|
Trước tiên là việc Apple dùng việc khởi kiện lên lên toà án ở một số quốc gia Châu Âu để ngăn cản tập đoàn Samsung của Hàn Quốc không tung ra thị trường nhiều nước châu Âu sản phẩm máy tính bảng Galaxi Tablet 10. Lý do mà Apple đưa ra đơn giản chỉ là hình dáng chiếc máy tính bảng của Samsung "trông giống" máy tính bảng iPad của Apple. Vậy mà toà án ở Đức và Hà Lan phân xử cho Apple thắng cuộc.
Mới đây nhất là việc Apple doạ sẽ khởi kiện một quán cà phê nhỏ ở thành phố Bonn (Đức). Quán cà phê này chỉ rộng có 100 mét vuông và Bonn cũng chẳng phải thành phố lớn ở nước Đức. Quán này có tên là Apfelkind, tạm dịch là “Quả táo con”. Lô gô của quán là một quả táo mầu đỏ với hình ảnh đầu một đứa trẻ màu trắng, không có vết cắn dở như lô gô của tập đoàn Apple, nhưng cũng sử dụng hình ảnh quả táo, dưới đó là dòng chữ “Quả táo con”. Cô chủ quán 33 tuổi đã xin đăng ký bản quyền lô gô và nhãn hiệu, nhưng cơ quan phụ trách bản quyền và sở hữu trí tuệ ở Đức chưa kịp xem xét công nhận thì Apple đã có ý kiến.
Trong trường hợp này, Apple cũng lập luận là khách hàng rất dễ bị nhầm bởi cả trong hình ảnh lô gô lẫn trong dòng chữ thuộc về lô gô đều có liên qua đến quả táo.
Đúng là Apple cho tới nay đã nổi tiếng khắp thế giới và trở thành một trong những thương hiệu sáng giá nhất thế giới. Đúng là nghe tới quả táo, thiên hạ hoặc ít nhất trên thương trường liên tưởng ngay đến tập đoàn Apple. Nhưng nếu chỉ vì thế mà coi hình ảnh về quả táo và cả chữ quả táo là của riêng Apple thì lại là chuyện cần phải bàn nhiều cả về pháp lý lẫn văn hoá. Liệu Apple có được công nhận sở hữu độc quyền về hình ảnh trái táo và dòng chữ "quả táo" hay không?
Samsung là tập đoàn lớn và một đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất của Apple đã đành, nhưng Apfelkind chỉ là một quán cà phê nhỏ ở tỉnh lẻ. Nhưng lớn không tha và bé cũng chẳng thương thì thương trường thậm chí còn không khoan nhượng hơn cả chính trường./.
Mạc Thầy