Bi hài nghề thông ngôn

Bị cáo bất ngờ xoay sang nói tiếng Việt giỏi hơn cả tiếng bản ngữ, hoặc "đắm đuối câu giờ” với nữ phiên dịch xinh đẹp... là những chuyện từng diễn ra ở các phiên tòa mà người đứng trước vành móng ngựa cần thông dịch viên.   

Bị cáo bất ngờ xoay sang nói tiếng Việt giỏi hơn cả tiếng bản ngữ, hoặc cố “câu giờ” vì muốn trò chuyện với nữ phiên dịch xinh đẹp... là những chuyện từng diễn ra ở các phiên tòa mà người đứng trước vành móng ngựa cần thông dịch viên.   

Đắm đuối câu giờ...

Phiên xử bốn người Trung Quốc trộm két sắt của UBND xã Đại Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội) hôm 25/11, tham gia tố tụng có một nữ phiên dịch viên rất trẻ trung và xinh đẹp.

tuyh

Phiên dịch viên Nguyễn Bích Ngọc

Đó là chị Nguyễn Bích Ngọc (26 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ngọc là phiên dịch viên của Công ty Liên doanh ô tô Việt-Trung nhưng vì say mê pháp luật nên cô vẫn duy trì “nghề tay trái” là phiên dịch tiếng Trung cho các cơ quan tố tụng TP.Hà Nội.

Giọng nói rất trong, phát âm tiếng Trung cực chuẩn của nữ phiên dịch xinh đẹp khiến nhiều người nhầm rằng cô là một kiều nữ Trung Hoa chính hiệu!

Phiên xử hôm đó kéo dài từ sáng đến quá trưa, Ngọc khá vất vả bởi cả bốn bị cáo đều là những tay đạo chích “có số có má”, chúng tỏ ra khá sắc sảo và khôn ngoan khi trả lời thẩm vấn. Phần xét hỏi diễn ra khá gay cấn, nhưng bên lề phiên tòa thì lại có người đùa rằng, do các bị cáo muốn được trò chuyện nhiều với cô thông ngôn xinh đẹp nên cố tình “câu giờ” và sở dĩ phiên tòa này hấp dẫn, thu hút đông đảo người theo dõi cũng vì lý do đó.        

Thót tim vì câu hỏi “nóng”

Với nhiều năm kinh nghiệm ở vị trí phiên dịch cho Hội người Hàn Quốc tại Việt Nam, và cũng đã tham gia phiên dịch nhiều vụ án người nước Hàn phạm tội thế mà ông Trần Ngọc Giang (46 tuổi, ở quận Ba Đình) vẫn gặp ít nhiều lúng túng khi phiên dịch tại Tòa.

Tại phiên xử phúc thẩm bị cáo Kim Ki Jong (25 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc) phạm tội “Giết người”, luật sư bảo vệ bị hại nghi ngờ rằng bị hại đã bị hiếp dâm, cướp tài sản rồi mới bị tước đoạt tính mạng nhằm diệt khẩu phi tang. Xoáy vào lý do này, khi xét hỏi bị cáo, luật sư bị hại đã có nhiều câu hỏi “nóng” khiến phiên dịch phải lúng túng mặc dù vị luật sư này đã rào trước đón sau là “nhạy cảm, tế nhị”.

Đơn cử như: “Bị cáo và nạn nhân đã quan hệ tình dục bao nhiêu lần rồi?”. Kim bối rối: “Dạ, không nhớ chính xác nhưng rất nhiều...”. Tưởng vậy là thoát, không ngờ vị luật sư đưa ra câu hỏi gây “sốc” hơn: “Bị cáo có nhớ rõ hình thể của bị hại có dấu vết đặc biệt nào không? Bị cáo thử mô tả một vài chi tiết nghe coi?”.

Những câu hỏi quá riêng tư, nhạy cảm lại được hỏi quá thẳng khiến ông Giang phải loay hoay, bối rối tìm cách diễn đạt để không “phô”, bị cáo Kim thì mặt đỏ như gấc chín, chỉ biết trả lời rất chung chung: “Dạ rất đẹp”. Cũng may, sau đó HĐXX đã “cắt” và nhắc nhở luật sư không nên hỏi quá sâu mà lại không đúng trọng tâm. Nếu tiếp tục, bị cáo mà trả chung chung thì bị quy kết không thành khẩn, nguy hại cho bị cáo; mà nếu trả lời đúng câu hỏi thì... chí nguy!

Kể ra câu chuyện trên, ông Giang cho rằng đó thực sự là một bài học kinh nghiệm đối với những người tham gia tố tụng khi xét hỏi bị cáo nước ngoài thì chỉ nên hỏi những câu ngắn gọn, dễ hiểu, đúng trọng tâm.

Ấm  áp ngôn ngữ cử chỉ

Trong phiên xử bị cáo Tòng Văn Cường (26 tuổi, người câm điếc) phạm tội “Giết người” của TAND TP.Hồ Chí Minh, cô giáo Trần Thị Ngời (Hiệu trưởng Trường khuyết tật Hy vọng 1) tham gia với vai trò “thông ngôn” cho bị cáo câm điếc.

tfry

Cô giáo Trần Thị Ngời

Phiên tòa này khá đặc biệt, bởi ngoài bị cáo, bị hại và người liên quan đều là những người câm điếc, còn có các em học sinh khuyết tật trường Hy Vọng 1 đến để nghe cô giáo Trần Thị Ngợi dịch nội dung vụ án.

Trong không khí trang nghiêm đặc biệt của pháp đình, bị cáo và những người tham dự phiên tòa chăm chú “lắng nghe” nội dung vụ án được truyền đạt qua ngôn ngữ cử chỉ ân cần, ấm áp của cô giao Ngợi. 

Hơn 30 năm gắn bó với nghề dạy trẻ khuyết tật, cô Ngợi rất hiểu về những con người bất hạnh này. Họ có đầu óc bình thường nhưng suy nghĩ không bình thường. Họ thường hành động theo bản năng mà không thể nhận thức hết được hậu quả. Và đó cũng là lý do cô đưa những học trò khuyết tật của mình đến tham dự phiên tòa, xem như là một buổi học về pháp luật thực tế nhất.

Phiên tòa hôm ấy, bị cáo Cường bị tuyên án 9 năm tù. Nhìn người vợ bị cáo đứng chết lặng dõi theo chiếc xe tù dần mất hút, cô Ngợi thở dài tâm sự những lời trĩu nặng tâm tư: “Đã từng tham gia nhiều phiên tòa cho người khuyết tật, nhưng cô chưa từng gặp học trò của mình trước vành móng ngựa. Cô mong sao trẻ em khuyết tật đều được học hành, giáo dục sẽ hạn chế bị sa vào tình trạng phạm tội và tệ nạn xã hội”.

Cần có trình độ và tấm lòng

Tham gia cộng tác với các cơ quan tố tụng trong vai trò người phiên dịch, những phiên dịch viên lãnh trách nhiệm rất lớn, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu để xảy ra sai sót nghiêm trọng - trong khi khoản thù lao thực tế lại quá ít ỏi nếu đem so với những mức lương tính bằng ngoại tệ được tính theo giờ của họ vẫn làm. Sở dĩ họ vẫn tham gia công việc này vì say mê nghề, đam mê pháp luật, hơn nữa họ muốn góp phần sẻ chia, cứu vớt tâm hồn những kẻ trót “lỡ bước sa chân”./.

Nguyễn Lê

Đọc thêm