Bi hài “canh trứng” thời sinh con theo ý muốn

Chủ đề rôm rả tại nhiều công sở hiện nay là “canh trứng sinh con”.  Nhiều cặp vợ chồng không ngại bôn ba lên rừng xuống biển, cầu thần cầu thánh, phục tùng mọi chế độ ăn uống kiêng khem để sinh được đúng “công chúa” hay “hoàng tử”.

Chủ đề rôm rả tại nhiều công sở hiện nay là “canh trứng sinh con”.  Nhiều cặp vợ chồng không ngại bôn ba lên rừng xuống biển, cầu thần cầu thánh, phục tùng mọi chế độ ăn uống kiêng khem để sinh được đúng “công chúa” hay “hoàng tử”.

Bôn ba đi cầu tự

Thông thường từ trước đến nay, nhắc đến việc “cầu tự” hoặc “xin con”, người ta hay nghĩ ngay đến những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn hoặc gặp khó khăn trong đường con cái. Tuy nhiên, không ít người khỏe mạnh có khả năng làm bố, làm mẹ một cách dễ dàng nay cũng phải “lao tâm khổ tứ” trong việc sinh đẻ nhằm chọn con theo ý muốn, thỏa mãn mong ước của gia đình có con trai hay con gái.

Canh trứng đang là
Canh trứng đang là "mốt" của những cặp vợ chồng muốn "săn" con theo ý muốn

Bên cạnh chính sách của nhà nước quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có một hoặc hai con, nhiều gia đình cũng muốn sinh ít con để nuôi dạy cho tốt, nhất là trong điều kiện ngày càng bận rộn, gấp gáp, luôn phải quay cuồng với đủ loại vấn đề phát sinh trong công việc và cuộc sống thường nhật. Việc sinh con theo ý muốn do đó càng được đặt lên hàng đầu, đặc biệt sôi nổi trong giới công chức, văn phòng.

Họ ráo riết “săn lùng” đủ mọi cách từ cúng bái tâm linh đến chạy chữa thuốc tây, thuốc bắc, nghe thấy ở đâu có “thầy hay, thuốc tốt” là họ tìm đến, bất kể thời gian, tiền bạc, công sức đổ vào công cuộc sinh con theo ý muốn.

Thấp thỏm “canh” trứng

Hầu như bây giờ ở bất cứ văn phòng, công sở nào cũng nghe thấy chủ đề về “canh me” để đẻ cho “trúng”, từ canh ngày trứng rụng, canh chất lượng “tinh binh”, đến canh ngày giờ “hoàng đạo” để vợ chồng “gặp nhau”. Nhiều kinh nghiệm được đưa ra bàn luận rôm rả những lúc rảnh rỗi, xuất hiện cả những tình huống cười ra nước mắt.

Chị Tâm, một nhân viên kế toán, cho biết: Do tâm lý muốn “chắc ăn” lại có điều kiện kinh tế, rất nhiều cặp vợ chồng không ngại chi tiền, kết hợp nhiều phương pháp để đẻ cho “chuẩn”.

“Canh trứng”, tức là phương pháp theo dõi và kích thích trứng rụng trong tử cung của người vợ để khớp với ngày giờ định sẵn nhằm đảm bảo sự thụ tinh đúng lúc. Trước khi sinh con khoảng vài tháng, những ai có nhu cầu “canh” sẽ được làm các xét nghiệm đầy đủ, các bác sĩ sẽ vạch ra một chế độ bổ sung dinh dưỡng chi tiết, áp dụng cho cả vợ và chồng, mà theo lời quảng cáo là đảm bảo xác suất sinh con theo yêu cầu chính xác đến 80%.

Vì tin tưởng tuyệt đối và phó mặc hết cho “chuyên gia”, các cặp vợ chồng đều cẩn trọng nhất nhất nghe theo lời khuyên, nên mới có nhiều tình huống oái oăm khiến cả người trong và ngoài cuộc đều rơi vào tình huống “tiến thoái lưỡng nan”.

Chị Thủy, nhân viên kinh doanh một công ty xuất nhập khẩu tại Láng Hạ cho biết, hai vợ chồng làm cùng, thường xuyên phải thay nhau đi công tác. Sau một thời gian ăn uống kiêng khem đúng theo lời bác sĩ, đến ngày giờ “đẹp” bác sĩ gọi báo để “hoàn tất giai đoạn cuối” thì hai vợ chồng lại đang công tác ở hai nơi khác nhau, đành “bó tay”.

Hoặc có lần cùng ở nhà nhưng lại gặp cuối tháng công việc quyết toán, tổng kết căng thẳng mệt mỏi, về nhà chỉ muốn lăn ra ngủ, dù cố thế nào, hai vợ chồng cũng không thể “hoàn thành nhiệm vụ được giao”, đành phải đợi đến kỳ rụng trứng tháng sau.

Trường hợp anh Lê Hà, ngụ tại Kim Đồng lại chia sẻ, cơ quan anh cũng có nhiều trường hợp anh em đang “canh” để có con, khổ sở đủ đường. Cứ đến dịp tổng kết, liên hoan công ty, hay đúng lúc mấy anh em rủ nhau đi nhậu, những anh này lại xin khất về nhà vì “có nhiệm vụ”.

Nghe nói trong quá trình này phải kiêng bia rượu và một số thức ăn tanh. Hay có người dù đang bận việc, có đối tác hay cuộc họp quan trọng, nhưng nghe bác sĩ gọi là lập tức tìm đủ mọi cách xin về “không lỡ việc”.

Bày mưu tính kế “bẫy” chồng “làm nhiệm vụ”

Bên cạnh những “ca” có sự đồng tâm hiệp lực của cả hai vợ chồng, không hiếm gia đình chủ ý “canh con” là của riêng một người. Thường người vợ hay chịu khó tìm tòi, theo đuổi các chương trình “sinh con theo ý” với mong muốn có thể sinh cho nhà chồng một thằng cu nối dõi tông đường.

Các chị cũng là những người kiên nhẫn hơn trong công cuộc “săn” con. Không ít ông chồng cảm thấy mệt mỏi phát nản sau nhiều lần “thực hành” không có kết quả, lại thêm công việc căng thẳng thường tìm cách trốn lịch mà bác sĩ đã vạch ra. Người vợ muốn hoàn thành kế hoạch đành phải “bày mưu tính kế”.

Thế nên mới có trường hợp, giữa trưa nắng gay gắt, chồng đang đi công tác ở tận Hải Dương, thấy vợ gọi về gấp kèm thông báo đang nằm bẹp vì tai nạn giao thông. Người chồng bỏ hết công việc hộc tốc quay về Hà Nội, nhưng đến nhà lại vợ bình an vô sự tươi cười ra đón, hóa ra gọi chồng về chỉ vì “đến giờ” theo dặn dò của bác sĩ. Vừa ức, vừa tức cười.

Vẫn biết mong ước sinh con khỏe mạnh, thông minh, “có nếp có tẻ” là mơ ước chính đáng của tất cả các bậc làm cha làm mẹ, nhưng xưa nay các cụ có câu “con cái là lộc trời ban” để đề cao tính tự nhiên của quá trình sinh nở.

Việc nhiều gia đình can thiệp quá mức để có con gái hay con trai không chỉ gò ép trái tự nhiên, nhiều khi còn không được như mong muốn dẫn đến tâm lý thất vọng, chán ghét.

Sự phân biệt trai gái của người cha người mẹ là điều tàn nhẫn đầu tiên và đáng trách nhất mà họ mang lại cho những đứa con do chính họ sinh ra.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm