Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam: Chính sách tiền tệ có phải là công cụ tối ưu nhất để cứu các doanh nghiệp bất động sản?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 24/11/2023, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) công bố báo cáo nghiên cứu: Đổi mới cơ chế phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, một vài hàm ý đối với thị trường bất động sản.
Ảnh minh họa - Reatimes
Ảnh minh họa - Reatimes

Báo cáo được thực hiện bởi Phòng Nghiên cứu chính sách - Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES), Tạp chí Reatimes cùng các chuyên gia cố vấn.

Nghiên cứu của VIRES đặt ra vấn đề: Chính sách tiền tệ, dù liên tục được thúc đẩy cải cách linh hoạt và điều chỉnh thời gian qua, liệu có phải là công cụ tối ưu nhất để cứu các doanh nghiệp bất động sản nói riêng thoát khỏi khủng hoảng và nền kinh tế nói chung thoát ra khỏi đà suy giảm? Việc doanh nghiệp không tiếp cận được vốn, tín dụng tăng trưởng thấp, lỗi có nằm ở chính sách tiền tệ?

Theo nghiên cứu của VIRES, mục tiêu nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, doanh nghiệp thời gian qua dù đã tốt dần lên, tuy nhiên vẫn chưa được như mong muốn, kỳ vọng. Vấn đề nằm ở khâu “cho vay” của các tổ chức tín dụng hay nằm ở đầu ra của nền kinh tế?

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, then chốt của một nền kinh tế ổn định và phát triển lành mạnh là phải có sự kết hợp hài hòa, linh hoạt giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ trên nền tảng môi trường đầu tư kinh doanh luôn được cải thiện theo hướng thuận lợi. Tuy nhiên, gần hết năm 2023, dường như Việt Nam vẫn đang thiên lệch về chính sách tiền tệ, chưa phát huy hết sức mạnh của chính sách tài khóa và sự kết hợp hài hòa giữa hai chính sách này còn có vấn đề, nhất là trong bối cảnh lẽ ra cần tập trung hơn vào chính sách tài khóa.

Việc Ngân hàng Nhà nước nhiều lần giảm lãi suất trong năm nay đã minh chứng cho sự nới lỏng của chính sách tiền tệ. Mức lãi suất hiện tại đã tương đối thấp, và việc giảm thêm sẽ không còn tác dụng lớn. Nhất là khi, bối cảnh thực tế hiện nay cho thấy, khu vực tư nhân đang suy giảm đầu tư và tiêu dùng. Nếu tiếp tục giảm lãi suất đi chăng nữa thì có thể người dân và doanh nghiệp cũng vẫn không vay tiền để tiêu dùng hoặc đầu tư. Như vậy, dòng tiền cũng không thể bơm thêm ra nền kinh tế để kích thích tăng trưởng. Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh, việc quan tâm thực hiện chính sách tài khóa có thể sẽ có giá trị hơn, đặc biệt là trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Doanh nghiệp phải hoạt động, người dân có việc làm thì mới có thể lưu thông tiền tệ, ngược lại, sẽ khiến tiền “tồn kho” trong ngân hàng, trường hợp xấu hơn còn làm tăng lạm phát.

Khi mở rộng được tài khóa thì tiền tệ mới hiệu quả, hay nói cách khác, mở rộng tiền tệ phải dựa trên tài khóa. Phải tính toán rất kỹ vấn đề nên chi tiêu cho lĩnh vực nào, khả năng hồi phục ra sao, từ đó dành khoản tín dụng bao nhiêu. Nếu không có sự linh hoạt sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp có việc làm không vay được, doanh nghiệp không có việc làm lại vay được. Vấn đề phục hồi nền kinh tế hiện nay không thể chỉ dựa vào chính sách tiền tệ hay chính sách tài khóa mà là sự kết hợp có hiệu quả, uyển chuyển giữa hai chính sách này.

