Thiếu quy định cụ thể về chế tài thực hiện luật
Tại Hội nghị, đa số các đại biểu đều cho rằng Luật Đất đai là một trong số các luật có tác động to lớn đến sự phát triển của đất nước về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng cũng như đối với đời sống của người dân. Dự thảo Luật lần này đã kế thừa Luật Đất đai trước đây, đồng thời có giảm bớt và bổ sung một số điều khoản quan trọng, phù hợp với điều kiện thực tế.
Đóng góp ý kiến, PGS.TS Phạm Hữu Tiến, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường (Hội đồng) cho biết, dự thảo Luật có quy định về trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng... Tuy nhiên, phần chế tài đối với việc không tuân thủ nghiêm các quy định trong Luật này từ phía cơ quan quản lý Nhà nước thì chưa được quy định tương xứng. Thực tế thời gian qua cho thấy đây là một trong những “kẽ hở” để cho cá nhân lợi dụng, trục lợi, tham nhũng. Vì vậy, ông Tiến đề nghị, chế tài đối với nội dung này cần được quy định cụ thể trong dự thảo Luật.
Đề cập về quy định cách định giá đất, GS.TS Lê Vân Trình, Ủy viên Hội đồng cho rằng, trong dự thảo Luật đã bỏ khung giá đất, nhưng phương pháp xác định giá đất chỉ quy định rất đơn giản là “giao Chính phủ quy định chi tiết”. Khi Chính phủ biên soạn lại theo ý kiến của các bộ có liên quan - điều này sẽ không tránh khỏi bất cập, do đó nên quy định có tính chất định hướng, tính nguyên tắc về các phương pháp xác định giá đất một cách cơ bản.
GS.TS Lê Vân Trình cũng nhấn mạnh, dự thảo Luật chưa định nghĩa rõ thế nào là “thị trường”, trong khi thị trường đất ở nước ta còn chưa hoàn thiện với hiện tượng đầu cơ còn khá phổ biến và ảnh hưởng tới toàn bộ thị trường. Vì vậy, cần làm rõ thế nào là “giá phổ biến trên thị trường”, bởi giá cả sẽ dao động và đâu là căn cứ để biết đó là giá phổ biến để điều chỉnh giá đất.
Khắc phục tình trạng quy hoạch thiếu tầm nhìn, quy hoạch cảm tính
Trước đó, tại Hội nghị lấy ý kiến Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật (Hội đồng), các chuyên gia, nhà khoa học vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức, ông Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng nhấn mạnh, dự thảo Luật chưa hình thành được một cơ chế kiểm soát có hiệu lực và hiệu quả theo Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 18- NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương… Mặc dù dự án Luật đã chú trọng đến vai trò của MTTQ các cấp, nhưng các quy định chưa đầy đủ và chưa bao quát hết tất cả các khâu của quá trình quản lý Nhà nước về đất đai.
“Tất cả các khâu của quản lý Nhà nước về đất đai, từ khâu sử dụng của người sử dụng; điều tra đánh giá đất đai; quy hoạch kế hoạch sử dụng đất… đến thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi; tài chính về giá đất đai... đều phải có mặt của cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực Nhà nước theo Hiến pháp năm 2013. Theo đó, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận không nên quy định chỉ 1 điều (Điều 20) như dự thảo Luật mà nên quy định trong tất cả các Chương”, ông Trần Ngọc Đường kiến nghị.
Cùng với đó, cần tăng cường kiểm soát của quyền tư pháp đối với quyền hành pháp trong quản lý Nhà nước về đất đai bằng việc không những xét xử hành vi hành chính và quyết định hành chính cá biệt, vi phạm pháp luật, mà tiến tới có thể xét xử đối với văn bản quy phạm pháp luật dưới luật trong quản lý đất đai của Chính phủ, của bộ, ngành và chính quyền địa phương mà cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể khởi kiện do trái với Luật Đất đai và các luật có liên quan về đất đai.
Khẳng định “quy hoạch sử dụng đất là vô cùng quan trọng”, TS.Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Hội đồng - đánh giá: Thực trạng quy hoạch sử dụng đất cho thấy, mặc dù những năm qua Nhà nước đã có nhiều biện pháp quản lý, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng và hiệu quả của bộ máy chuyên ngành quản lý đất đai, siết chặt kỷ cương trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất… nhưng bức tranh sử dụng đất đai vẫn chưa thực sự sáng sủa. Thông tin thêm về vấn đề này, ông Lưu Bình Nhưỡng cho hay, theo báo cáo của Đoàn giám sát “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỷ lệ đơn thư liên quan đến đất đai là khoảng 70% trên tổng lượng đơn thư hàng năm. Các khiếu kiện và tố cáo, tố giác sai phạm về đất đai có nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân là do công tác quy hoạch thiếu tầm nhìn, quy hoạch cảm tính, quy hoạch sau đó tìm cách điều chỉnh nhằm phục vụ mục đích cá nhân, lợi ích nhóm…
Xuất phát từ thực tế nêu trên, ông Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định rõ việc quy hoạch sử dụng đất phải bảo đảm tầm nhìn dài hạn, có thể hàng trăm năm mà không nên hạn chế thời hạn quy hoạch dưới 50 năm; đồng thời phải dựa trên cơ sở khoa học, đánh giá tác động toàn diện về không gian phát triển cũng như bảo đảm đời sống của người dân, gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc gắn với quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.
Ngoài ra, ông Nhưỡng cũng đề nghị Luật Đất đai (sửa đổi) cần đề ra giải pháp xử lý có hiệu quả những trường hợp đủ điều kiện để giải quyết dứt điểm khiếu kiện kéo dài gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và xã hội, để đến năm 2030, hệ thống pháp luật về đất đai cơ bản được hoàn thiện đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khắc phục bằng được tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hóa, ô nhiễm, suy thoái và những tồn tại, vướng mắc về quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại.