Đội quân đất nung không phải thân vệ?
Đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng từng được sánh ngang với Vạn Lý Trường Thành. Trong mắt người phương Tây, đội quân này cũng trở thành “Kỳ quan thứ 8” của thế giới. Vậy mà, trong suốt một thời gian dài sau khi nhà Tần sụp đổ, từ nhà Hán tới tận nhà Thanh, sách sử Trung Quốc nổi tiếng đầy đủ và tỉ mỉ cũng không hề ghi chép lại bất cứ thông tin gì về đội quân đất nung trong lăng Tần Thủy Hoàng.
Điều này đã được lý giải khá thỏa đáng rằng, sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ, xã hội khi đó không hề tiến vào giai đoạn ổn định lâu dài. Vì Tần Thủy Hoàng chết quá sớm, chưa tới 50 tuổi đã qua đời, trong khi Hán Cao Tổ Lưu Bang chỉ kém Tần Thủy Hoàng 3 tuổi, nhưng thời điểm ấy Lưu Bang chỉ mới vừa dấy binh khởi nghĩa, chuẩn bị gây dựng cơ đồ của mình, Tần Thủy Hoàng vẫn chưa chọn ra được người nối nghiệp, khiến nhà Tần sụp đổ trong tay Tần Nhị Thế.
Trong đó, hai nhân vật chính lật đổ nhà Tần là Lưu Bang và Hạng Vũ. Nếu như không có hai người này, nhà Tần vẫn có thể giữ được vùng Quan Trung. Người tiến vào Hàm Dương sớm nhất là Lưu Bang, bởi ông tiếp thu diệu kế diệt Tần của Trương Lương, nhưng sau khi vào được Hàm Dương, việc đầu tiên Lưu Bang làm lại là hưởng thụ, công thần võ tướng đều đi cướp đoạt vàng bạc châu báu trong quốc khố nước Tần, Lưu Bang cũng vào ở luôn trong cung Hàm Dương.
Đáng nói, Lưu Bang tuy là người nước Sở nhưng ông không hề có hận thù sâu sắc với nước Tần, thế nên sau khi Lưu Bang tiến vào Hàm Dương, cung điện và những tài liệu văn hoá, lịch sử của của nước Tần vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Tuy nhiên, Hạng Vũ lại không như thế.
Hạng Vũ là hậu duệ của danh tướng Hạng Yên, quý tộc nước Sở, ông có mối hận sâu sắc với nước Tần, bởi nước Sở bị nước Tần tiêu diệt, ông nội Hạng Yên của ông cũng chết dưới tay đại tướng nước Tần. Thế nên sau khi vừa vào được Hàm Dương, việc đầu tiên Hạng Vũ làm là cướp đoạt hết vàng bạc châu báu, sau đó giết chết Tần Tam Thế Tử Anh, cuối cùng thiêu rụi cơ nghiệp của nhà Tần. Rất nhiều sách sử cổ quý giá cũng bị thiêu cháy trong ngọn lửa dữ dội đó.
Sau này, khi Tư Mã Thiên viết sách sử, có một cách rất quan trọng, đó là đọc sách sử nước Tần để miêu tả về lịch sử nhà Tần. Mồi lửa của Hạng Vũ khiến lịch sử nhà Tần bị thiệt hại rất lớn. Trong ghi chép của Tư Mã Thiên không có đội quân đất nung, rất có thể là bởi khi ấy sách sử nhà Tần ghi chép về việc chế tạo và công dụng của đội quân đất nung đã mất trắng trong ngọn lửa của Hạng Vũ.
Một lý giải khác cho rằng, đội quân đất nung có thể không phải là đồ tuỳ táng. Bởi đội quân này cách lăng chính của Tần Thủy Hoàng 1,6 km, xét theo quy chế nhà Tần, khoảng cách này quả thật quá xa, hoàn toàn không phải tiêu chuẩn Thân vệ của Tần vương. Vả lại khi khai quật đội quân đất nung, người ta quan sát thấy tượng có nhiều màu. Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, ông chọn áp dụng học thuyết Ngũ hành của Trâu Diễn người nước Tề, tương ứng với nhà Tần hẳn phải là thủy đức, thế nên nhà Tần tôn sùng màu đen.
