Bi hài chuyện "độc chiếm gái làng"

Từ một quan niệm văn hóa, cái lệ “trai làng giữ gái làng” ngày nay đã có nhiều biến tướng, cần phải được nhìn nhận, đánh giá lại.

Từ một quan niệm văn hóa, cái lệ “trai làng giữ gái làng” ngày nay đã có nhiều biến tướng, cần phải được nhìn nhận, đánh giá lại.

Từ bi hài…

Đối với những chàng trai có ý định lấy gái làng bên làm vợ, chuyện bị cản trở bởi những anh chàng “bản xứ” dường như là điều không thể tránh khỏi. Những “quái chiêu” mà họ sử dụng đã “cản phá thành công” những đôi thiếu kiên trì, thiếu quyết tâm và…bản lĩnh thép!

Anh Nguyễn Tiến T. (huyện Đông Hưng, Thái Bình) từng dở khóc dở mếu khi đến chơi nhà bạn gái ở xã bên. Đầu làng có con mương nhỏ. Hôm đầu tiên đến, anh bị hội trai làng ấy bắt “đi tàu ngầm”: không được đi trên đường làng, mà phải lội xuống mương.

“Cái mương nước cạn nhưng bẩn, toàn bèo tây. Lội được một đoạn thì trèo lên. Quần dài ướt sũng, ngứa ngáy. Thế là đành ra về” - anh T. nhớ lại.

