Tết đã qua đi, nhưng nhiều tân lang, tân nương ngồi ngẫm lại thấy Tết chẳng vui như mong đợi. Vì những tình huống dở bi, dở hài do hoàn cảnh và do chính họ đưa lại...
Anh chúc thế nghĩa là sao?
Tết năm nay là cái Tết đầu tiên, anh Nguyễn Văn Phong ở Gia Viễn, Hà Nam dự cái Tết của một gia đình Hà Nội gốc. Vì vợ mới cưới của anh vốn là một thiếu nữ ở phố Hàng Đường nhưng không theo nghề buôn bán của gia đình mà làm tại ngân hàng và quen anh Phong ở đó.
|
Tết đã qua đi nhưng nhiều tân lang, tân nương vẫn bần thần vì những tình huống dở khóc dở cười. |
Vốn trai quê, cái Tết đối với anh Phong đơn giản chỉ là nồi bánh chưng, là tiếng lợn kêu eng éc của mấy nhà chung nhau gói giò, làm chả, là những câu chúc rất đỗi thân tình nhưng cũng rất chân quê.
Biết tính chồng nên sau khi hoàn thành cái Tết ở quê chồng xong, mùng 2 về lại Hà Nội, Loan, vợ Phong, đã rủ rỉ dặn dò: “Anh nhớ để ý lời ăn tiếng nói đấy nhé, chứ bà với mẹ em là kỹ tính lắm đấy. Tốt nhất là anh cứ theo sát em”. Gật gù với vợ nhưng trong lòng Phong lại nghĩ “chỉ được cái dọa nhau, Tết ở đâu chả vậy”.
Tối mùng 2, bước chân vào nhà ông bà nhạc, đông nghịt họ hàng đến chúc Tết, Phong bất giác cũng thấy hơi run, nên vợ chào ai, chúc thế nào, anh nhắc lại như hệt. Chúc Tết xong, vợ đi xuống bếp, để lại mình Phong trên phòng khách. Ngượng nghịu chân tay chẳng biết làm gì, Phong lùi về cái ghế sát cầu thang ngồi đọc báo Tết.
Đọc chưa hết một bài, nghe tiếng bước chân hóa ra bà ngoại của vợ đang chậm rãi đi xuống. Bà trông vẫn rất anh tinh dù cao tuổi. Phong chạy đến đỡ bà, mồm nhanh nhẩu nói: “Cháu chào bà ạ. Năm mới chúc bà trăm tuổi ạ!” giống như lời chúc dành cho người già ở quê anh. Nào ngờ, bà đang đi bỗng dừng phắt lại, nhìn thẳng vào mặt thằng cháu rể, đanh giọng: “Này anh, Tết này tôi đã 99 rồi đây. Thế cứ theo lời anh chúc thì tôi sắp đi với các cụ rồi phỏng? Anh chúc thế nghĩa là sao?”.
Mẹ vợ đứng gần ngay đó, nghe thủng câu chuyện giữa hai người liền đưa mắt lườm con rể. Phong như chết sững, tự trách mình sao yêu nhau lâu là thế, rồi đã thành vợ chồng mà chưa bao giờ nhớ hỏi xem bà ngoại của vợ bao nhiêu tuổi.
"Phi vụ đũa bay"
Thực hiện đúng lời hứa “ra giêng anh đón em”, chú rể của Phương, y tá của một bệnh viện ở Hà Nội, đón dâu vào cuối tháng một Dương lịch. Có nghĩa cái Tết nguyên đán này đối với Phương là Tết đầu tiên của cô dâu mới về nhà chồng.
Bữa cơm tất niên, mẹ chồng có ý thử Phương nên giao cho cô ở nhà làm thịt hai con gà rồi luộc xé phay để bà đi chợ chuẩn bị các món khác. Vâng vâng, dạ dạ nhưng lòng Phương thắt lại vì lo vì trước nay cô đã mấy khi vào bếp. Thế nhưng, trước đây khi dẫn vợ tương lai về ra mắt gia đình, Thảo - chồng Phương, từng khen nức nở tài nấu ăn của vợ.