Trước khi Tần Thủy Hoàng chưa thống nhất Trung Hoa, thành phần quân đội khá phức tạp, có các thế lực xen lẫn nhau. Về cơ bản, binh sĩ quân đội thời điểm ấy đều tự mang theo vũ khí ra trận, chẳng qua vũ khí của nước Tần thống nhất hơn các nước khác, thế nên chỉ có chuyện binh sĩ bị chậm lương thực, chứ chẳng có chuyện họ hưởng ứng chế độ chiêu mộ binh sĩ.
Những điều ấy dường như đều nói với chúng ta rằng: Đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng rất có thể là một loại công cụ huấn luyện, chứ không phải đội vệ binh của Tần Thủy Hoàng. Trong ghi chép của Tư Mã Thiên có viết: “Vì những tượng đất nung này thường xuyên được cất dưới lòng đất, tuy người ta biết được sự tồn tại của chúng, nhưng vì chúng không thuộc danh sách đồ tuỳ táng trong lăng Tần Thủy Hoàng, mà là công cụ huấn luyện tân binh của nhà Tần, không được liệt vào trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng cũng là điều rất đỗi bình thường”.
Tần Thủy Hoàng là hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa cổ đại. |
“Nhân chứng sống” tham gia xây dựng lăng mộ
Bị thiệt hại lớn bởi mồi lửa của Hạng Vũ, vậy tại sao 100 năm sau Sử gia Tư Mã Thiên vẫn có những ghi chép khá chi tiết về Tần vương cũng như lăng mộ nhà Tần?
Tư Mã Thiên không chỉ sống trong thời thịnh trị của nhà Hán mà được sinh ra trong một gia đình quan lại với truyền thống học rộng hiểu nhiều. Cha ông là Tư Mã Đàm, dưới thời Hán Vũ Đế giữ chức Thái Sử lệnh. Có thể nói, từ nhỏ Tư Mã Thiên đã nhận được sự giáo huấn rất tốt.
Ông được tiếp xúc với những loại sách văn học, sử học từ rất sớm. Trong tư duy của ông đã hình thành quan điểm khi tìm hiểu về sử học thì phải tìm hiểu nhiều nguồn tài liệu khác nhau và phải có tư tưởng khách quan nhất. Chính vì sinh ra trong gia đình hiếu học nên Tư Mã Thiên đã có cơ hội tiếp cận sách vở, tư liệu mà đa phần người dân trong chế độ phong kiến không có cơ hội sở hữu.
Về lăng mộ Tần Thủy Hoàng, dường như Tư Mã Thiên nắm khá rõ về sự tồn tại của nó. Cụ thể, trong Sử ký “Tư Mã Thiên” có đoạn chép: “Khi việc lớn đã xong, để che giấu tất cả, những người thợ từ khu trong, khu giữa hay vòng ngoài đều bị đóng cửa nhốt lại hết, không thể ra ngoài”.
Điều này cho thấy tất cả những người tham gia xây dựng đã bị nhốt rồi chết ở trong chính công trình mà mình xây dựng. Sử ký Tư Mã Thiên còn mô tả chi tiết hơn: “Khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi đã chọn núi Ly Sơn để xây mộ, sau này thống nhất thiên hạ thì đưa tới đây 700.000 lượt người, đào 3 đường suối để làm lối dẫn vật liệu, đồ dùng vào trong, đem cả những vật quý giá, sang trọng vào cùng.
Trên đường vào thiết lập công cụ tự động bắn cung tên đề phòng kẻ xâm nhập. Còn đem cả thủy ngân đổ xuống để tạo thế như sông Hoàng Hà, Trường Giang chảy ra biển lớn. Trên có trời cao dưới có đất vững, đem dầu cá đốt làm đèn, với tính toán khi vọng sao cho đèn cháy mãi về sau”. Nếu nhìn vào những gì Tư Mã Thiên viết trong “Sử Ký”, thì như thể ông là một nhân chứng sống tham gia xây dựng dù thời đại Tần Thủy Hoàng trước ông cả trăm năm.
Tư Mã Thiên là người được đọc rất nhiều sách văn sử, trong số đó chắc chắn có sách vở còn được lưu giữ từ thời nhà Tần dù sách vở, tư liệu thời đại này đã bị lửa thiêu trụi. Đặc biệt, với một đại công trình như lăng mộ đế vương Tần Thủy Hoàng thì đương nhiên phải có sự tính toán kỹ lưỡng trong thiết kế và thi công. Những tính toán đó sẽ được ghi lại trong nhiều tài liệu và lưu giữ trong cung, từ việc thiết kế ra sao, khảo sát thế nào, gặp trục trặc gì, số lượng người tham gia là bao nhiêu, sử dụng vật liệu gì... tất cả đều phải được chép lại.
