Bi hài chuyện mua đất… ngoại thành

Chưa bao giờ giá đất ven đô của Hải Phòng thuộc các huyện An Dương, An Lão, Thủy Nguyên hay các quận mới như Hải An, Dương Kinh lại sôi động như những tháng đầu năm 2010. Khắp làng trên xóm dưới, nhà nào cũng râm ran bàn tán về mua mảnh đất này, bán mảnh đất kia. Trong guồng quay “tít mù” ấy, cũng lắm chuyện bi hài, có “kẻ khóc, người cười”.

Chưa bao giờ giá đất ven đô của Hải Phòng thuộc các huyện An Dương, An Lão, Thủy Nguyên hay các quận mới như Hải An, Dương Kinh lại sôi động như những tháng đầu năm 2010. Khắp làng trên xóm dưới, nhà nào cũng râm ran bàn tán về mua mảnh đất này, bán mảnh đất kia. Trong guồng quay “tít mù” ấy, cũng lắm chuyện bi hài, có “kẻ khóc, người cười”.

Khu dân cư Mỹ Đồng (Thủy Nguyên)

                                                                                  Ảnh: Duy Thính

                                                    

Giá tăng ngất ngưởng

 

Những năm trước, những lô đất vùng ven nội thành của Hải Phòng thuộc các huyện An Dương, Thủy Nguyên, An Lão và một số quận mới như Dương Kinh, Hải An không phải là sự ưu tiên lựa chọn của thị trường bất động sản thành phố. Nhưng chỉ trong những tháng đầu năm 2010, giá đất ở những khu vực này bỗng tăng vùn vụt.

 

Trong vai một khách hàng có nhu cầu mua đất, chúng tôi theo số điện thoại chỉ dẫn (được dán nhan nhản tại các vùng ven đô) tới xem đất tại xã An Đồng (huyện An Dương). Tay môi giới tỏ ra hờ hững “quát” 9 triệu đồng/m2, dường như nhận thấy sắc mặt của chúng tôi biến chuyển, gã vỗ vai vẻ thân tình: "Giá đất bây giờ tăng từng ngày, chỉ nay mai có con đường chạy qua, lúc đó 20 triệu đồng/m2 cũng không còn  mà mua". Vị này còn lấy đường Máng Nước cũng nằm trên địa bàn xã An Đồng ra làm ví dụ so sánh. Cách đây chưa lâu, dọc con đường mới dài khoảng 5 cây số (nối từ ngã tư Nguyễn Văn Linh đến thị trấn An Dương) giá đất rất… "bèo". Nhưng, vào thời điểm này, giá leo tới trên 20 triệu đồng /m2, nhưng chỉ có người hỏi mua chứ không ai dám bán, vì nghĩ giá còn lên nữa.

 

Trong khi đó, chỉ so sánh với đất "dự án" khu vực liền kề là thấy ngay điều bất hợp lý. Ven 2 bên đường Máng Nước, có nhiều dự án nhà ở gồm hàng trăm lô đất đã xong giai đoạn hạ tầng, đường sá bổ ngang xẻ dọc rải nhựa, lát hè từ cách đây 5-7 năm, song hầu như vẫn nguyên dạng “đóng băng” cỏ dại mọc đầy, giá đất cũng chỉ xê dịch từ 3-5 triệu đồng/m2 tùy theo vị trí. Không hiểu vì đâu, giá đất ruộng lại được rao bán với giá ngất ngưởng như vậy?

 

Rời xã An Đồng, chúng tôi sang tìm hiểu tại huyện Thủy Nguyên và quận mới Dương Kinh, cũng thấy tình trạng tương tự. Theo khảo sát của chúng tôi, giá đất mặt đường thị trấn Núi Đèo hiện chào bán ở mức 80 - 100 triệu đồng/m2. Đoạn  từ chân cầu Bính đến sát Núi Đèo có giá 30 triệu đồng/m2 (tính cả đất lưu không); các tuyến mặt đường gần khu resort Sông Giá cũng có giá tương đương. Tại quận Dương Kinh, giá nhà đất chung quanh khu vực cầu Rào 2 tăng 15-20%, bình quân 7-10 triệu đồng/m2.

 

“Khóc, cười” vì đất

 

Câu chuyện mua đất “trên giấy”, mua bán chuyển nhượng đất canh tác không phải là mới, diễn ra từ nhiều năm nay, khi các dự án đô thị đua nhau mọc lên, điển hình là ở xã Tân Dương (Thủy Nguyên). Đầu năm 2009, khi thị trường nhà đất ảm đạm, phong trào này mới xẹp xuống. Đến nay, khi kinh tế đang dần  phục hồi, các dự án đang khởi động trở lại, đặc biệt là những quy định mới của Nghị định 69 (về quy hoạch sử dụng đất, giá đất bồi thường hỗ trợ tái định cư), thị trường mua bán đất dịch vụ, đất nông nghiệp lại rộ lên.

 

Nhiều người “nhanh nhạy” nghe tin chỗ nào có quy hoạch hay dự án là lập tức đổ xô đến mua để đầu cơ, “chờ thời”, khiến giá đất quanh những khu vực này tăng vùn vụt. Cả thôn 7 (thôn gần dự án VSIP) xã Tân Dương, thời gian gần đây luôn trong tình trạng như “ngồi trên đống lửa” khi ngày nào cũng có khách tới hỏi mua đất nông nghiệp là ao, đầm, ruộng.

 

Đi khắp làng trên xóm dưới, nhà nào cũng râm ran bàn tán về mua mảnh đất này, bán mảnh đất kia. Trong guồng quay “tít mù” ấy, cũng lắm chuyện bi hài, có “kẻ khóc, người cười”. “Đau” nhất vẫn là các chủ đất. Đất sốt nhưng nhiều người dân bán hết rồi mà giá vẫn chẳng được đáng là bao. Thậm chí có người, trước đây sở hữu cả nghìn mét vuông do cha ông để lại, mới bán cách đây vài năm, nay nhìn thấy mảnh đất của mình trị giá gấp cả chục lần, xót ruột, vợ chồng quay ra gằn hắt nhau. Mặc dù lượng khách hàng hỏi mua hiện giảm nhiều so với tháng trước, nhưng giá đất vẫn hét ở mức cao. Hiện một sào ruộng ở đây có giá 60-80 triệu đồng.

 

Vào thời điểm này, không ít người dở khóc, dở cười vì đất mua rồi không được địa phương chứng nhận, xây nhà cũng không xong (vì là đất ruộng). Ông Trần Quốc Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Dương cho biết, do đất qua 4-5 đời chủ gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong khâu quản lý. Trong trường hợp giấy tờ không hợp pháp, sau này người dân gặp khó khăn rất lớn trong việc được nhà nước chi trả tiền đền bù, giải tỏa nếu có chủ trương di dời.

 

Theo một chuyên viên của Sở Tài nguyên và Môi trường, có hai yếu tố tác động tạo nên “sốt” đất cục bộ hiện nay: hoặc là hiện tượng bình thường, xuất phát từ tâm lý “truyền miệng” trong giới kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, cũng không loại trừ thủ đoạn tung tin đồn, tạo thông tin ảo đối với một số khu vực của giới đầu cơ nhằm phục vụ mục đích riêng của họ. Đó là điều mà giới đầu tư nhà đất cần phải tỉnh táo, nếu không may “bong bóng” bất động sản lại một lần nữa… “xì hơi”.

 

Hải Văn

Đọc thêm