Bị cáo buộc “lừa đảo” bằng thiệt hại…“tưởng tượng”

(PLO) - Dù chưa mất đồng nào để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (trả nợ thay) cho Cty Cổ phần Hưng Sơn nhưng Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Chi nhánh khu vực Bắc Ninh - Bắc Giang lại được Cơ quan điều tra  xác định “bị thiệt hại 4,1 tỷ đồng”, để rồi Giám đốc Cty Hưng Sơn bị quy là “lừa đảo”, bị khởi tố và tạm giam gần 16 tháng.
Bị can Thân Văn Hưng
Bị can Thân Văn Hưng
Hình sự hóa “quan hệ tín dụng”?
Cuối năm 2012, dưới sự bảo lãnh của VDB Bắc Ninh - Bắc Giang, Cty Hưng Sơn (trụ sở tại huyện Yên Dũng, Bắc Giang) ký hợp đồng vay  6,5 tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Thịnh Vượng - Chi nhánh Bắc Giang (VP Bank Bắc Giang) để kinh doanh nước mắm Nam Ngư.
Tháng 5/2011, quá hạn mà Cty Hưng Sơn mới trả được gần 2,4 tỷ (còn 4,1 tỷ nợ gốc và lãi), VP Bank Bắc Giang đã tố cáo Giám đốc Cty Hưng Sơn Thân Văn Hưng và Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trường Sơn về hành vi “chiếm đoạt” trên 4,1 tỷ đồng tiền nợ gốc.
Từ đơn tố cáo này, 6 tháng sau CQĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Thân Văn Hưng về tội “Lừa đảo tài sản chiếm đoạt tài sản”. 
Nhưng tài liệu lại cho thấy, quá trình vay 6,5 tỷ nêu trên thì Giám đốc Cty Hưng Sơn không có bất cứ việc làm gian dối nào để lừa VP Bank Bắc Giang. Ý thức chiếm đoạt tiền vay cũng không có bởi Cty Hưng Sơn đã sử dụng tiền vay đúng mục đích (tiền từ VP Bank chuyển thẳng cho bên bán nước mắm), bản thân Giám đốc cũng không bỏ trốn…
Mặt khác, theo điều khoản của hợp đồng thì khi Cty Hưng Sơn không trả được nợ, VP Bank Bắc Giang được thu hồi nợ bằng cách xử lý tài sản bảo đảm, tức là được yêu cầu VDB Bắc Giang - Bắc Ninh thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho Cty Hưng Sơn theo Chứng thư bảo lãnh. 
Rất tiếc, khi thấy Cty Hưng Sơn không trả nợ đúng hạn, VP Bank Bắc Giang không thực hiện theo quy trình trên mà vội vàng tố cáo khách hàng “chiếm đoạt” tiền của mình. Không hiểu sao CQĐT lại vội “hình sự hóa” quan hệ tín dụng này để khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại VP Bank Bắc Giang” (VP Bank Bắc Giang được coi là bị hại của vụ án).
Có lẽ nhận thấy việc khởi tố trên là không đúng vì bị can Hưng không có hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền vay của VP Bank Bắc Giang nên CQĐT đã thay đổi quyết định khởi tố để “chuyển” địa điểm xảy ra vụ án từ “VP Bank Bắc Giang” sang “VDB Bắc Ninh - Bắc Giang”. 
Hưng bị cáo buộc “có hành vi gian dối” trong việc làm hồ sơ đề nghị bảo lãnh nên VDB Bắc Ninh - Bắc Giang đã “mất” hơn 4,1 tỷ đồng, tức là ngân hàng cấp chứng thư bảo lãnh trở thành người có thiệt hại chứ không phải ngân hàng cho vay như trước kia.
Phải chăng do CQĐT đã trót “hình sự hóa” một quan hệ tín dụng và tạm giam Hưng nên buộc phải tìm ra một bị hại mới và chuyển hướng truy cứu sang một “quan hệ bảo lãnh” như trên?
“Bị hại” và “thiệt hại” đều không có
Tuy CQĐT xác định VDB Bắc Ninh - Bắc Giang bị thiệt hại hơn 4,1 tỷ đồng do hành vi gian dối, lừa đảo của Hưng và sự thiếu trách nhiệm của nhân viên VDB Bắc Ninh - Bắc Giang, nhưng điều vô lý ở chỗ, cho đến lúc này thì VDB Bắc Ninh - Bắc Giang chưa hề mất một đồng nào trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho Cty Hưng Sơn. 
9 tháng trước khi vụ án được khởi tố, vào tháng 3/2011 VDB Bắc Ninh - Bắc Giang đã có văn bản gửi VP Bank Bắc Giang thông báo hủy bỏ chứng thư bảo lãnh (tức là từ chối trả nợ thay) đối với món nợ 6,5 tỷ của Cty Hưng Sơn vì cho rằng Cty này kinh doanh không đúng cơ cấu hàng hóa theo phương án kinh doanh. 
Chính vì không trả nợ thay một đồng nào nên đến nay, VDB Bắc Ninh - Bắc Giang cũng không hề có đơn tố cáo Hưng cũng như không có đơn yêu cầu Hưng phải bồi thường thiệt hại. Thế mà CQĐT vẫn cho rằng “Hưng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chiếm đoạt số tiền 4,1 tỷ đồng của  VDB Bắc Ninh - Bắc Giang” và “ép” VDB Bắc Ninh - Bắc Giang “là nguyên đơn dân sự trong vụ án này”. Thử hỏi, nếu đã không có thiệt hại thì với tư cách này, VDB Bắc Ninh - Bắc Giang sẽ yêu cầu Hưng bồi thường cái gì?
Ngoài việc chưa bị mất một đồng nào thì trước đây, VDB Việt Nam và VDB Bắc Ninh - Bắc Giang cũng từng có văn bản khẳng định rõ việc thẩm định và chấp thuận bảo lãnh cho Cty Hưng Sơn là theo đúng quy trình.
Đến nay, sau hai lần trả hồ sơ yêu cầu CQĐT điều tra bổ sung thì VKSND tỉnh Bắc Giang vẫn chưa thể ra cáo trạng. Tháng 5 vừa qua, cơ quan này đã có Quyết định trưng cầu giám định để làm rõ thiệt hại về tài chính đối với các khoản do Chủ tịch HĐQT Cty Hưng Sơn duyệt chi (theo tố cáo của bị can Hưng thì do những khoản chi này mà Cty không trả được nợ đúng hạn). Sau đó, lấy lý do “chờ kết luận giám định”, VKSND tỉnh Bắc Giang đã có tiếp Quyết định tạm đình chỉ vụ án và tạm đình chỉ bị can.
Tuy nhiên, bị can Hưng đã khiếu nại Quyết định trên vì cho rằng việc “chờ giám định” trên không phải là căn cứ để tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can theo quy định. Chấp nhận khiếu nại này, VKSND tỉnh Bắc Giang đã “hứa” “sẽ tiến hành phục hồi và tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật”. 
Trao đổi với phóng viên, bị can Hưng cho hay: “Tôi muốn sớm được giải quyết vụ án, nếu xác định tôi không có tội thì phải đình chỉ vụ án, cứ để tôi là thân phận bị can mãi thế này thì tôi không thể làm được gì. Còn nếu kết luận tôi có tội thì các cơ quan tiến hành tố tụng cũng cần thận trọng và xác định rõ tôi chiếm đoạt tiền của ai; đồng thời cũng phải truy cứu hành vi của những thành viên khác trong HĐQT của Cty”.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm