Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm (TCCNH) vừa qua Bến Tre và dịch sốt xuất huyết (SXH) mới lắng dịu. Nhưng, sự căng thẳng và âu lo vẫn hằn trên gương mặt các cán bộ y tế dự phòng (YTDP) địa phương bởi nguy cơ bùng phát của các dịch bệnh này tại địa phương rất lớn.
Còn đó nỗi lo sốt xuất huyết
Theo báo cáo từ Trung tâm YTDP tỉnh Bến Tre, từ đầu năm đến nay, Bến Tre đã ghi nhận 6.680 ca SXH (tử vong 6 ca), tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2009. Bệnh nhân tập trung chủ yếu ở huyện Ba Tri với 1.890 ca. Hiện tại, dịch SXH đã tạm thời lắng xuống với trung bình khoảng 35 ca/tuần (mấy tháng trước đây lên tới 300-400 ca/tuần). Dịch bệnh ở địa phương thường bùng phát vào mùa mưa, khi muỗi và loăng quăng phát triển mạnh, cao điểm là các tháng 7, 8, 9 và 10.
Bác sỹ Hồ Trung Tuyến - Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm YTDP tỉnh Bến Tre cho hay, cùng với các huyết thanh virus (dengue) 1, 2 và 4, dengue tip 3 (điển hình của vụ dịch năm 2008) cũng tái xuất hiện khiến cho dịch bệnh phức tạp hơn, triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân nặng nề hơn, điều trị khó hơn và rất dễ tử vong.
Đặc biệt, những huyện, thị các năm trước có tỷ lệ mắc cao thì lại giảm đi, trong khi các địa bàn ít mắc thì lại bùng phát bệnh rất mạnh (Ba Tri năm 2009 chỉ có 165 ca thì nay đã lên tới gần 2.000 ca bệnh).
Dịch tả vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái phát
Sau khi xuất hiện hai ca dương tính (DT) với phẩy khuẩn tả vào ngày 9/5 và 13/5/2010, Cục YTDP tỉnh Bến Tre cho biết, tình trạng 1-2 DT ca/ngày kéo dài cả tháng và dịch bùng phát mạnh bắt đầu từ ngày 31/5/2010. Cụ thể, từ ngày 31/5 đến ngày 6/6/2010, mỗi ngày Bến Tre ghi nhận 5-7 ca DT với phẩy khuẩn tả rồi giảm dần (rải rác xuất hiện 1-2 ca/ngày đến hết tháng 6/2010) và chấm dứt hẳn vào ngày 16/7/2010.
Cầu tiêu sát ao cá, quầy hàng ăn ở lề đường - những thứ quen mắt ở Đồng bằng Sông Cửu Long này ẩn chứa các nguy cơ tạo dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm |
Điều hết sức đáng ngại là ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở huyện Mỏ Cày Bắc nhưng lại bùng phát mạnh ở huyện Mỏ Cày Nam với 30/70 bệnh nhân được ghi nhận (trong đó xã Tân Hội, Mỏ Cày Nam có tới 9/34 ca). Qua xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm, Trung tâm YTDP địa phương đã tìm thấy: Trong phân có tới 70 mẫu DT; nước sông rạch 4; nước cầu tiêu ao cá 4; nước sinh hoạt 2; nước đá 1; thực phẩm 1. Theo nhận định của Trung tâm, dịch TCCNH năm nay có số mắc cao nhất và kéo dài nhất so với các vụ dịch trước đây tại địa phương.
Còn nguy hiểm hơn khi kết quả giám sát của Trung tâm phát hiện: Số hộ dân sử dụng nước mưa và nước sông rạch làm đá rất lớn. Thậm chí, có tới 47,14% bệnh nhân sử dụng nước sông rạch không khử khuẩn Chloramin để rửa rau và sinh hoạt (trong khi nguồn nước ấy cũng bị nhiễm phẩy khuẩn tả). Và, có tới 70% số bệnh nhân cho biết gia đình có sử dụng cầu tiêu ao cá (vệ sinh xuống thẳng ao cá hoặc sông rạch)... Đây chính là những nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh một cách nhanh chóng nhất.
Người dân vẫn lơ là
Để khống chế và đẩy lùi dịch bệnh, Bác sỹ Hồ Trung Tuyến cho biết, cùng với hoạt động truyền thông; cấp Chloramin để khử khuẩn môi trường, Trung tâm YTDP tỉnh đã tiến hành giám sát các nhà máy cung cấp nước; cấm sản xuất và buôn bán nước đá không đủ tiêu chuẩn; thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm; vận động người dân không sử dụng cầu tiêu ao cá...
Tuy nhiên, tình trạng buôn bán và sử dụng nước đá; thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn tràn lan; người dân vẫn hồn nhiên xả phân xuống ao, hồ, kênh rạch... như không hề biết đến mối đe dọa của dịch bệnh.
Đối với SXH cũng vậy. Mặc dù dịch bệnh vẫn đang lưu hành. Dù cho công tác tuyên truyền phòng, chống dịch đã được triển khai xuống tận ấp, làng; cán bộ y tế dự phòng xuống tận nhà các hộ dân cung cấp cá diệt loăng quăng, bọ gậy làm sạch nước... Nhưng, Bác sỹ Tuyến bày tỏ lo ngại rằng đa số người dân cho rằng cá làm bẩn thêm nguồn nước của họ nên từ chối, chỉ có khoảng 30% hộ đồng ý nhưng khi cán bộ y tế về được vài phút họ lại vớt cá vứt đi.
“Người dân đã có kiến thức về cách phòng ngừa dịch bệnh rồi nhưng hành vi của họ chưa tốt thì nguy cơ tái phát dịch bệnh là điều khó tránh khỏi. Trước mắt, chúng ta vẫn cứ phải không ngừng tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn từ từ để người ta thay đổi hành vi; cộng với điều kiện kinh tế khá lên, tình hình sẽ được cải thiện”, bác sỹ Tuyến khẳng định.
Trà Long