"Phát triển kinh tế không thể bị giới hạn bởi địa giới hành chính. Việc hình thành đô thị Nhà Bè - quận 7 là phù hợp lịch sử và nền tảng văn hoá của hai địa phương này", TS Trương Minh Huy Vũ, ĐH Quốc gia TP HCM, nói tại Hội thảo “Tiềm năng và triển vọng phát triển huyện Nhà Bè”, ngày 30/6.
Nhà Bè là huyện ngoại thành phía Nam TP HCM, cách trung tâm khoảng 10km, giáp quận 7, huyện Bình Chánh, huyện Cần Giuộc (Long An), huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Địa phương này có diện tích hơn 10.000ha với hơn 200.000 dân và được coi là cửa ngõ ra biển của TP.
Theo ông Vũ, Nhà Bè cần được định hình là một phần của Khu đô thị thông minh sinh thái dựa trên vành đai sông, hướng biển và vệ tinh phát triển phía Nam TP HCM, gắn liền không gian phát triển Nhà Bè - quận 7. Thời gian tới, huyện cần phát triển giao thông đường thủy để kết nối với quận 1 qua bến Bạch Đằng; đồng thời tận dụng lợi thế của quận 7 là nơi có nhiều Cty công nghệ của Việt Nam để đẩy mạnh không gian số, kinh tế số.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Nghiên cứu & Phát triển TP nhấn mạnh không thể chia cắt khu Nam TP HCM thành quận 7 và Nhà Bè, mà cần phát triển trong một không gian chung. Ông Ngân lấy ví dụ muốn phát triển du lịch, khách sẽ chơi ở huyện Nhà Bè, cảm nhận thiên nhiên, nhưng mua sắm sẽ tới quận 7.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng, mục tiêu của TP HCM là TP tiến ra biển. Với tầm nhìn đó, Nhà Bè có tiềm năng bởi nơi đây là cửa ngõ ra biển của TP và cần tận dụng để thu hút nhà đầu tư. Cảnh quan nhiều mặt nước cũng là lợi thế lớn để nơi này phát triển đô thị gắn với sinh thái.
"Nên chăng lập TP phía Nam tương tự như đã hợp nhất quận 2, 9, Thủ Đức và đặt tên là Nhà Bè hoặc Nam Sài Gòn để thuận lợi cho sự phát triển và tận dụng hết tiềm năng của địa phương", ông Châu nói.
Tuy nhiên, ông Châu cũng chỉ ra điểm yếu của Nhà Bè như nguy cơ ngập, sụt lún vì là vùng trũng, địa chất yếu; ba trục đường kết nối với trung tâm TP là Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Tất Thành, Lê Văn Lương đều đang bị quá tải; dân số ít; thiếu dự án lớn...
"Quận 7 sau khi tách khỏi Nhà Bè thu ngân sách tăng hơn 100 lần trong 20 năm qua. Nếu quận 7 thu ngân sách đã đạt 8.000 tỷ thì con số này ở Nhà Bè mới là 1.000 tỷ", ông Châu nêu thực tế.
Đánh giá về tiềm năng phát triển của Nhà Bè, ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên Phó TGĐ Cty Liên doanh Khu chế xuất Tân Thuận kể lại, hơn 30 năm trước, khi tìm vị trí để xây dựng khu chế xuất đầu tiên trên cả nước, ông đã nhìn ra nhiều lợi thế của vùng đất Nhà Bè.
Theo đó, từng là vùng đất ngập mặn, "bỏ con trâu cũng chìm", nhưng Nhà Bè có tới 5 nhánh sông đi qua: Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu và Soài Rạp. Đây là điều kiện tự nhiên tạo nên sức mạnh của Nhà Bè. Năm 1997, phần phát triển nhất của Nhà Bè khi đó được tách ra thành quận 7 và trở thành địa phương phát triển độc lập. "Bây giờ là thời điểm thích hợp để biến Nhà Bè thành “nhà lầu”", ông Dưỡng nói.
Chuyên gia này chỉ ra 8 yếu tố có sẵn tạo nên thành công của Nhà Bè, đó là: Khu chế xuất Tân Thuận; đại lộ Nguyễn Văn Linh; Khu đô thị Nam TP HCM (2.600ha); Khu công nghiệp Hiệp Phước (2.000ha); chương trình nạo vét sông Soài Rạp; dự án trục lộ Bắc Nam nối từ cảng Hiệp Phước vào nội thành, kết nối với Xuyên Á; cảng nước sâu Hiệp Phước; cao tốc Bến Lức (Long An).
Ông cũng cho rằng không nên đưa Cần Giờ TP, mà đề xuất đưa xã Bình Khánh vào khu đô thị của Nhà Bè. Phần còn lại của Cần Giờ sẽ được giữ gìn để bảo vệ khu sinh quyển cho TP.
Thời gian qua, 5 huyện ngoại thành TP HCM là Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn đặt mục tiêu TP vào năm 2030. Theo kế hoạch, Sở Nội vụ sẽ hoàn thiện Đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP HCM) giai đoạn 2021-2030 trình UBND TP trước 30/9. Sau đó chính quyền TP “chốt” địa phương nào lên quận hoặc TP.