Như đã nhắc đến ở trên, khi đánh chiếm thành Hàm Dương, quân lính và tướng sĩ của Lưu Bang đã tiến hành cướp bóc của cải, vũ khí, nô lệ để mang đi chứ không hề quan tâm đến tư liệu và sách vở. Chỉ có Tiêu Hà – là quân sư phò tá Lưu Bang, sau này là thừa tướng đầu tiên của nhà Hán đã sai người đi tìm và đem mọi văn vật, tài liệu, sách vở quý giá trong kinh đô nhà Tần đem về cất giữ. Trong đó, có cả các tài liệu ghi chép lại quá trình xây dựng lăng mộ bề thế kia. Và đây là một may mắn cho các học giả hậu thế, bao gồm cả Tư Mã Thiên. Ông đã dựa vào các tài liệu này để phân tích, nghiên cứu và tổng hợp rồi đưa vào bộ Sử ký nổi tiếng của mình.
Ý kiến khác cho rằng, những điều được ghi chép trong Sử ký của Tư Mã Thiên là dựa vào những câu chuyện trong dân gian. Nghe có vẻ hơi thiếu thuyết phục về mặt khoa học nhưng việc dựa vào những câu chuyện dân gian để tìm hiểu lịch sử vẫn khả thi.
Đầu tiên, phải nhìn lại quá trình xây dựng lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Quá trình này kéo dài tới 38 năm, huy động 700.000 lượt người. Nếu một người đàn ông khỏe mạnh bắt đầu xây lăng từ năm 20 tuổi thì khi lăng mộ hoàn thành anh ta cũng đã 60 tuổi (mà với tuổi thọ trung bình thời xưa thì sống đến 60 tuổi là khá hiếm).
Vậy thì khó có chuyện một người sẽ tham gia từ đầu đến cuối. Những nhóm người, lượt người sẽ thay nhau đến để làm thợ xây dựng lăng. Hơn nữa, hầu hết những người đến làm việc là những thành phần bị coi thường trong xã hội, chủ yếu là tù nhân, hàng binh, nông dân không còn ruộng đất...
Trong điều kiện kham khổ và nguy hiểm khi làm việc ở công trình lăng mộ, có nhiều người đã chống đối và trốn thoát. Việc giữ bí mật cho dù là đã sử dụng biện pháp tàn bạo cũng khó lòng che giấu được mọi thông tin. Thêm vào đó, việc lựa chọn địa điểm xây lăng và chỉ đạo quá trình tiến hành xây dựng ban đầu được trao cho Lã Bất Vi. Đến khi Tần Thủy Hoàng hoàn thành cuộc chiến thống nhất Trung Hoa thì lại được giao cho Tả thừa tướng Lý Tư.
Rồi đến khi Tần Thủy Hoàng chết thì con trai ông là Tần Nhị Thế vẫn tiến hành tu bổ, sửa sang lại lăng, cho trồng rất nhiều cây để ngụy trang thành một quả đồi. Như vậy, lăng mộ tuy xây xong nhưng sau đó vẫn cần có người chăm sóc, cải tạo.
Khi nhà Tần suy vong, các cuộc khởi nghĩa nổ ra uy hiếp triều đình thì Tần Nhị Thế cần có lực lượng đàn áp, thừa tướng quyền lực nhất dưới thời Tần Nhị Thế là Triệu Cao đã hiến kế rằng để có thêm lực lượng bảo vệ triều đình và dập tắt khởi nghĩa thì có thể huy động cả những người đang tham gia trông giữ, tu sửa lăng mộ. Tần Nhị Thế đồng ý. Như vậy là những người biết và đang làm các công việc liên quan đến lăng Tần Thủy Hoàng đã tham gia vào quân đội chứ không bị thủ tiêu. Đó có lẽ là phần nào lý do khiến cho những chi tiết liên quan đến lăng mộ của Tần vương không hoàn toàn bị giấu kín.