“Hôm sau đến, mình rút kinh nghiệm mang theo một bộ quần áo khô dự phòng. Nhưng bọn họ lại bắt lội xuống mương ấy bắt lên…2 con ốc, 1 con đực, 1 con cái thì mới được vào làng. Mình bắt được 3 con nhưng toàn…ốc đực. Thế là lại ra về. Cay lắm nhưng nghĩ còn đi lại lâu dài, cũng ngậm bồ hòn làm ngọt cho qua chuyện. Chắc thấy mình hiền, lại kiên trì nên tụi ấy... thương, hôm sau đến không thấy ai cản đường nữa”. Những chuyện này cho đến khi hai người cưới nhau anh mới dám kể với vợ.
Hiện tượng dùng bạo lực để “giữ gái làng” rõ ràng là “cần được loại bỏ càng sớm càng tốt, trước khi nó trở thành làn sóng bạo lực ở nhóm thanh niên nông thôn”.
Hiện tượng dùng bạo lực để “giữ gái làng” rõ ràng là “cần được loại bỏ càng sớm càng tốt, trước khi nó trở thành làn sóng bạo lực ở nhóm thanh niên nông thôn”.
Không may như anh T., anh Trần Hữu Q. (huyện Đông Triều, Quảng Ninh) không một lần dám trở lại ngôi làng của cô bạn gái ở xã Hồng Phong và bỏ hẳn ý định tán tỉnh. “Lần đầu đến chơi nhà nàng, mình khăn áo chỉnh tề, áo sơ mi cắm thùng, giày đen đĩnh đạc. Thế mà đám trai làng ấy xúm lại, giữ xe, bảo muốn vào được nhà em Lan thì phải qua một vòng thử thách.Không ngờ họ bắt mình xắn quần đến đầu gối, vừa đi vừa hát từ đầu đến cuối làng. Trời ơi! Tưởng tượng mà xem, giày đen, quần xắn ống thấp ống cao vừa đi vừa hát! Thật là làm trò cười cho thiên hạ. Nhưng nghĩ đến cảnh được gặp nàng và cả chiếc xe đang bị giữ, đành nhắm mắt làm theo. Trong số đám người kéo ra nhìn ngó, tôi nhận ra em Lan đang đứng chết trân nhìn mình. Thế là ba chân bốn cẳng quay đầu chạy”. Còn vô số những “quái chiêu” khác mà trai làng bản xứ thường sử dụng để ngăn cản trai làng khác đến tán gái làng mình, như hò nhau khênh “nạn nhân” nhúng... mông quần xuống rãnh nước, bắt đi giật lùi vài vòng quanh làng, hoặc lôi vào quán để “liên hoan mừng gặp mặt”… …Đến ngày càng hung hãn Đó là những câu chuyện ít nhiều mang tính chất hài hước. Nhưng theo thời gian, mức độ hung hãn, côn đồ ngày càng tăng. Chỉ trong vài năm gần đây, đã có không ít những vụ án đau lòng đã xảy ra xung quanh việc “giữ gái làng”. Chưa có một con số thống kê chính thức, song những vụ án như vậy đã và đang xảy ra ở rất nhiều làng quê. Người dân huyện Đan Phượng (Hà Tây cũ) ngày 20/4/2008 kinh hoàng phát hiện thi thể anh Nguyễn Ngọc Minh (xã Liên Hồng, Đan Phượng) nằm gục chết dưới mương. Qua điều tra, cơ quan công an xác định hung thủ là Uông Xuân Hưng, thấy anh Minh đến đón bạn gái là người làng mình đã gọi người chặn đường, hành hung. Anh Minh bị gạch ném vỡ đầu, ngã xuống mương nước và tử vong. Cũng đã hơn 1 năm trôi qua, nhưng người dân xóm 4, xã Nghĩa Lợi (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ án đẫm máu mà 6 thanh niên trong xóm gây ra. Nhóm này khi thấy 4 thanh niên xã Nghĩa Trung sang "tán" gái làng mình đã dựng chướng ngại vật cản đường. Cuộc hỗn chiến xảy ra khiến 1 người chết, 3 người khác bị thương nặng. Cả 6 đối tượng đều phải nhận bản án nghiêm khắc với tội danh giết người đặc biệt nghiêm trọng, trong đó nặng nhất là 17 năm tù giam. Các bị cáo phải bồi thường cho gia đình nạn nhân 68.400.000 đồng. Có trường hợp hy hữu, do tức giận không được chỉ đường vào nhà bạn gái, lại bị hành hung đã gọi bạn đến trả thù, gây náo loạn cả một làng quê xã Đan Hà (huyện Hạ Hòa, Phú Thọ).“Nói chung, đã đến chơi làng khác thì phải đề phòng. Nhẹ thì “củ đậu bay”, mà nếu không biết điều có khi xảy ra án mạng!” – anh K. (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) tỏ ra “kinh nghiệm”. Rõ ràng, chuyện “giữ gái làng” đã vượt ra ngoài mục đích ban đầu, trở thành những vụ việc nhuốm màu bạo lực. Đã đến lúc phải có cái nhìn mới về hiện tượng này.“Do lệch lạc trong suy nghĩ và xu hướng bạo lực” Lý giải về những biến tướng của hiện tượng “trai làng giữ gái làng” hiện nay, Tiến sỹ Văn hóa Nguyễn Ánh Hồng (Học viện Báo chí – Tuyên truyền) cho rằng, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của lối sống “thích bạo lực” của một bộ phận giới trẻ ngày nay. Theo bà Hồng, đây vốn là một quan niệm văn hóa, xuất phát từ tính tự trị của cộng đồng làng Việt. Người nông dân muốn giữ văn hóa, cũng như bí quyết nghề nghiệp nên đặt ra những rào cản hôn nhân với người nơi khác. Nhưng những rào cản đó chỉ mang tính thử thách bản lĩnh, lòng kiên trì và quyết tâm của các chàng trai mà thôi. Ngày xưa, người ta tổ chức ra những cuộc thi như đấu võ, đấu vật để thử thách. Còn khi đã được phép cưới, chàng trai sẽ lát một đoạn đường gạch để ghi nhớ nơi sinh thành, khôn lớn của vợ mình. Đây cũng có thể coi là một hành động văn hóa đáng giữ gìn. Thế nhưng ngày nay, có những nhóm thanh niên chỉ cần thấy người nơi khác đến “tán” gái làng mình là... đánh. “Đánh tuốt! Đánh cho chúng nó biết đất này có chủ chứ” – Nguyễn Văn D. (21 tuổi, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) hùng hồn tuyên bố. D. cầm đầu nhóm trai làng, cứ tối đến là ngồi ở đầu làng “đón khách”. “Thực ra bọn tớ cũng chẳng thích thú gì mấy cô ở làng, nhưng mà làm sao có thể để bọn làng khác đến “ăn” dễ dàng thế được. Đứa nào đến đây mà không biết điều, ngứa mắt thì đánh thôi”. “Biết điều?”. “Tức là phải ngoan, biết làm trò vui và chịu chi”. Còn Nguyễn Sĩ S. (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) thì khác. Cậu thích một cô ở làng nhưng không được. Thế là “không ăn được thì đạp đổ”, tất cả những chàng trai đến tán tỉnh cô gái đó đều phải “làm trò vui”. Và kết quả là sau một thời gian chẳng còn ai dám bén mảng đến. Bố mẹ của X. (tên cô gái) thì vừa tức, vừa lo con gái “cứ thế này rồi quá lứa lỡ thì”. Tiến sỹ Hồng cho rằng, suy nghĩ kiểu “không ăn được thì đạp đổ” hay “đánh cho đỡ ngứa mắt” thể hiện thói ích kỷ cá nhân, làm mất đi vẻ đẹp của văn hóa truyền thống. Còn hiện tượng dùng bạo lực để “giữ gái làng” rõ ràng là “cần được loại bỏ càng sớm càng tốt, trước khi nó trở thành làn sóng bạo lực ở nhóm thanh niên nông thôn”.
Theo VietNamNet

Đọc thêm