Bé 3 tuổi bị bảo mẫu bạo hành: Công nhân nghèo biết gửi con ở đâu?

Sau vụ bé gái 3 tuổi bị bảo mẫu bạo hành, những công nhân có con nhỏ gửi tại các cơ sở tự phát mới giật mình lo lắng, biết đâu con mình cũng đang bị “gửi cho ác”!
Sau vụ bé gái 3 tuổi bị bảo mẫu bạo hành, những công nhân có con nhỏ gửi tại các cơ sở tự phát mới giật mình lo lắng, biết đâu con mình cũng đang bị “gửi cho ác”! Nhưng cuộc mưu sinh túng bấn khiến họ không có sự lựa chọn nào khác.

Quay trở lại với gia đình bé Hồ Thị Thúy Ngân (3 tuổi), nạn nhân trong vụ bạo hành vừa được làm rõ tại xã Thuận Giao, Thuận An, Bình Dương, chúng tôi gặp vợ chồng anh Hồ Minh Lực (31 tuổi, quê Vĩnh Long) và chị Lê Thị Thanh (28 tuổi, quê Hà Tĩnh) - bố mẹ bé, đang ở nhà chăm sóc con gái.
Nỗi trăn trở của vợ chồng anh Lực khi không biết gửi bé Ngân ở đâu

Lý giải về việc gửi con nhỏ vào cơ sở giữ trẻ “chui” của bà Trần Thị Phụng, anh Lực tâm sự: Cuộc sống của những người làm công nhân như anh chị giờ giấc thất thường, thu nhập lại thấp. Khi chọn nghề này thì việc thường xuyên phải tăng ca là lẽ tất yếu. Nếu gửi con ở nhà trẻ chính quy thì chỉ đến khoảng 16h30 hàng ngày là phải đón cháu về, ngày thứ 7, chủ nhật trẻ nghỉ, trong khi bố mẹ vẫn phải đi làm. Cực chẳng đã anh chỉ phải gửi con vào những cơ sở giữ trẻ tự phát tại nhà.
Đôi vợ chồng trẻ cố gắng bù đắp cho con gái

Tiếp lời anh Lực, chị Lê Thị Thanh buồn bã: “Tôi hiện đang làm công nhân ở công ty giày da tại KCN Bình Chuẩn. Đa số các ngày trong tuần đều phải tăng ca nên thường đón cháu hơi trễ. Vùi đầu vào công việc để lo mưu sinh mà 2 vợ chồng không nhận ra những biểu hiện của cháu. Để con bị như vậy tôi vô cùng đau xót”.

Chị Thanh vẫn nhớ như in cái ngày đầu tiên chị đưa bé Ngân để gửi ở nhà bà Phụng. Bà khẳng định chắc nịch “Tao chăm mấy đứa nhỏ cẩn thận và chu đáo lắm, tụi bay cứ yên tâm mà làm việc, có phải tăng ca về trễ cũng không sao”.
Xóm trọ nghèo của các gia đình công nhân đang lao đao vì không biết gửi con ở đâu

Bị “trúng đòn” tâm lý của bà Phụng, vợ chồng chị Thanh không hề đắn đo mà đưa ngay bé Ngân tới gửi tại đây.

“Nhiều lần phát hiện thấy cháu có biểu hiện bất thường, đêm hay giật mình khóc thét, tôi cũng đã định sang hỏi bà Phụng xem bé có bị gì không, nhưng những lần đó thường rơi vào đợt cao điểm tăng ca nên về trễ. Thấy bà Phụng coi giúp đến khuya, tôi ngại không dám hỏi nữa” - chị Thanh kể.

Nói về dự định sắp tới, anh Lực cho biết trước mắt sẽ đón mẹ mình ở quê lên để trông giữ bé Ngân.

Về trường hợp của bé Ngân, bà Nguyễn Thị Kim Thu - Trưởng Phòng Lao động Thương binh Xã hội huyện Thuận An - cho biết sẽ giới thiệu bé Ngân đến một trường mầm non gần nơi cháu sống.

Tuy nhiên, xét một cách thực tế và những gì “phận” người công nhân đang phải “chấp hành” thì việc gửi con đến một cơ sở chính quy còn khá nhiều nan giải.
Khi xem lại clip nhiều bà mẹ vẫn rùng mình
Chỉ tính trên địa bàn xã Thuận Giao cũng có hàng chục em nhỏ độ tuổi (1 đến 3 tuổi) là con của các cặp vợ chồng làm công nhân. Ước nguyện của những người lao động nghèo này là có được một cơ sở trông giữ trẻ vừa có thể đảm bảo an toàn cho con, vừa thỏa mãn những yêu cầu về giờ giấc làm việc của bố mẹ trẻ. Trong sáng 25/11, cán bộ Hội phụ nữ UBND xã Thuận Giao, BCH Công đoàn nơi công ty vợ chồng anh Lực đang làm việc đã đến động viên, thăm hỏi, chia sẻ với gia đình anh. Qua vụ việc này, phía công đoàn công ty hứa sẽ kiến nghị lên cấp trên về kế hoạch xây dựng nhà giữ trẻ cho con em công nhân trong Khu công nghiệp theo quy chuẩn đã quy định. Về phía gia đình anh Lực đã làm đơn gửi đến cơ quan chức năng mong sớm làm sáng tỏ và xử lý bà Trần Thị Phụng đúng tội. Anh Lực cũng nhắn nhủ, sự việc này có thể coi là một bài học cho những người giữ trẻ vô lương tâm; đồng thời là lời cảnh báo các bậc cha mẹ trong việc chọn nơi gửi con.
Theo Trung Kiên
Dân Trí

Đọc thêm