Một tài liệu cổ thời Tần được khai quật trong khu lăng mộ. |
Bảo tồn lăng mộ hoàng đế Trung Hoa
Theo một nghiên cứu do Chính phủ Trung Quốc tài trợ, các tia vũ trụ có thể giúp các nhà khảo cổ học xác định buồng bí mật lưu giữ hài cốt và bảo vật của Tần Thủy Hoàng. Nghiên cứu này cần ít nhất hai thiết bị dò tia vũ trụ đặt ở các vị trí khác nhau dưới bề mặt mộ khoảng 100 mét. Những thiết bị này, có kích thước bằng một chiếc máy giặt, có thể phát hiện các hạt hạ nguyên tử (subatomic particle) có nguồn gốc vũ trụ xuyên qua mặt đất. Sử dụng tia vũ trụ trong khảo cổ học là một khái niệm đã có từ những năm 1960. Các nhà vật lý thiên văn phát hiện ra rằng, các tia vũ trụ có thể va vào các phân tử không khí và tạo ra một loại hạt được gọi là “muon” (hạt cơ bản tương tự như electron) có thể xuyên qua hầu hết mọi thứ.
Hạt “muon” có cơ hội bị hấp thụ cao hơn khi đi qua các vật liệu dày đặc hơn. Bằng cách so sánh số lượng hạt “muon” mà một máy dò nhận được từ nhiều góc độ khác nhau, các nhà khảo cổ có thể phát hiện ra những cấu trúc rỗng, chẳng hạn như các khoang hoặc lối đi ẩn trong một tòa nhà. Nhưng ý tưởng chủ yếu vẫn là lý thuyết vì các hạt “muon” không dễ phát hiện. Và trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã phải dựa vào các thiết bị cồng kềnh, lớn như một căn phòng, khiến cho việc ứng dụng thực địa trở nên khó khăn.
Trong những năm gần đây, nhờ những tiến bộ trong vật lý hạt, kích thước của máy dò tia vũ trụ đã thu nhỏ đáng kể. Năm 2017, một nhóm khảo cổ ở Ai Cập đã phát hiện ra một căn phòng dài 30 mét trong kim tự tháp 4.500 năm tuổi bằng một thiết bị di động. Tuy nhiên, cách tiếp cận tia vũ trụ không phải là không có thách thức, theo đó các thiết bị dò tìm phải được đặt ở độ sâu thích hợp mà không ảnh hưởng đến cấu trúc hoặc đồ tạo tác bên trên. Và không giống như các phương pháp phát hiện khác có thể thu được kết quả gần như ngay lập tức, các máy dò “muon” phải ở vị trí đủ lâu mới có thể thu thập đủ số lượng hạt để phân tích.
Vì vậy, cho dù có ứng dụng khoa học tiên tiến bậc nhất hiện nay, việc khai thác và tìm hiểu những “ẩn số” xoay quanh lăng mộ với tổng diện tích gấp 70 lần Tử Cấm Thành của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng vẫn luôn là thách thức lớn đối với các nhà khảo cổ học. Nhất là khi chính quyền Trung Quốc hiện nay đã nghiêm cấm việc tiến hành khai quật ở tầng sâu đối với lăng mộ của Tần Hoàng đế.
Tần Thủy Hoàng lên ngôi năm 13 tuổi và trở thành hoàng đế năm 38 tuổi. Thay vì tiếp tục xưng vương như các vị vua thời nhà Thương và nhà Chu, để đánh dấu mốc cho việc thống nhất Trung Hoa và chứng tỏ nhà Tần còn vĩ đại hơn các triều đại trước, ông tự tạo ra một danh hiệu mới là “Hoàng đế” và tự gọi mình là Thủy Hoàng đế.
Sau đó, Tần đế đã thông qua một loạt cải cách lớn về kinh tế và chính trị, bao gồm thiết lập hệ thống quan lại nắm quyền ở địa phương do triều đình chỉ định thay vì phân chia ban tước cho các quý tộc như trước kia, cho phép nông dân sở hữu đất, thống nhất hệ thống đo lường, tiền tệ, đi lại, đồng thời xây dựng hệ thống luật pháp chặt chẽ.
Tần Thủy Hoàng đã tiến hành nhiều đại dự án, bao gồm việc xây dựng trường thành ở phương bắc, đặt nền móng cho Vạn Lý Trường Thành, kênh Linh Cừ, cung A Phòng... Những chính sách này đặt nền móng thống nhất lâu dài cho nước Trung Hoa rộng lớn sau gần 500 năm chia cắt và chiến tranh liên miên, nhưng với cái giá phải trả là rất nhiều mạng người và sự lao dịch mệt nhọc, nỗi oán hận của người dân.