Mà khen cũng phải thôi, vì mỗi bữa cơm mà Thảo được ăn ở nhà Phương đều là công sức của... ba cô bạn thân lăn vào giúp khổ chủ cả một buổi chiều. Để rồi Thảo vừa thích thú thưởng thức những món do bạn của vợ nấu, vừa nhìn vợ tương lai vẫn còn đeo chiếc tạp dề trước ngực như thể đảm đang lắm, với ánh mắt yêu thương.
Thần người trước hai con gà, thực sự Phương không biết nên bắt đầu từ đâu. Cô thầm oán mình đã không thật thà về “tài nghệ” nấu nướng để rồi bị rơi vào bẫy của chính mình. Nhoáng một cái mẹ chồng đã đi chợ về. Nhìn hai con gà còn nguyên và bản mặt của con dâu, bà đã đoán ra tất cả. Thôi đành phải dạy từ đầu vậy.
Nhưng nào đã hết, đến bữa cơm, xắn bánh chưng thế nào mà Phương lại làm gãy đũa. Báo hại nửa chiếc đũa vẫn còn cắm ngập trong bánh, còn nửa kia thì banh vèo chui tọt vào lòng bố chồng đang ngồi rung đùi uống rượu với con trai. Nhìn ánh mắt hốt hoảng của cô dâu mới, bất giác cả nhà chồng Phương phì cười...
Bị mắng sáng mùng một vì... mừng tuổi
Cũng là dâu mới, nhưng chị Đức Hạnh không đến nỗi đoảng vị như thế. Có lẽ do chị xuất gia khi tuổi cũng bắt đầu cứng nên mọi chuyện đều xuôi chèo mát mái.
Thế nhưng, chị cũng có kỷ niệm đáng nhớ với nhà chồng vào cái Tết đầu tiên làm dâu. Số là kinh tế hai vợ chồng khá xông xênh nên sáng mùng 1 Tết, chị để hẳn mỗi phong bao 1 triệu đồng để mừng tuổi bố mẹ chồng, mà nào ngờ gia đình chồng nhà chị vốn có truyền thống tiền phát vốn đầu năm chỉ để lấy hên thôi, chứ không chú trọng vào giá trị đồng tiền nên chỉ để mấy đồng tiền lẻ 5.000,10.000 đồng.
Kính cẩn đưa hai phong bao lì xì cho mẹ chồng, cùng lời chúc tốt đẹp, chị Hạnh rất yên tâm. Nào ngờ, mẹ chồng chị, do nếp nhà nên cứ tưởng tiền mừng tuổi Tết là lấy lệ như mọi năm, bà để lẫn phong bao lì xì vào mấy phong bao mà bà chuẩn bị mừng tuổi khi có khách.
Khi có mấy đứa trẻ hàng xóm tới chơi, bà mẹ chồng rút phong bao mừng tuổi mà quên mất hai phong bao lì xì của cô con dâu vừa đưa...
Vào bữa cơm đầu năm, khi chị Hạnh ý tứ nói nhỏ mẹ cất tiền đi để ông bà đi vãn cảnh chùa đầu năm thì bà mới tá hỏa cả lên. Hôm ấy cả nhà mất bữa vì mẹ chồng chị Hạnh tiếc của lặn lội đi khắp nhà mấy người hàng xóm tới chơi dò hỏi, đâm ra cả người hỏi lẫn người được hỏi đều ngại ngùng.
Ra về công cốc vì không thể truy ra hai chiếc phong bao 2 triệu đồng đã mừng lẫn cho ai, bà quay lại trách con dâu “người đâu mà tiêu hoang thế”, khiến chị Hạnh nước mắt lưng tròng vì bị mắng ngay sáng mùng một.
Hạnh Quyên