chương trình đạt hơn 15.993 tỷ đồng với trên 671 nghìn khách hàng còn dư nợ. Vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 3,5 triệu lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn trên khắp cả nước được vay vốn học tập.
Nằm ở dải đất miền Trung, Hà Tĩnh là một vùng “đất học” nên chương trình tín dụng HSSV đã được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Hà Tĩnh chú trọng thực hiện tốt. Ông Lưu Văn Minh, Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đến nay, chi nhánh thực hiện giải ngân hơn 407 tỷ đồng, với 15.828 hộ đang có dư nợ chương trình HSSV.
Trò chuyện với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thành (thôn Nam Thai, xã Thạch Hội, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn không thể quên được thời gian đầy khó khăn và vất vả mà gia đình đã trải qua.
Bà Thành cho biết: “Gia đình tôi trước kia thuộc diện hộ nghèo. Khi con tôi đỗ đại học, tôi vừa mừng vừa lo, mừng vì con có cơ hội được học nâng cao, lo vì không có tiền chu cấp cho con theo học. Thật may, được sự tư vấn, hỗ trợ của Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn, gia đình tôi được vay vốn ưu đãi từ chương trình tín dụng HSSV có hoàn cảnh khó khăn số tiền trên 55 triệu đồng để trang trải chi phí học tập cho 3 con theo học đại học, cao đẳng. Hiện nay, cháu Nguyễn Minh Thị đã ra trường và làm việc tại Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, còn cháu Nguyễn Minh Chí nhờ thành tích học tập tốt, hiện cháu đang được đi du học tại Nhật Bản và cháu Nguyễn Thị Ánh làm kế toán cho doanh nghiệp trên địa bàn huyện.
Công việc của các cháu ổn định, đời sống của gia đình tôi dần khấm khá lên. Mỗi tháng các cháu đều dành dụm gửi tiền về và cùng với gia đình trả nợ, trả lãi cho ngân hàng đều đặn, hiện tại tôi đã trả được 26 triệu đồng tiền gốc và lãi cho ngân hàng, dự kiến khoảng 1 - 2 năm nữa gia đình tôi sẽ trả hết số nợ còn lại cho NHCSXH”.
Ông Nguyễn Thanh Long - Chủ tịch UBND xã Thạch Hội (Thạch Hà) cho biết: “Các thủ tục để được vay vốn HSSV dù không phức tạp, nhưng với người nông dân thì phải hướng dẫn một cách tỉ mỉ, đặc biệt là với những hộ vay mới. Vì vậy, ngoài việc phổ biến chương trình này trong các cuộc họp thôn, họp Tổ tiết kiệm và vay vốn, chính quyền xã chỉ đạo các hội, đoàn thể hướng dẫn Tổ trưởng các Tổ tiết kiệm và vay vốn trực tiếp rà soát, chuẩn bị các thủ tục giúp các hộ vay để khi có nguồn vốn phân bổ là có thể giải ngân ngay”.
Việc thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với HSSV đã góp phần xây dựng nguồn nhân lực được đào tạo có trình độ, kiến thức và tay nghề phục vụ phát triển đất nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, doanh số cho vay của chương trình này giảm dần. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó nguyên nhân chính do nhu cầu vay giảm mạnh. Một phần là do nhiều gia đình lựa chọn cho con đi học nghề hơn là học các trường đại học và cao đẳng, vì học nghề thời gian ngắn mà nhanh có việc làm.
Nguyên nhân nữa là mức cho vay HSSV vẫn thấp so với nhu cầu, vì vậy nhiều hộ dân dù có vay cũng không đủ đảm bảo cho con theo học. Theo quy định, hiện nay mỗi HSSV đủ điều kiện được vay 1,5 triệu đồng/tháng với lãi suất 0,55%/tháng, trong khi mỗi tháng HSSV cần chi tiêu tối thiểu khoảng 4 triệu đồng cho các nhu cầu học tập và sinh hoạt. Bên cạnh đó, việc hoàn chỉnh thủ tục để HSSV được vay vốn cũng còn một số vấn đề cần sự vào cuộc hơn nữa của các trường để tạo thuận lợi cho HSSV và gia đình trong quá trình hoàn chỉnh thủ tục vay vốn.
Để chương trình phát huy hiệu quả cao hơn nữa, trong thời gian, tới các tổ chức hội, đoàn thể, các cơ sở đào tạo phối hợp chặt chẽ hơn nữa với NHCSXH để việc giải ngân cũng như thu nợ đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, Nhà nước, Chính phủ có thể xem xét mở rộng đối tượng cho vay đối với hộ gia đình không quá khó khăn nhưng có từ 2 - 3 con đang đi học trở lên, tạo điều kiện giúp các hộ gia đình giải tỏa được gánh nặng về tài chính, đồng thời tiếp tục nâng mức cho vay đối với chương trình để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trang trải chi phí cho HSSV.