Bến Tre: Xây dựng hồ chứa nước ngọt 2,3 triệu m3 để ứng phó biến đổi khí hậu

(PLVN) - Hồ trữ nước ngọt có diện tích 56,7ha, chứa khoảng 2,3 triệu mét khối, kinh phí do Trung ương đầu tư với tổng mức hơn 352 tỷ đồng.
Bến Tre: Xây dựng hồ chứa nước ngọt 2,3 triệu m3 để ứng phó biến đổi khí hậu

Ngày 22/9, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức buổi họp báo thông tin về chủ trương đầu tư xây dựng dự án hồ chứa nước ngọt khu Lạc Địa, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre dưới sự chủ trì của Ông Cao Văn Dũng - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ.

Ông Cao Văn Dũng - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu.
 Ông Cao Văn Dũng - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu.

Ông Cao Văn Dũng cho biết, trước tình hình hạn mặn xâm nhập tại ĐBSCL, Bến Tre là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề nhất. Khi dự án được thực hiện sẽ cung cấp nước uống và sinh hoạt cho khoảng 60.000 hộ dân tại huyện Ba Tri, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Bến Tre liên tục xảy ra thiếu nước ngọt trong mùa khô. Đặc biệt trong mùa khô năm 2020 Bến Tre là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng hạn, mặn, gây thiệt hại cho nền kinh tế của địa phương.

Do đó, việc xây hồ chứa nước ngọt khu Lạc Địa nhằm phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân huyện Ba Tri, bảo đảm mọi người dân đều có thể sử dụng nước sạch không gián đoạn, nhất là trong mùa khô.

Đồng thời, kết hợp xây hồ trữ nước ngọt với bảo tồn, quy hoạch xây dựng khu di tích căn cứ cách mạng Bưng Lạc Địa; quy hoạch xây dựng khu dân cư tập trung nhằm sắp xếp, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đất đai, sinh thái Khu Lạc Địa để phát triển kinh tế, xã hội huyện Ba Tri.

Theo đó, UBND tỉnh Bến Tre chủ trương khai thác khu Lạc Địa cho phù hợp với điều kiện xâm nhập mặn hiện nay: Xây dựng khu dân cư tập trung gắn với làng nghề truyền thống của địa phương với diện tích 10ha; khu di tích lịch sử cách mạng Bưng Lạc Địa với diện tích 13,5ha và Hồ chứa nước ngọt với diện tích 97,66 ha, gồm các hạng mục: Hồ trữ nước ngọt 56,7ha, chứa khoảng 2,3 triệu m3; đường giao thông chiếm diện tích 10,56ha; cây xanh kết hợp với phát triển du lịch sinh thái với diện tích 30,40ha. Kinh phí do Trung ương đầu tư với tổng mức hơn 352 tỷ đồng.

Sở, ngành địa phương thông tin chi tiết, trả lời thắc mắc về dự án
 Sở, ngành địa phương thông tin chi tiết, trả lời thắc mắc về dự án

Dù dự án thực hiện nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong giải quyết phát sinh tranh chấp đối với người dân, nhất là tranh chấp về sử dụng đất. Do đó, chính quyền địa phương đã thành lập các tổ vận động, tuyên truyền ý nghĩa của hồ nước đối với cuộc sống của bà con.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Lạc Địa trở thành căn cứ địa cách mạng của quân và dân huyện Ba Tri. Sau năm 1975, khu vực này được Nhà nước quản lý, giao cho người dân thuê để khai thác cá, nuôi trồng thủy sản và nộp tiền thuê cho chính quyền địa phương. Đến năm 2015, để xác lập pháp lý, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Quyết định số 1516 về việc giao phần đất khu vực Lạc Địa cho UBND xã Phú Lễ quản lý với diện tích 125,4ha, trong đó có 121,16ha đất thuộc khu Lạc Địa.

Phát biểu tổng kết cuộc họp, ông Cao Văn Dũng khẳng định khu Lạc Địa do nhà nước quản lý, người dân không định canh, định cư tại khu vực này. Cùng với đó, dự án do nhà nước đầu tư, chủ trương thực hiện phù hợp với Đảng bộ và người dân tại Ba Tri.

Sau khi công trình hồ chứa nước Lạc Địa đi vào hoạt động sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của địa phương, cung cấp nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đồng thời, sẽ phát triển các ngành, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trong khu Lạc Địa và các vùng lân cận. Bên cạnh đó, khu bảo tồn di tích cách mạng Bưng Lạc Địa còn là nơi tham quan, du lịch, sinh hoạt văn hóa, giáo dục truyền thống cách mạng địa phương cho thế hệ trẻ.

Đọc thêm