Ngoài ra, giải pháp tăng cường mở rộng tài khóa (thông qua giảm thuế, phí; tăng chi tiêu công; kích cầu nội địa) kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ (thông qua giảm lãi suất điều hành) chỉ phát huy hiệu quả và góp phần tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế khi và chỉ khi chính sách tiền tệ phải điều tiết hợp lý, kiểm soát được mục đích sử dụng vốn, kết hợp giám sát và minh bạch dòng chảy tín dụng, qua đó nâng cao chất lượng tín dụng và giữ vững an toàn hệ thống.

Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực rất nhiều nhưng cần thêm sự nỗ lực của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực thi chính sách tài khóa thì nền kinh tế mới có thể phục hồi trở lại như kỳ vọng. “Vũng lầy sẽ thêm sâu” nếu tiếp tục dồn trọng tâm vào chính sách tiền tệ.

Trong lĩnh vực bất động sản, bên cạnh nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn vào các dự án; các bộ ngành liên quan, chính quyền địa phương cũng cần tiến hành các biện pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện điều kiện pháp lý, đưa sản phẩm ra thị trường, nâng cao khả năng tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực của người dân và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao từ đó nâng cao khả năng vay vốn và hoàn trả vốn vay của các doanh nghiệp này.

Hiện các doanh nghiệp bất động sản không nên quá trông chờ vào tín dụng ngân hàng, chờ được nới room hay tăng room bởi lượng tín dụng đổ vào bất động sản đang khá cao và vẫn trong xu hướng tăng. Với tình trạng hiện nay, kể cả có room riêng cho bất động sản, các doanh nghiệp chưa chắc đã tiếp cận được vì không đáp ứng các điều kiện cho vay từ phía ngân hàng. Mặt khác, nếu bất động sản vẫn tiếp tục trông mong vào tín dụng hỗ trợ, thì sẽ tạo ra rủi ro hệ thống rất lớn. Vì khi bất động sản bể nợ, thì sẽ lan sang ngân hàng.

Về dài hạn, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để phát triển thị trường trái phiếu lành mạnh, minh bạch, bền vững để các doanh nghiệp có không gian rộng hơn trong việc huy động vốn. Việc điều hành chính sách pháp luật cần tránh tình trạng khi thì quá nới lỏng để tạo ra một thị trường đầy kẽ hở để các doanh nghiệp đua nhau phát hành, đến khi có rủi ro thì lại đột ngột “phanh” gấp, khiến doanh nghiệp trở tay không kịp, như câu chuyện đã diễn ra năm 2022. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần sớm đi vào quy củ, hoạt động dựa trên sự dẫn dắt của pháp luật và có sự giám sát chặt chẽ.

VIRES khẳng định: Khơi thông nguồn vốn từ kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai là vô cùng cấp thiết đối với các doanh nghiệp bất động sản, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Muốn vậy, phải kết hợp đồng bộ các giải pháp từ tạo vốn mồi đến tháo gỡ pháp lý cho các dự án. Không khách hàng nào muốn mua dự án chưa có đầy đủ pháp lý và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngược lại, doanh nghiệp được gỡ pháp lý, nhưng sức cùng lực kiệt, không có vốn mồi thì cũng không thể triển khai dự án, không có dự án thì không thể tạo ra dòng tiền từ khách hàng. Trong khi đó, nếu có nguồn vốn ban đầu nhưng thanh khoản thị trường kém, không bán được hàng thì dự án chậm tiến độ, đội vốn, doanh nghiệp cũng có khả năng rơi vào vòng xoáy nợ nần.

Với doanh nghiệp bất động sản, để có thể tiến tới thời kỳ tăng trưởng và phát triển bền vững thì cần sống sót qua giai đoạn tái cấu trúc bằng mọi giá, kể cả xả hàng cắt lỗ để tái cấu trúc nợ doanh nghiệp, “làm sạch” hồ sơ tiếp cận nguồn vốn tín dụng và trái phiếu và nguồn vốn từ tiền đặt trước của khách hàng.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia tham gia khảo sát, các nhà phát triển dự án cũng cần cơ cấu lại sản phẩm đầu tư, không thể chỉ mãi chạy theo phân khúc cao cấp và một “sự phồn vinh không có thật” mà phải xác định theo đuổi phân khúc giá phù hợp với thu nhập của người dùng, đồng thời khai thác nhu cầu thực tế của số đông chứ không phải mục đích đầu cơ của một nhóm nhỏ, tạo ra sự xáo trộn trên thị trường.

