Tại nước Cộng hòa Trung Mỹ Dominica, lệnh cấm phá thai đang là nguyên nhân khiến cơ hội sống sót khỏi căn bệnh ung thư máu của một thai phụ trẻ trở nên mong manh hơn, bởi các bác sỹ sợ bị truy tố trong trường hợp việc hóa trị cho người mẹ sẽ ảnh hưởng tới tính mạng thai nhi.
Bệnh viện Semma. Ảnh: CNN |
Tại bệnh viện Semma ở thủ đô Santo Domingo của Dominica, một cô gái 16 tuổi đang chết dần chết mòn vì căn bệnh bạch cầu. Các bác sỹ nói rằng, bệnh nhân - mà tên không được tiết lộ vì lý do riêng tư – cần phải được điều trị tích cực bằng biện pháp hóa trị. Phương pháp điều trị để cứu tính mạng bệnh nhân thì đã rất rõ ràng nhưng vấn đề nảy sinh ở đây là: cô gái trẻ tuổi này đang mang thai 9 tuần và việc điều trị bằng hóa chất nhiều khả năng sẽ dẫn đến việc chấm dứt thai kỳ - hành vi bị cấm theo Hiến pháp Dominica.
Theo quy định tại Điều 37 của Hiến pháp Dominica – đã được thông qua vào năm 2009 và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 - “quyền được sống của con người là bất khả xâm phạm từ lúc thụ thai cho đến khi chết”. Điều luật này được các tòa án tại nước này giải thích là việc phá thai là hành vi bị cấm trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả khi sức khỏe hoặc mạng sống của thai phụ có bị đe dọa.
Điều 37 trong Hiến pháp sửa đổi của Dominica cũng đã bãi bỏ án tử hình. Một bác sỹ tại Dominica có thể sẽ gặp rối về với pháp luật nếu vị này điều trị bằng hóa chất cho bệnh nhân, dẫn đến việc chấm dứt thai kỳ.
“Việc điều trị rất có thể sẽ làm biến dạng bào thai. Cô gái trẻ cũng có thể sẽ bị chấm dứt thai kỳ trong quá trình xạ trị. Vì thế các bác sỹ trong hệ thống bệnh viện công ngại chỉ định tiến hành trị liệu vì việc chấm dứt thai kỳ là trái với hiến pháp” – bác sỹ sản khoa Lilliam Fondeur nói.
Trường hợp của thai phụ trẻ tuổi này sau khi được tiết lộ đã gây ra những tranh cãi gay gắt tại nước cộng hòa Trung Mỹ. Bà Rosa Hernandez – mẹ của cô gái - đang tìm mọi cách để thuyết phục các bác sỹ cũng như giới chức Dominica đưa ra một ngoại lệ để có thể cứu lấy mạng sống của con gái.
“Mạng sống của con gái tôi là quan trọng nhất. Tôi biết rằng việc phá thai là một tội lỗi và nó đi ngược lại các quy định của pháp luật nhưng hiện giờ sức khỏe của con gái tôi mới là thứ cần đặt lên hàng đầu” – bà Hernandez nói. Các nhóm vận động vì nữ quyền và nhân quyền cũng đã kịch liệt phản đối và yêu cầu nhà chức trách cho phép hóa trị cho nữ bệnh nhân.
“Làm sao họ có thể để lãng phí quá nhiều thời gian như vậy. Việc điều trị vẫn chưa được bắt đầu vì họ vẫn còn bận họp hành để quyết định xem cô bé có quyền được điều trị để giữ lấy tính mạng hay không” – một nhà vận động vì nữ quyền nói.
Một số nhà làm luật thuộc phe đối lập thì nói rằng trường hợp của thai phụ này có thể sẽ dấy lên một cuộc tranh cãi lớn về lệnh cấm phá thai ở quốc gia vùng Caribbe và những vấn đề mà lệnh cấm trong hiến pháp đưa đến có thể sẽ vượt xa hơn trường hợp này. “Hiến pháp cần phải được sửa đổi sớm hơn. Chúng ta không thể để xảy ra bất kỳ trường hợp nào mà việc giữ lại thai nhi có thể khiến thai phụ gặp phải biến chứng” – ông Terrero – một nhà làm luật đối lập nói.
Bộ trưởng Y tế Dominica Bautista Rojas Gomez cũng đã công khai ủng hộ việc hóa trị để bảo vệ thai phụ. Miguel Montalvo – giám đốc hội đồng đạo đức sinh học, cơ quan đưa ra các quy định trong việc áp dụng luật – nói rằng hội đồng này cũng đang nghiêng về biện pháp cho phép điều trị cho thai phụ.
“Khi đến bước đường cùng, bênh nhân có thể tự mình quyết định. Trong trường hợp này, gia đình có thể quyết định điều gì là tốt hơn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, trong khi các cuộc tranh cãi vẫn chưa đi đến hồi kết thì tính mạng của cô gái trẻ vẫn chưa được định đoạt vì các bác sỹ tại bệnh viện Semma vẫn không muốn hành động do sợ bị truy tố.
Cộng hòa Dominica không phải là nước duy nhất tại Trung Mỹ đang thi hành luật phá thai nghiêm khắc. Các nước như Nicaragua và El Salvador cũng cấm việc phá thai – kể cả trong trường hợp thai phụ bị hiếp dâm, loạn luân, thai nhi có dị tật hay cuộc sống của người mẹ hoặc thai nhi bị đe dọa.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết, tại các quốc gia mà việc phá thai bị cấm hoàn toàn thì tỉ lệ tử vong của các thai phụ thường cao hơn ở các nước khác. Nguyên nhân là do các bác sỹ tại đây không thể hoặc quá sợ hãi khi chỉ định các biện pháp cứu sống bệnh nhân khi phương pháp điều trị đó có thể ảnh hưởng đến thai kỳ, dù rằng đó là cách duy nhất để cứu sống người mẹ.
Minh Ngọc (theo CNN, Reuters)