Đoạt giải B cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 của Hội Nhà văn Việt Nam, Quyên là cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Việt kiều Nguyễn Văn Thọ. Sau 2 năm phát hành, cuốn sách này bán được hơn 5 vạn bản, có mặt ở nhiều quốc gia – những nơi có người Việt Nam đang làm việc và sinh sống. Mới đây, Công ty BHD chính thức mua bản quyền Quyên để dựng phim. Từ Đức- nơi nhà văn Nguyễn Văn Thọ đang sinh sống, ông trao đổi về lý do “gả” Quyên cho BHD. Bởi lẽ, trước BHD có rất nhiều công ty ngỏ lời mua Quyên để dựng phim nhưng bị từ chối.
|
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ và bìa cuốn tiểu thuyết Quyên |
- Anh đã từ chối nhiều đơn vị có ý định mua bản quyền Quyên, nhưng lại nhanh chóng nhận lời BHD. Tại sao vậy?
- Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Do hiệu ứng bạn đọc, cách đây hơn một năm, một độc giả từ Mỹ về giới thiệu tác phẩm Quyên với BHD. Ngay sau đó, qua dịch giả Phan Thanh Hảo, chúng tôi, BHD và tác giả gặp nhau để thương thảo việc nhượng quyền tiểu thuyết Quyên cho Công ty TNHH BHD. Có lẽ do phải hoàn thành phim Cánh đồng bất tận, nên sau 1 năm, chúng tôi mới tiếp tục thương thảo và tháng 11-2010 mới đi tới hợp đồng chính thức bán bản quyền làm phim nhựa Quyên cho BHD. Tôi quyết định vấn đề này không phải chỉ vì lý do tài chính. Nhiều nhà làm phim đặt vấn đề mua Quyên, song sở dĩ Quyên thuộc về BHD bởi những người chủ trương mua Quyên ở BHD, trong quá trình thương thảo, tỏ ra rất am tường tiểu thuyết Quyên và chia sẻ sâu sắc những vấn đề ở Quyên với tác giả. Đó chính là điều khiến tôi quyết định mang Quyên “gả” cho BHD.
- Nhìn vào danh sách các tác phẩm đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam , có lẽ Quyên là tác phẩm hiếm hoi đắt khách? Với anh, Quyên có ý nghĩa thế nào với nghiệp sáng tác của mình?
- Bắt tay viết Quyên đúng là cực khó khăn, một thử thách vô cùng lớn lao với một người như tôi. Đó không chỉ là sự khó khi viết tiểu thuyết đầu tay, mà tự ý thức tiểu thuyết đòi hỏi nhiều vấn đề khác biệt so với viết truyện ngắn, người ta không thể mang tất cả ưu điểm của vốn truyện ngắn tạo ra tiền đề để viết tiểu thuyết. Vì thế, Quyên là dấu mốc quan trọng đối với sự nghiệp văn chương của tôi, bởi tiểu thuyết vốn là ngôi nhà lớn của văn học, ngoài ra nó là cú hích để có thể giúp tôi viết tiếp cuốn tiểu thuyết khác quan trọng hơn.
- Quyên – tên nhân vật chính của tiểu thuyết - một cô gái Hà Nội gốc tên Quyên nghe theo chồng vượt biên từ Nga sang Đức. Cuộc ra đi tìm miền đất hứa trở thành cuộc phiêu lưu 9 năm với biết bao bất ngờ, như con thuyền nhỏ lênh đênh ở xứ người, chính ngay giữa đồng bào mình. Đau xót đến rớm máu. Có ai phản ứng với anh rằng đã “vén những bí mật” của giới nữ khi ra nước ngoài kiếm sống không?
- Cuộc di dân của hàng vạn người Việt không chuẩn bị khi xuất ngoại quả là mang lại biết bao hệ lụy, nhất là cho nhiều phụ nữ. Cuộc đời 9 năm của nhân vật Quyên thực ra mới hé lộ một phần rất nhỏ trong biết bao thương đau cần chia sẻ cho thân phận con người Việt trong quá trình mưu sinh của người Việt khi vượt biên ra nước ngoài. Chính vì thế, dù tiểu thuyết Quyên phản ánh nhiều thói hư tật xấu của người Việt song không bị cộng đồng ở hải ngoại tẩy chay. Bởi hơn hết, trên cả những điều vén bức màn bí mật, Quyên là tiếng thét bi thương rướm máu cần được chia sẻ và thông cảm của nhiều thân phận không chỉ ở Đức. Nó cũng là tiếng nói người trong cuộc, của tỉnh ngộ và uớc mơ hạnh phúc chân chính trong truyền thống văn hoá Việt. Cho nên, không nên chỉ nhìn Quyên dưới góc tiêu cực và tôi cũng thấy nếu là đàn ông thì không nên để vợ phải con cò lặn lội đi kiếm ăn ở nước người, nhất là ly quê một mình…và, nếu xét trên cái gốc của văn hoá Việt cũng không nên cho vợ xuất ngoại kiếm tiền, vì tiền không thể xây dựng và bảo đảm cho hạnh phúc gia đình.
- BHD vừa chuyển thể tác phẩm Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư thành phim. Có vẻ như tác giả này không thật hài lòng với việc chuyển thể của BHD. Nhiều người cũng cho rằng, phim Cánh đồng bất tận chưa phản ánh đúng và sâu sắc những gì truyện thể hiện. Anh là tác giả của cuốn tiểu thuyết có tiếng, anh có đề nghị gì với đơn vị làm phim không?
- Mỗi loại hình nghệ thuật có ngôn ngữ riêng. Mặc dù điện ảnh thường có cái gốc là văn học, song không có nghĩa nó phản ánh được tất cả điều văn học mong muốn và thành công ở tầng chữ; khi chuyển thể một tác phẩm văn học, nhất là điện ảnh Việt Nam còn nhỏ bé, hạn hẹp về tài chính, sẽ có nhiều khó khăn bất khả kháng khi chuyển đổi từ ngôn ngữ văn học sang ngôn ngữ điện ảnh. Tôi có đứa con gái đứt ruột đẻ ra tên là Quyên. Cháu nó tới tuổi đi lấy chồng và tôi đã để nó làm dâu nhà BHD thì phải để họ dạy dỗ nó chứ can thiệp sâu là “điều vô lễ với thông gia”. Hơn nữa BHD rất hiểu biết văn học, họ cũng rất tôn trọng tác giả nên chúng tôi cũng bàn thảo nhiều điều cần và đủ cho Quyên trở thành xinê, và điều nữa là nay mai khi bấm máy, BHD cũng muốn tôi làm cố vấn đạo diễn, vậy phải tin ở các nhà điện ảnh.
Chu Thu Hằng