"Câu chuyện tái thiết lập lại thế cân bằng trên thị trường bất động sản, khơi thông điểm nghẽn của các dòng chảy, rất cần sự chung tay của Chính phủ, các bộ ngành nhưng không thể thiếu sự chủ động của doanh nghiệp. Tìm cơ hội trong thách thức, linh hoạt để thích ứng là cách mà các doanh nghiệp muốn sống sót và thoát khỏi vũng bùn lầy cần chú trọng.

Dù thị trường bất động sản đang đối mặt với những khó khăn chưa từng có và tốc độ phục hồi khá chậm, nhưng với quyết tâm gỡ khó cho doanh nghiệp của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng như nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ có bước đi vững chắc, phát triển chuyên nghiệp, lành mạnh và bền vững hơn trong tương lai, theo đó mọi “dòng chảy” đều được khơi thông" - Công bố của VIRES nêu rõ./.

Chống thất thu đối với chuyển nhượng bất động sản hai giá. Ảnh minh hoạ

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chống thất thu đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản hai giá

(PLVN) - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Cơ quan thuế khẩn trương phối hợp với các cơ quan ban ngành trên địa bàn tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác chống thất thu đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản hai giá để tạo thị trường bất động sản lành mạnh.
Biệt thự cổ Nơ Trang Long tuổi đời hàng trăm năm đã bị tháo dỡ trong sự tiếc nuối của giới kiến trúc vào nhiều năm trước. (Ảnh: TL)

Đi tìm vẻ đẹp xưa giữa nhịp sống hiện đại

(PLVN) - Nhắc đến TP Hồ Chí Minh, người ta thường nghĩ ngay đến một đô thị sầm uất với nhịp sống hiện đại, những tòa nhà cao tầng chọc trời và ánh đèn rực rỡ không bao giờ tắt. Thế nhưng, giữa dòng chảy không ngừng nghỉ ấy, có một thành phố khác âm thầm hiện hữu, nơi những câu chuyện lịch sử được lưu giữ qua từng di tích, từng công trình.
Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thông tin tại Diễn đàn.

Bộ Xây dựng lý giải hiện tượng 'sốt giá' bất động sản

(PLVN) - Ngày 27/11, tại Diễn đàn "Phát triển bền vững thị trường bất động sản", lãnh đạo Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, thị trường bất động sản cuối năm đã có dấu hiệu phục hồi tích cực, hứa hẹn mở ra một chu kỳ phát triển mới, đồng thời lý giải nguyên nhân hiện tượng 'sốt giá' hiện nay.
Ảnh minh hoạ.

Người có công được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ để cải tạo, sửa chữa nhà ở, 60 triệu đồng/hộ nếu xây mới

(PLVN) -  Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025.
Cần Thơ sắp có thêm trung tâm thương mại nghìn tỷ

Cần Thơ sắp có thêm trung tâm thương mại nghìn tỷ

(PLVN) - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển vừa ký ban hành Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư đối với Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ để hoạt động du lịch, kinh doanh văn phòng Aeon Mall Cần Thơ (Trung tâm thương mại Aeon Mall Cần Thơ). Dự án có tổng vốn đầu tư là 5.400 tỷ đồng.
Ảnh minh hoạ.

Quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(PLVN) -  Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có Công điện 117/CĐ-TTg ngày 18/11/2024, yêu cầu UBND các tỉnh, thành tập trung chỉ đạo thực hiện giải ngân ngay với các nguồn lực được hỗ trợ, huy động để xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.
Ảnh minh họa

Hà Nội rà soát các dự án tồn đọng, dừng thi công kéo dài, bỏ hoang để chống lãng phí

(PLVN) - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh mới có Văn bản số 3766/UBND-ĐT ngày 14/11/2024 về việc triển khai thực hiện Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 6/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công kéo dài; khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.